Một thông tin quan trọng được GS-TSKH. Nguyễn Mại đề cập trong Báo cáo thường niên về đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, do Hiệp hội Doanh nghiệp FDI công bố ngày 10/5, đó là NEM – một phương thức đầu tư mới – sẽ nhanh chóng trở thành phương thức quan trọng đối với thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Theo GS. Nguyễn Mại, NEM chính là hình thức đầu tư không sử dụng vốn chủ sở hữu. Các tập đoàn đa quốc gia thường sử dụng hình thức đầu tư này nhằm gia tăng lợi nhuận cận biên thông qua tìm kiếm thị trường tiềm năng mà không cần góp vốn.
“NEM cho phép các tập đoàn đa quốc gia điều phối hoạt động chuỗi cung ứng sản phẩm, tạo cơ hội cho các nhà sản xuất và cung ứng trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Khoản ‘vốn đầu tư’ của nhà đầu tư nước ngoài thường bao gồm việc cung cấp thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, bí quyết kinh doanh”, GS. Nguyễn Mại lý giải.
Lý giải thêm, GS. Nguyễn Mại cho biết, FDI có hai loại: thông qua góp vốn đầu tư và không đầu tư. Tuy nhiên, hai hình thức này không loại trừ nhau mà sẽ bổ sung cho nhau.
Cụ thể, một số nhà đầu tư nước ngoài vẫn thực hiện hình thức “cổ truyền” khi thực hiện dự án FDI ở nước khác, trong khi ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia chuyển sang áp dụng NEM. Sau một thời gian, nhận thấy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, cần mở rộng kinh doanh thì các tập đoàn đa quốc gia góp vốn bằng cách mua cổ phần hoặc tăng thêm vốn đầu tư.
“NEM đang có xu hướng gia tăng vì đưa lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp nước tiếp nhận FDI. Chẳng hạn, ngành công nghiệp ô tô, 30% linh kiện và phụ tùng được sản xuất theo hợp đồng nhập khẩu, tạo ra khoảng 25% số việc làm của ngành này”, GS. Nguyễn Mại nói.
Cũng theo GS. Nguyễn Mại, một vài năm gần đây, một số tập đoàn kinh tế Việt Nam cũng đã chủ động tiếp cận và thực hiện NEM. Vinfast và Vinsmart – hai thương hiệu của Vingroup – là điển hình cho NEM.
Cùng với NEM, Báo cáo thường niên FDI Việt Nam cho biết, từ năm 2011 tới nay, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) cũng đã trở thành hình thức quan trọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Theo GS. Nguyễn Mại, M&A trở nên sôi nổi hơn do quá trình đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và do nhiều doanh nghiệp trong nước có đủ tiềm lực, sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.
Thông tin cho biết, bất chấp đại dịch, M&A tại Việt Nam vẫn hoạt động sôi nổi. 362 giao dịch M&A đã được FiinGroup ghi nhận trong năm 2021 tại Việt Nam, với tổng giá trị M&A đạt 12 tỷ USD, tăng 150% so với năm 2000, tương đương với kỷ lục 13,4 tỷ USD năm 2017. Giá trị giao dịch trung bình mỗi thương vụ cũng tăng từ 23 triệu USD năm 2020 lên 39 triệu USD năm 2021.
“Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục là động lực cho các hoạt động M&A tại Việt Nam, chiếm 78,3% tổng giá trị M&A”, GS. Nguyễn Mại cho biết.
Số liệu thống kê cho biết, năm 2019, Hồng Kông là đối tác M&A lớn nhất của Việt Nam, với tổng giá trị giao dịch là 4,45 tỷ USD. Trong đó, thương vụ lớn nhất là của Beerco Ltd (Hồng Kông) góp vốn, mua cổ phần của Công ty TNHH Vietnam Beverage 3,85 tỷ USD.
Năm 2020, Singapore dẫn đầu về M&A với 2,166 tỷ USD, tiếp theo là Nhật Bản 1,149 tỷ USD và Hàn Quốc, 1 tỷ USD.
Năm 2021, Singapore tiếp tục dẫn đầu, với 3,369 tỷ USD. Tiếp theo là Hà Lan 816 triệu USD và Hàn Quốc 591 triệu USD.
Để lại một phản hồi