Sau khoảng thời gian lình xình đi ngang ở đầu quý 1/2022, thị trường chứng khoán đã khởi đầu quý 2 với diễn biến không mấy tích cực với việc chỉ số VN-Index ghi nhận nhịp điều chỉnh sâu. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4, VN-Index giảm hơn 8,3% so với thời điểm cuối tháng trước đó về mức 1.366,8 điểm. Trong khi đó, HNX-Index thậm chí còn giảm tới gần 18% trong tháng 4, về mức 365,84 điểm dưới áp lực bán mạnh.
Thị trường chứng khoán giảm trong bối cảnh hàng loạt thông tin tiêu cực lan truyền ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư, cộng thêm bối cảnh lo ngại tăng trưởng kinh tế sẽ phải chịu áp lực lạm phát, khả năng phục hồi hậu COVID, căng thẳng địa chính trị quốc tế gây ra đứt gãy chuỗi cung cầu. Điểm sáng là trong tháng 4 vừa qua, khối ngoại đã trở lại mua ròng hơn 4.000 tỷ đồng, qua đó thu hẹp đà bán ròng từ đầu năm 2022 tới nay còn hơn 2.500 tỷ đồng từ mức 7.000 tỷ cuối quý 1.
Bước sang tháng 5, đến hẹn lại lên, nỗi lo về kịch bản “Sell in May and go away” (Bán chứng khoán vào tháng 5 và đi chơi) lại chi phối tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Nguyên nhân có thể được lý giải bởi đây là khoảng thời gian của “vùng trống thông tin”, bên cạnh đó là xu hướng giảm điểm của TTCK Mỹ – nơi tác động mạnh tới sự vận động của TTCK Việt Nam. Đồng thời, dòng tiền khối ngoại có thói quen mua ròng trong quý 1 và quay đầu bán ròng trong quý 2, quý 3 hằng năm.
Không chỉ về điểm số, thanh khoản thường sẽ sụt giảm vào khoảng thời gian này. Ngay những phiên cuối tháng 4, dòng tiền chảy vào thị trường đã trở nên yếu ớt, rơi về mức thấp nhất trong vòng 9 tháng trở lại đây. Việc dòng tiền rút đi nhanh chóng càng khiến nhà đầu tư lo ngại về kịch bản không mấy êm ả với VN-Index khi tháng 5 đang tới gần.
Tuy nhiên, dù hiện tượng “Sell in May” đã được kiểm chứng, song những con số – đặc biệt trong thời gian gần đây – lại đang mang lại điều tích cực. Cụ thể, thống kê lịch sử giao dịch thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy, trong 21 năm vận hành của VN-Index kể từ năm 2001, chỉ số này có 11 năm giảm điểm và 10 năm tăng điểm. Đáng chú ý, trong 7 năm gần nhất (2015-2021) thì có tới 6 năm chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm. Những con số thống kê phần nào cho thấy “Sell in May” đang dần không tác động quá nhiều tới TTCK Việt Nam như quan niệm của giới đầu tư bấy lâu nay.
Vậy tháng 5 năm nay sẽ diễn biến như thế nào?
Điều nhà đầu tư quan tâm nhất lúc này là sau chuỗi điều chỉnh mạnh có phần bất ngờ của tháng 4, thị trường chứng khoán trong thời gian tới sẽ phản ứng như thế nào với hiện tượng “Sell in May”. Trong Tọa đàm Chọn Danh mục số 2 với chủ đề “Chế ngự nỗi sợ” được tổ chức bởi Báo Đầu tư Chứng khoán vào chiều 28/4, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho rằng nhịp chỉnh của thị trường gần đây tuy có biên độ lớn trong xu hướng giảm lớn là chưa rõ ràng. Qua đó, vị chuyên gia tin rằng thị trường sẽ phục hồi trong tháng 5 tới đây.
“Tháng Năm năm nay sẽ không phải là “sell in may” nữa mà là “buy in may”. Tôi thấy đây là cơ hội tốt để nhà đầu tư tham gia thị trường và lựa chọn cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng”, ông Ngọc nhận định.
Với những nhà đầu tư còn nắm giữ tiền mặt, ông Ngọc cho rằng khoảng thời gian 3 – 6 tháng tới, cơ hội tăng trưởng giá là khá cao. Thời điểm hiện tại là đáng để nhà đầu tư “tham lam”, tuy nhiên cần nhìn ba yếu tố trước khi quyết định mua cổ phiếu gồm (1) nội tại tài chính doanh nghiệp, (2) quản trị công ty và (3) định giá rẻ.
Theo đánh giá của Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), cả thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, mùa “Earnings Season” tháng Tư vừa qua được xem là mùa kiếm tiền, tuy nhiên cũng không thể khiến thị trường tăng điểm, điều này đã cho thấy thị trường đang không bền vững. “Sell in May” đã diễn ra sớm trong năm nay, nên có thể tháng Năm tới đây, thị trường có thể ít nhiều hồi phục hoặc không giảm quá sâu nữa.
Song, nhìn chung, ông Huy cho rằng trạng thái “vùng trũng thông tin” sẽ khả năng cao tiếp diễn, dẫn đến tình trạng giao dịch tẻ nhạt với thanh khoản thấp như đã diễn ra trong những phiên hồi tuần vừa qua.
Trong khi đó, Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco đưa ra góc nhìn lạc quan hơn, cho rằng hiệu ứng “Sell in May” không phải lúc nào cũng chính xác. Trong 2 năm gần đây nhất là năm 2020 và 2021, VN-Index còn có mức tăng trưởng ấn tượng lần lượt là 12,4% và 7,15% so với tháng trước đó. Vì vậy, vị chuyên gia đến từ Agriseco này cho rằng thị trường trong tháng 5/2022 có thể diễn ra tích cực hơn so với những lo ngại của dòng tiền.
“Thay vì bi quan và lựa chọn bán hết cổ phiếu trong tháng 5 và đi chơi, nhà đầu tư có thể tận dụng thời gian này để gom cho mình các cổ phiếu tốt với mức giá hấp dẫn”, ông Khoa khuyến nghị.
https://babfx.com/khong-sell-in-may-6-7-nam-gan-nhat-chung-khoan-viet-nam-da-tang-diem-trong-thang-5-20220502183722178.chn
Để lại một phản hồi