Con sông phân đôi chiến tuyến đông Ukraine

Chiến sự tại Ukraine đã bước sang tháng thứ ba, nhưng lực lượng Nga vẫn chưa đạt được mục tiêu tổi thiểu do Tổng thống Vladimir Putin đề ra trước đó, khi không chiếm thêm được mục tiêu mang tính chiến lược nào ngoài khu vực Donbass ở đông Ukraine.

Tại miền đông Ukraine, lực lượng Nga đã kiểm soát được khoảng 80% lãnh thổ và đang hướng tới mục tiêu đánh bật hoàn toàn các đơn vị phòng thủ Ukraine ra khỏi hai tỉnh Lugansk và Donetsk. Trong khi đó, các đơn vị quân đội Ukraine dù đã suy yếu sau nhiều tuần giao tranh khốc liệt vẫn nỗ lực cầm chân và chia cắt lực lượng Nga.

Tình thế này khiến chiến trường miền đông Ukraine đang hình thành hai vùng chiến tuyến rõ rệt, với ranh giới tự nhiên là con sông Siverskiy Donets chảy theo hướng tây bắc – đông nam, phân đôi vùng Donbass, cản đà tiến của cả hai phía.

Cầu phao của Nga bị phá hủy gần khu dân cư Bilohorivka ở tỉnh Lugansk, Ukraine ngày 10/5. Ảnh: BlackSky.

Cầu phao của Nga bị phá hủy gần khu dân cư Bilohorivka ở tỉnh Lugansk, Ukraine ngày 10/5. Ảnh: BlackSky.

Các quan chức Mỹ nhận định Nga triển khai khoảng 100 nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn (BTG) tại Ukraine, mỗi đơn vị có khoảng 1.000 quân. Khoảng 20 BTG dự bị đang tập kết ở gần biên giới Nga, sẵn sàng chi viện cho chiến trường. Tại Lugansk và Donetsk, nơi Nga tập trung hoạt động tác chiến trong giai đoạn hai chiến dịch quân sự đặc biệt, họ chưa kiểm soát thêm được thành phố lớn nào ngoài Mariupol.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ nhận định tình hình có thể sắp thay đổi, sau khi lực lượng Nga liên tục pháo kích các mục tiêu nằm dọc vành đai công nghiệp Lugansk, bao gồm các thị trấn Severodonetsk và Rubizhne.

Sau nhiều tuần hứng pháo kích dữ dội, lực lượng Ukraine đã từ bỏ vành đai phòng thủ ở thị trấn Rubizhne. Các tay súng Cộng hòa Chechnya thuộc Nga và phe ly khai ở Lugansk đã tiến vào kiểm soát thị trấn, vốn gần như đã trở thành bình địa.

Việc để mất Rubizhne khiến tuyến phòng thủ của quân đội Ukraine tại thành phố Severodonetsk trở nên dễ tổn thương hơn. Nếu quân đội Ukraine không chống đỡ được đà tiến của lực lượng Nga tại Severodonetsk, họ sẽ phải lùi về phía sau, lập phòng tuyến mới sâu hơn trong lãnh thổ.

Trong tình huống đó, lực lượng Nga có thể tiến theo hai hướng từ phía bắc và phía đông, tạo thế gọng kìm khóa chặt khả năng kháng cự của các đơn vị quân đội Ukraine ở Donbass.

Nhưng mũi tiến quân của Nga từ phía bắc vấp phải phòng tuyến tự nhiên của Ukraine, đó là sông Siverskyi Donets. Dòng sông này khởi nguồn từ Nga, chảy vào Ukraine rồi quay lại lãnh thổ Nga và nhập vào sông Don, tạo nên địa hình rất phức tạp với nhiều đầm lầy, bãi bồi và hồ móng ngựa. Loại địa hình này được ví như cơn ác mộng cho bất kỳ chiến dịch quân sự nào.

Để vượt sông Siverskyi Donets nhanh chóng nhất, lực lượng Nga đã huy động công binh bắc cầu phao, đưa đội hình tăng thiết giáp sang bờ phía tây nhằm bao vây quân Ukraine. Tuy nhiên, lực lượng Ukraine dường như cũng nắm được kế hoạch này và lên kế hoạch ứng phó.

