Thừa nhận chỉ đạo ‘anh em làm nhanh’
Sáng 23/7, phiên xét xử vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn FLC tiếp tục với phần xét hỏi nhóm bị cáo thuộc Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán TPHCM.
Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Trần Đắc Sinh , cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) khai, được nghe cấp dưới báo cáo việc Công ty Faros có vấn đề về kiểm toán và Ủy ban Kiểm toán đã “lưu ý cẩn trọng”. Tuy nhiên, trong vai trò Chủ tịch HĐQT của HOSE, ông không có quyền quyết định việc niêm yết hay không.
Theo ông Sinh, việc xét duyệt hồ sơ niêm yết là nhiệm vụ chuyên môn sâu thuộc Ban điều hành và Hội đồng thẩm định niêm yết. Khi 2 đơn vị này đã xem xét và đề nghị cho Công ty Faros niêm yết, hồ sơ mới chuyển lên HĐQT trong một cuộc họp giao ban tháng của năm 2016.
Tại cuộc họp, Ban điều hành và Hội đồng thẩm định niêm yết bảo đủ điều kiện niêm yết dựa trên thủ tục. Còn HĐQT HOSE chỉ nghe và thống nhất ý kiến, có chức năng kiểm tra, giám sát.
Ông Sinh cho rằng, trong vụ án, trách nhiệm chính thuộc về người quyết định việc niêm yết là Tổng giám đốc HOSE.
Cựu Chủ tịch HOSE khẳng định trước khi cổ phiếu ROS lên sàn khoảng 5 – 6 tháng, ông đi công tác Quy Nhơn cùng Ban Kinh tế Trung ương và tại đây đã “gặp bị cáo Trịnh Văn Quyết “. Một thời gian sau, bị can Doãn Văn Phương (Tổng giám đốc FLC, đang bỏ trốn) đến văn phòng HOSE, đề nghị ông Sinh chỉ đạo cấp dưới “làm nhanh hồ sơ Faros”.
Tại tòa hôm nay, ông Sinh thừa nhận “chỉ đạo nhân viên làm nhanh” không chỉ với Faros mà nhiều đơn vị khác. “Sai phạm trong vụ án là hệ thống, từ kiểm toán, Ủy ban Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán”, ông Sinh nói.
Tới lượt mình, bị cáo Lê Hải Trà (cựu Tổng giám đốc HOSE) khai, cá nhân ông có mối quan hệ với Trịnh Văn Quyết từ thời điểm trước năm 2016, khi ông Trà còn công tác tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Cả hai thường xuyên cùng nhau chơi tennis.
Cựu Tổng giám đốc HOSE cho rằng, việc niêm yết cổ phiếu trên sàn có các bước như: Phòng Quản lý và Thẩm định niêm yết sẽ tiếp nhận và xử lý các thủ tục; sau khi đủ các điều kiện, Phòng sẽ trình Hội đồng niêm yết để các thành viên đánh giá, đưa ra ý kiến; cuối cùng, Tổng giám đốc sẽ là người đưa ra quyết định theo thẩm quyền.
Với tư cách là một thành viên độc lập trong Hội đồng niêm yết, bị cáo Trà có ý kiến tại phiếu đánh giá hồ sơ của Phòng Quản lý.
Theo ông, trong vụ việc này HOSE không biết về những thông tin sai lệch trong hồ sơ niêm yết của Công ty Faros, đồng thời Sở cũng không có chức năng, thẩm quyền trong kiểm tra, xác minh các thông tin mà chỉ dựa trên hồ sơ được gửi để xử lý.
Đối với nội dung cáo trạng quy kết, trên cương vị lãnh đạo HOSE, cả hai ông Sinh và Trà đều không có ý kiến và “tôn trọng cáo buộc của cơ quan điều tra”.
Lãnh đạo ‘đôn đốc’
Cùng trả lời xét hỏi, bị cáo Trầm Tuấn Vũ (nguyên Phó tổng giám đốc, Phó chủ tịch hội đồng niêm yết HOSE) và Lê Thị Tuyết Hằng (Giám đốc phòng quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên hội đồng niêm yết) đều khẳng định bản thân không có kinh nghiệm làm việc. Khi được ông Sinh và Tổng giám đốc Trà “đôn đốc” đã làm nhanh hồ sơ để Faros được niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trong cáo trạng Viện kiểm sát cáo buộc, Công ty FLC Faros, tiền thân là Công ty xây dựng và đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà, được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ khởi đầu 1,5 tỷ đồng.
Từ 2014 – 2016, ông Trịnh Văn Quyết đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của FLC Faros.
Do muốn biến Faros thành công ty đại chúng để niêm yết trên sàn chứng khoán Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE). Ông Quyết được các ông Trần Đắc Sinh, Lê Hải Trà, cùng một số cán bộ khác tại HOSE và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam “giúp sức”.
Theo Viện kiểm sát, trong quy chế hoạt động của HĐQT và Hội đồng niêm yết sàn HOSE thì việc thẩm định chấp thuận niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros không thuộc thẩm quyền của HĐQT.
Ngoài ra, ông Sinh với vai trò là Chủ tịch HĐQT HOSE biết báo cáo kiểm toán về tài chính năm 2014 và 2015 của doanh nghiệp này không phù hợp. Báo cáo vi phạm lưu ý lớn rằng “không đủ cơ sở để xác định số vốn thực góp”. Tuy nhiên, do mối quan hệ cá nhân và nhiều lần được Trịnh Văn Quyết cùng bị can Doãn Văn Phương (cựu Tổng giám đốc Tập đoàn FLC – đang bỏ trốn) nhờ giúp đỡ nên ông Sinh hỗ trợ để Faros được niêm yết.
Viện kiểm sát cho rằng, ông Sinh nhiều lần trực tiếp chỉ đạo cấp dưới Lê Hải Trà, Trầm Tuấn Vũ, Lê Thị Tuyết Hằng tạo điều kiện sớm niêm yết cổ phiếu cho Faros. Do đó, trong khi Faros chưa bổ sung đầy đủ hồ sơ theo quy định, ông Trần Đắc Sinh đã chỉ đạo, tổ chức họp HĐQT quyết định về hồ sơ niêm yết của doanh nghiệp.
Còn Lê Hải Trà bị cáo buộc, biết rõ báo cáo kiểm toán về tài chính của Faros có vi phạm bởi chưa có căn cứ xác định số vốn thực góp. Song, do có mối quan hệ quen biết Trịnh Văn Quyết nên Lê Hải Trà đã ký phiếu đồng ý niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros trái pháp luật.
Tại cơ quan điều tra, ông Trà khai nguyên nhân phạm tội là “do muốn giúp đỡ Trịnh Văn Quyết”.
Cơ quan tố tụng xác định, sai phạm của ông Sinh và ông Trà dẫn đến hậu quả Trịnh Văn Quyết được niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống trên sàn chứng khoán, thực hiện việc lừa đảo chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của nhà đầu tư.
Để lại một phản hồi