Trong báo cáo cập nhật ngành bán lẻ mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết đặc tính hạ tầng giao thông Việt Nam chưa phù hợp phát triển mạnh cho thị trường ô tô trong trung hạn, thay vào đó, người dân sẽ duy trì “văn hóa xe máy chủ đạo”. Điều này khiến mô hình chợ truyền thống, tạp hóa và siêu thị mini mở len lỏi trong dân như Bách hóa xanh, Winmart chiếm được ưu thế.
Mô hình đại siêu thị/trung tâm thương mại được ưa chuộng trong quốc gia có hạ tầng giao thông phát triển – văn hóa xe hơi, người dân chủ yếu di chuyển bằng ô tô trên cao tốc không xảy ra kẹt xe cao, dễ dàng tìm kiếm bãi đỗ xe/hầm xe, thực hiện mua sắm tất cả trong 1 địa điểm tích hợp đầy đủ hàng hóa, dịch vụ.
Điều này cũng hình thành chiến lược phát triển về mật độ cửa hàng ở các chuỗi bán lẻ lớn ở từng quốc gia. Tại các quốc gia văn hóa xe ô tô như Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc, các siêu thị/đại siêu thị/trung tâm thương mại (trên 500 m2) chỉ cần số lượng cửa hàng ít, đặt ở các địa điểm trung tâm bao quanh các cao tốc.
Trong khi tại Việt Nam, người dân sử dụng xe máy phổ biến nên việc ghé vào các mô hình chợ truyền thống và cửa hàng nhỏ như tạp hóa, siêu thị mini nằm len lỏi trong các tuyến đường với số lượng lớn, được ưa chuộng hơn.
Mặt khác, VDSC nhận định mô hình bán lẻ diện tích lớn như đại siêu thị/trung tâm thương mại còn gặp khó trong việc tìm mặt bằng tại khu vực đô thị như Hà Nội, TP.HCM do quỹ đất hạn hẹp. Trong khi, thị trường tỉnh lẻ với đặc thù là hành vi mua sắm của người dân vẫn nặng truyền thống, cũng mang nhiều thách thức với các nhà bán lẻ này.
Với văn hóa xe máy , hai ông lớn dẫn đầu là Bách hóa xanh, Winmart thực hiện mở mô hình siêu thị mini (dưới 500 m2), len lỏi với số lượng lớn hơn nhiều trong dân.
Siêu thị mini trở thành điểm sáng nhờ sự thay đổi nhanh chóng trong thói quen tiêu dùng
Theo VDSC, cả hai mô hình: chợ truyền thống & tạp hóa và siêu thị mini như Bách hóa xanh, Winmart đều có điều kiện thuận lợi để duy trì thị phần dẫn đầu tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, với các đặc điểm phù hợp với tầng lớp đang gia tăng nhanh chóng – giới trẻ (Gen Y, Z), văn phòng với thu nhập tốt hơn, dần thay thế cho thế hệ trước (Gen X), siêu thị mini có cơ sở tăng thị phần nhanh trong các năm tới từ nền thấp (~7-8%).
Tuy nhiên, mô hình chợ truyền thống vẫn còn nhiều điểm mạnh riêng về giá cả rẻ, đa dạng mặt hàng, thực phẩm tươi sống và là thói quen tiêu dùng lâu năm của đại bộ phận người dân. Do đó, VDSC cho rằng mô hình này vẫn sẽ dẫn đầu thị trường với mức thị phần cao 60-65% trong trung hạn, sụt giảm từ mức 85% hiện tại.
“Tựu chung lại, cả Bách hóa xanh và Winmart là mô hình cửa hàng bách hóa có bàn đạp thuận lợi, để tạo tăng trưởng cao trong 3-5 năm tới, đặc biệt sau những hiệu quả từ chiến lược tái cấu trúc mạnh mẽ của hai chuỗi“, báo cáo nêu rõ.
Kết quả kinh doanh khởi sắc
Thực tế, Bách hoá Xanh và Winmart đều đang ghi nhận những con số ấn tượng về doanh thu và lợi nhuận trong thời gian vừa qua.
Nổi bật là Bách Hoá Xanh với doanh thu nửa đầu năm 2024 đạt 19.400 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ và là mức cao nhất từng đạt được kể từ khi hoạt động. Riêng trong quý 2/2024, doanh thu của Bách Hoá Xanh đạt khoảng 10.300 tỷ đồng. Kết quả, chuỗi siêu thị đã lần đầu tiên “đem tiền về cho mẹ” khi lãi gần 7 tỷ đồng trong quý 2.
Đáng chú ý, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh đã đạt đỉnh 2,1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, con số cao nhất từ trước đến nay, ngoại trừ giai đoạn tháng 7/2021, thời điểm dịch COVID-19 doanh thu từng đột biến và chạm mốc này.
Tính đến cuối quý 2/2024, Bách Hóa Xanh có 1.701 cửa hàng, tăng 3 cửa hàng so với đầu năm 2024. Dù số lượng mở mới chưa phải quá lớn nhưng đây được xem là thông tin tích cực khi mà quy mô cửa hàng Bách Hóa Xanh chủ yếu đi ngang trong hơn 2 năm qua.
Bên cạnh đó, c huỗi WinMart bắt đầu có lợi nhuận dương từ tháng 6/2024 sau quá trình cải tổ hệ thống cửa hàng và liên tục áp dụng các giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả. Quý 2/2024, WinCommerce (công ty vận hành chuỗi WinMart/WinMart+/WiN) ghi nhận doanh thu tăng trưởng 9,2% so với cùng kỳ, đạt 7.844 tỷ đồng trên toàn mạng lưới.
Tính đến tháng 6/2024, WCM vận hành 3.673 điểm bán, mở 40 cửa hàng mới kể từ tháng 12 năm 2023. WCM dự kiến sẽ đẩy nhanh tốc độ mở cửa hàng trong nửa cuối năm 2024, hướng đến mục tiêu 4.000 điểm bán trải rộng cả nước trong năm nay.
Masan đặt mục tiêu doanh thu 60.000 tỷ đồng cho hệ thống WinMart vào năm 2028 với tỷ suất lợi nhuận khoảng 3 – 5%, dựa trên quy mô khoảng 8.000 cửa hàng/ siêu thị. Tính trung bình tốc độ tăng trưởng 15% trong 5 năm, so với doanh thu 2023 khoảng 30.000 tỷ đồng.
Để lại một phản hồi