Xe tăng Nga vượt sông Siverskiy Donets

Xe tăng Nga vượt sông Siverskiy Donets

Xe tăng Nga vượt sông Siverskiy Donets khi tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine trong video công bố ngày 9/4. Video: BQP Nga.

Hình ảnh được quay bằng máy bay không người lái cho thấy pháo binh Ukraine đã tập kích vào các vị trí lực lượng Nga bắc cầu phao vượt sông. Những quả đạn pháo trút xuống rất chính xác, cho thấy lực lượng Ukraine nhiều khả năng đã căn sẵn tọa độ tại những đoạn sông mà họ xác định là lực lượng Nga dễ lập cầu phao nhất.

Ảnh vệ tinh được công bố gần đây cho thấy ít nhất ba cầu phao bắc qua sông Siverskyi Donets bị phá hủy và lực lượng Nga hứng chịu nhiều tổn thất trong các nỗ lực vượt sông. Quân đội Ukraine cho hay ít nhất một BTG của Nga đã bị vô hiệu hóa, với khoảng 73 xe tăng, thiết giáp bị phá hủy khi vượt sông.

Dòng sông phân đôi chiến tuyến đông Ukraine

Dòng sông phân đôi chiến tuyến đông Ukraine

Pháo binh Ukraine tập kích đoàn xe Nga vượt sông Siverskyi Donets. Video: BritishIntelligence.

Xa hơn về phía tây, lực lượng Nga được cho là đã vượt sông Siverskyi Donets đoạn chảy qua gần thị trấn Lyman, song chưa rõ quy mô lực lượng và liệu họ có kiểm soát khu vực này lâu dài hay không. Sloviansk, thành phố phía tây nam thị trấn Lyman, được đánh giá là mục tiêu chiến lược của lực lượng Nga và là nơi Ukraine triển khai tuyến phòng thủ có chiều sâu.

Để tiếp tục đà tiến trong khu vực, lực lượng Nga cần duy trì nguồn tiếp tế từ bên kia biên giới. Tuyến đường chi viện này chạy từ Belgorod, Nga tới Kupiansk, Ukraine và xa hơn về phía nam. Phía Ukraine dường như quyết tâm cắt đứt tuyến hậu cần này và tái kiểm soát các khu vực ở phía bắc và phía đông Kharkov, giúp thành phố bớt bị Nga pháo kích.

Lực lượng Ukraine được cho là đang tiến về bờ tây sông Siverskyi Donets và tái kiểm soát thị trấn Staryi Saltiv. Tuy nhiên, sông Siverskyi Donets cũng trở thành chướng ngại tự nhiên ngăn lực lượng Ukraine tiến xa hơn về phía đông.

Cầu phao và xe tăng Nga bị phá hủy trong một nỗ lực vượt sông Siverskyi Donets bất thành. Ảnh: CNN.

Cầu phao và xe tăng Nga bị phá hủy trong một nỗ lực vượt sông Siverskyi Donets bất thành. Ảnh: CNN.

Trong khi đó, cục diện chiến trường tại miền nam Ukraine có rất ít thay đổi. Nga kiểm soát khu vực đáng kể tại tỉnh Kherson và Zaporizhzhia, song chưa tiến xa hơn về phía bắc. Lực lượng Nga tiếp tục tập kích thành phố Odessa và các khu vực ven biển khác mà Ukraine còn kiểm soát.

Tình báo Mỹ đánh giá Nga sẽ không tìm cách kiểm soát toàn bộ bờ biển phía nam của Ukraine, thay vào đó sẽ củng cố hành lang trên bộ từ bán đảo Crimea tới khu vực biên giới phía đông Ukraine, cũng như tìm cách sáp nhập tỉnh Kherson vào lãnh thổ.

Giám đốc Tình báo Mỹ Avril Haines nhận định cả Nga và Ukraine “đều tin họ có thể tiếp tục đạt tiến bộ về mặt quân sự, do đó chúng tôi chưa thấy con đường đàm phán khả thi nào phía trước, ít nhất là trong ngắn hạn”. “Trong vài tháng tới, chiến sự có thể theo hướng khó lường hơn và dường như sẽ leo thang”, bà Haines cho biết.

Sông Siverskiy Donets trong hệ thống sông Don. Đồ họa: Wikimedia.

Sông Siverskiy Donets trong hệ thống sông Don. Đồ họa: Wikimedia.

Nguyễn Tiến (Theo CNN)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*