Các đại gia bán lẻ công nghệ của Việt Nam đang làm ăn ra sao?

TIN MỚI

    Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 ghi nhận doanh thu ở mức 31.441 tỉ đồng, tăng 7% so với quý I năm trước, hoàn thành 25% kế hoạch của năm.

    Trong cơ cấu doanh thu, chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh mang về 21.300 tỉ đồng (chiếm 67,7%), tăng 7% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng chính là ngành hàng điện máy, trong đó nổi bật là sản phẩm máy lạnh tăng trưởng gần 50% so với cùng kỳ.

    Doanh thu online của các hệ thống này đạt khoảng 3.500 tỉ đồng, chiếm 16% doanh thu 2 chuỗi.

    Doanh thu của chuỗi Bách hóa Xanh tăng mạnh tới 44% đạt 9.100 tỉ đồng doanh thu. Động lực để tăng trưởng đến từ 2 nhóm ngành là thực phẩm tươi sống và nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh.

    Về mạng lưới, tập đoàn bán lẻ này đang sở hữu 1.071 cửa hàng Thế giới Di động (bao gồm TopZone), 2.184 cửa hàng Điện máy Xanh, 1.696 cửa hàng Bách hóa Xanh, 526 nhà thuốc An Khang, 64 cửa hàng AVAKids và 55 cửa hàng Erablue (ở nước ngoài)

    Trên thị trường, cổ phiếu MWG hiện có giá 54.900 đồng/cổ phiếu. So với đầu tháng 4, cổ phiếu này giảm gần 11% nhưng so với đầu năm, vẫn tăng hơn 12%.

    Các đại gia bán lẻ công nghệ của Việt Nam đang làm ăn ra sao?- Ảnh 1.

    Biến động cổ phiếu MWG 3 tháng qua Nguồn: Fireant

    Một đối thủ lớn của Thế Giới Di Động là Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã chứng khoán: FRT) cũng cho biết kết quả kinh doanh sau 3 tháng đầu năm khá tích cực.

    Cụ thể, FPT Retail ghi nhận doanh thu 9.042 tỉ đồng, tăng 17% so với năm trước và hoàn thành 24% kế hoạch năm.

    Lợi nhuận sau thuế của FPT Retail gấp 29 lần so với quý I năm trước, đạt 60 tỉ đồng. Kết quả trên chủ yếu nhờ vào quá trình thực hiện dịch chuyển cơ cấu sản phẩm, tỉ lệ lãi gộp của chuỗi FPT Shop – chuỗi bán lẻ điện thoại di động, máy tính bảng… tăng lên 3% so với quý I/2023.

    Bên cạnh đó, chuỗi cửa hàng Long Châu tiếp tục mở rộng hệ thống nhà thuốc, duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu 68% so với cùng kỳ.

    Thêm nữa, FPT Retail cho biết nhờ vào việc tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất tốt nên giúp chi phí tài chính của doanh nghiệp giảm đến 50%.

    Cổ phiếu FRT trên thị trường đang ở mức 161.000 đồng/cổ phiếu, tăng gần 51% so với đầu năm, mức cao kỷ lục từ khi lên sàn.

    • FPT Retail tổ chức thành công đại hội cổ đông thường niên 2024

    Tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, FPT Retail cho biết sẽ đóng một số cửa hàng FPT Shop hoạt động không tốt nhằm tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

    Đồng thời tiếp tục mở rộng chuỗi Long Châu với 400 nhà thuốc mở mới, nâng tổng số lên khoảng 1.900 cửa hàng vào cuối năm 2024. Ngoài ra, FPT Retail đặt mục tiêu mở 100 trung tâm vắc xin mới trong năm 2024.

    Cũng kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ nhưng ở mảng phân phối, Công ty CP Thế Giới Số (Digiworld mã chứng khoán: DGW) công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 5.000 tỉ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước.

    Các mảng kinh doanh của Digiworld tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ, như mảng điện thoại di động tăng 29% và thiết bị văn phòng tăng 48%. Mảng máy tính xách tay và máy tính bảng tăng nhẹ 4%,

    Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính đến từ lãi tiền gửi ngân hàng và cho vay, lãi chênh lệch tỉ giá, chiết khấu thanh toán được hưởng… giảm 35%, xuống còn khoảng 24 tỉ đồng.

    Bên cạnh đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong quý lần lượt tăng lên gần 100 tỉ đồng (chủ yếu đến từ chi phí quảng cáo, khuyến mãi, hỗ trợ bán hàng) và 9 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước (chi phí nhân viên).

    Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của Digiworld vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ, ở mức 16,4%, đạt 93,2 tỉ đồng. Hiện, cổ phiếu DGW hiện có giá 59.000 đồng/cổ phiếu. Nếu tính từ đầu năm 2024 trở lại đây, cổ phiếu này đã tăng gần 13%.

    Hãy bình luận đầu tiên

    Để lại một phản hồi

    Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


    *