Sự hồi phục diễn ra chóng vánh trong phiên sáng, VN-Index kết phiên giảm hơn 10 điểm. |
Khởi đầu tuần mới đầy tích cực sau tuần giao dịch giảm dẫn đầu thế giới, VN-Index từng có thời điểm chinh phục mốc 1.215 điểm. Tuy nhiên, sàn chứng khoán giao dịch giằng co sau đó và kết thúc giảm 10,82 điểm (-0,91%) xuống 1.171,95 điểm. UPCoM-Index giảm 0,41 điểm (-0,44%) xuống 93,2 điểm.
Áp lực bán gia tăng vào cuối phiên trong bối cảnh các rủi ro vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện là nguyên nhân khiến sắc đỏ trở lại trên chỉ số sàn HoSE và UPCoM. HNX-Index là chỉ số duy nhất ngược dòng tăng 4,66 điểm (1,54%) lên 307,05 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm so với phiên giao dịch cuối tuần trước khi trở lại mốc tỷ USD hiếm hoi đạt được. Giá trị giao dịch trên ba sàn đạt 16.750 tỷ đồng, giảm 28,3% so với phiên 13/5.
Điểm tích cực là khối ngoại vẫn duy trì trạng thái mua ròng phiên thứ 6 liên tiếp, dù giá trị giải ngân ròng thấp hơn phiên trước (218 tỷ đồng). Cổ phiếu được nhóm này mua nhiều nhất là CTG (45,7 tỷ đồng), HPG (45,4 tỷ đồng) và VCI (25 tỷ đồng).
Theo số liệu của FiinGroup, tính riêng giao dịch khớp lệnh sàn HoSE, khối ngoại là bên mua ròng duy nhất. Trong khi tổ chức trong nước và cá nhân đều bán ròng, lần lượt 75 tỷ đồng và 182 tỷ đồng.
Dù vậy, thị trường thực chất đỏ vỏ xanh lòng. Lượng mã chứng khoán tăng giá vượt số mã giảm giá trên cả ba sàn. Tổng cộng, có 484 mã tăng, 41 mã tăng trần; trong khi chỉ có 299 mã giảm và 61 mã giảm sàn.
Khá nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn giảm kịch biên độ và là các yếu tố tác động tiêu cực đến thị trường. Cổ phiếu ông lớn Masan (MSN), Becamex (BCM), Sacombank (STB), REECorp (REE), Đạm Phú Mỹ (DPM), Đất Xanh (DXG), Vĩnh Hoàn (VHC), Gemadept (GMD), Viglacera (VGC) hay Đạm Cà Mau (DCM)… đều giảm sàn và góp mặt trong top 20 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến thị trường.
Các cổ phiếu kéo VN-Index giảm sâu nhất là VHM, GAS, MSN, BCM và TCB. Ở chiều ngược lại, sự hồi phục của đa phần cổ phiếu nhà băng, đặc biệt là ba ngân hàng có vốn Nhà nước gồm VCB, CTG và BID đã dẫn dắt đà tăng chỉ số chung.
Dòng cổ phiếu chứng khoán cũng hồi phục mạnh mẽ sau giai đoạn bị bán tháo và đã giảm vài chục phần trăm từ đỉnh. Loạt cổ phiếu của các công ty chứng khoán lớn tăng kịch biên độ ngay từ đầu phiên, nhưng chỉ còn HCM giữ được mức giá trần đến cuối phiên. Tuy nhiên, các cổ phiếu khác vẫn tăng khá như SHS tăng 8,5%; SSI tăng 5,8%; VND tăng 3,2%…
Trong khi đó, nhóm ngành chế biến thuỷ sản giao dịch tiêu cực trong phiên hôm nay khi có hàng loạt cổ phiếu giảm kịch biên độ. Với tình hình kinh doanh khả quan nhờ phục hồi sau đại dịch, đây là nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh giai đoạn trước đây, đi ngược xu hướng giảm chung của thị trường.
Thông báo mới đây của Bộ Tài chính tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 4/2022 và triển khai Chương trình công tác tháng 5/2022 của Bộ Tài chính, một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ này trong tháng 5/2022 là quản lý thị trường tài chính và dịch vụ tài chính. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương thực hiện và rà soát vướng mắc, bất cập quy định pháp luật chứng khoán, các Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019; rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực thi hành trong lĩnh vực trọng tâm liên ngành năm 2022.
Cùng đó, Bộ Tài chính cũng sẽ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty kiểm toán được chấp thuận trên cơ sở kế hoạch đã được điều chỉnh; xử lý nghiêm vi phạm trên cơ sở kết quả giám sát; thực hiện giám sát chặt chẽ các giao dịch chứng khoán có dấu hiệu bất thường; kịp thời phối hợp với các Sở Giao dịch chứng khoán có đánh giá, phân tích, tiến hành kiểm tra giao dịch đối với các giao dịch có dấu hiệu vi phạm quy định; thực hiện giám sát hoạt động các công ty đại chúng; Thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra các tổ chức kiểm toán đối với các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng, chú ý đối với các doanh nghiệp có khách hàng có báo cáo tài chính sai lệnh hoặc có nhiều sai sót.
Để lại một phản hồi