Nhật nêu phương án giảm phụ thuộc năng lượng Nga

“Chúng tôi sẽ sử dụng các lò phản ứng hạt nhân với các bảo đảm an toàn để góp phần giảm sự phụ thuộc trên toàn thế giới vào năng lượng Nga”, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại London hôm nay khi đang thăm Anh. “Chỉ khởi động lại một lò phản ứng hạt nhân hiện có sẽ tác dụng tương tự như cung cấp một triệu tấn LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) mới mỗi năm cho thị trường toàn cầu”.

Nhật Bản phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt Nga từ khi đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân sau thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011. Tuy nhiên, đối mặt với các cuộc bầu cử vào tháng 7 và giá năng lượng tăng cao đang siết chặt ngân sách, ông Kishida cho biết hạt nhân sẽ là một phần trong chính sách năng lượng tương lai của đất nước.

“Nhật Bản sẽ giải quyết tính dễ bị tổn thương của khả năng tự cung cấp năng lượng bằng cách mở rộng nguồn mua năng lượng, thúc đẩy năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hạt nhân để đa dạng hóa các nguồn phát điện”, Thủ tướng Nhật nói thêm.

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida phát biểu tại quận tài chính City of London, Anh ngày 5/5. Ảnh: Kyodo News.

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida phát biểu tại quận tài chính City of London, Anh ngày 5/5. Ảnh: Kyodo News.

Hơn một thập kỷ sau trận động đất và sóng thần tháng 3/2011 dẫn tới thảm họa Fukushima, khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất kể từ Chernobyl, năng lượng hạt nhân vẫn là vấn đề khó khăn ở Nhật Bản, nơi chỉ số ít trong số 30 nhà máy đang hoạt động.

Tuy nhiên, phần lớn công chúng và doanh nghiệp được cho là muốn chính phủ khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân để giải quyết vấn đề an ninh năng lượng. Cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay và giá năng lượng cao hơn đã tạo thêm động lực cho chính phủ của ông Kishida thay đổi quan điểm.

Phát biểu tại London, Thủ tướng Nhật cho biết khoản đầu tư 150 nghìn tỷ yên (1,16 nghìn tỷ USD) sẽ được huy động trong thập kỷ tới để đáp ứng các mục tiêu về trung hòa carbon vào năm 2050 và giảm 46% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.

Ông cũng vạch ra lộ trình đến năm 2030 nhằm tập trung sử dụng tối đa “định giá carbon vì mục tiêu tăng trưởng” và xúc tiến các dự án dài hạn.

Quan hệ Nga – Nhật trở nên căng thẳng sau xung đột tại Ukraine. Nhật Bản đã cùng các nước phương Tây áp lệnh trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự nước này tiến hành tại Ukraine, như bỏ quy chế tối huệ quốc với Nga, trục xuất các nhân viên ngoại giao và ngừng nhập khẩu than Nga.

Bộ Ngoại giao Nga hồi tháng 3 thông báo không có ý định tiếp tục đàm phán hiệp ước hòa bình với Nhật, cáo buộc Tokyo “công khai thể hiện thái độ thiếu thiện chí và tìm cách gây tổn hại lợi ích của đất nước chúng tôi”. Nga và Nhật vẫn chưa ký hiệp ước hòa bình để chấm dứt Thế chiến II do tranh chấp tại quần đảo Kuril/Lãnh thổ phương Bắc.

Nga cũng đình chỉ những cuộc đàm phán về các dự án hợp tác kinh tế với Nhật tại quần đảo Kuril/Lãnh thổ phương Bắc, đồng thời chấm dứt quy chế đi lại không cần visa với công dân Nhật. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định quyết định được đưa ra bởi “những hạn chế đơn phương Nhật Bản áp đặt với Nga, liên quan tình hình ở Ukraine”.

Nga hôm 4/5 thông báo cấm nhập cảnh vô thời hạn đối với 63 công dân Nhật Bản, trong đó có Thủ tướng Kishida, Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi, Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi cùng các thành viên nội các, nghị sĩ, nhà báo và chuyên gia. Thủ tướng Kishida chỉ trích lệnh cấm này là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Huyền Lê (Theo Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*