CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) mới đây đã công bố cập nhật tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy doanh thu thuần đạt 65.621 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 52% kế hoạch doanh thu cả năm.
Đối với Bách Hóa Xanh, Thế Giới Di Động cho biết lũy kế 6 tháng đầu năm, chuỗi siêu thị mini này đạt 19,4 nghìn tỷ đồng doanh thu, tăng 42% so với cùng kỳ. Riêng tháng 6, doanh thu của Bách Hóa Xanh đạt 3,6 nghìn tỷ đồng, tăng gần 5% so với tháng liền trước. Hai ngành hàng tươi sống và FMCGs tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho chuỗi.
Cũng trong tháng 6, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng của Bách Hóa Xanh đạt 2,1 tỷ đồng. Như vậy, kể từ tháng 3/2024 tới nay, con số này đã đều đặn tăng từ 1,8 tỷ đồng lên 1,9 tỷ trong tháng 4; rồi lên 2 tỷ trong tháng 5 và 2,1 tỷ trong tháng 6.
Theo báo cáo tài chính của MWG, Bách Hóa Xanh đã lãi gần 7 tỷ đồng trong quý II – lần đầu tiên “đem tiền về cho mẹ” kể từ khi đi vào hoạt động.
Hiện nay, Bách Hóa Xanh có tổng cộng 1.701 cửa hàng đang hoạt động. Theo thông tin trên fanpage tuyển dụng của Bách Hóa Xanh, trong tháng 8 chuỗi siêu thị mini này sẽ khai trương 7 cửa hàng mới, bao gồm 3 cửa hàng ở TP.HCM, 2 cửa hàng ở Đồng Nai, 1 cửa hàng ở Bình Dương và 1 cửa hàng ở Long An.
Nhìn lại cả hành trình, có thể thấy Bách Hóa Xanh đã lội ngược dòng ngoạn mục nhờ quá trình tái cấu trúc.
Ra đời từ cuối năm 2015, sau một năm hoạt động, Bách Hóa Xanh trở thành đề tài được các nhà đầu tư của Thế Giới Di Động quan tâm nhất. Tại buổi gặp mặt hồi tháng 11/2016, Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài cho biết ông đã cân nhắc kỹ lưỡng khi bước chân vào ngành buôn bán nhu yếu phẩm, bởi tổng giá trị thị trường cao gấp 10 lần so với ngành điện thoại và điện máy.
Vị Chủ tịch khi đó cũng khẳng định rằng thời gian sẽ chứng minh Thế Giới Di Động không phải “bếp ăn từ thiện” để nuôi Bách Hóa Xanh, mà chuỗi siêu thị này sẽ là mô hình có lợi nhuận.
Sau 3 năm hoạt động, Bách Hóa Xanh phải gánh khoản lỗ hơn 550 tỷ đồng. Ban lãnh đạo quyết định chuyển đổi mô hình từ truyền thống sang thiết kế mở nhằm tăng doanh thu. Diện tích cửa hàng và cả số lượng điểm bán đều được tăng lên. Năm 2021, số cửa hàng của Bách Hóa Xanh lên đến hơn 2.100, nhưng tình hình kinh doanh ngày càng “lỗ chồng lỗ”. Kể từ mốc này, số cửa hàng giảm dần đều qua các năm.
Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra hồi tháng 4/2024, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài chỉ ra rằng Bách Hóa Xanh là đơn vị đầu tiên bước vào quá trình tái cấu trúc của tập đoàn này. Số cửa hàng bị cắt giảm từng lên đến 900.
“Bây giờ doanh thu của Bách Hóa Xanh đã cao hơn thời điểm còn 2.600 cửa hàng. Đó là khái niệm giảm lượng – tăng chất“, ông Nguyễn Đức Tài trình bày.
“Bách Hóa Xanh sau quá trình tái cấu trúc vài năm đang bước vào một giai đoạn rất mới. Trước đây chúng ta lên thành phố làm việc, ba mẹ dưới quê phải gửi tiền lên để chúng ta xài. Đây là năm chiều ngược lại sẽ diễn ra. Bách Hóa Xanh sẽ bắt đầu đứng lên đem tiền gửi về quê cho ba mẹ“, vị Chủ tịch tuyên bố.
Để lại một phản hồi