Lệnh cấm dầu Nga của EU nguy cơ bế tắc

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, người cách đây ba tuần đề xuất vòng trừng phạt mới với Nga, trong đó có lệnh cấm dầu, ngày 24/5 thừa nhận cơ hội để 27 quốc gia thành viên EU đạt được thỏa thuận là rất thấp.

Kỳ vọng về bước đột phá trước hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu diễn ra ngày 30/5 tại Brussels đang dần tắt, khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban vẫn kiên quyết từ chối ủng hộ lệnh cấm dầu Nga do nguy cơ ảnh hưởng kinh tế lên Budapest.

Nhà máy Năng lượng Siberia của Gazprom, nơi xử lý khí đốt khai thác ở vùng Viễn Đông nước Nga năm 2019. Ảnh: Reuters.

Nhà máy Năng lượng Siberia của Gazprom, nơi xử lý khí đốt khai thác ở vùng Viễn Đông nước Nga năm 2019. Ảnh: Reuters.

Tại hội nghị thượng đỉnh, 27 lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ đưa ra định hướng chính trị then chốt cho các vấn đề quan trọng nhất mà khối đang đối mặt. Các nhà ngoại giao và quan chức EU coi sự kiện này là cơ hội tốt nhất để thống nhất về một gói trừng phạt mới với Nga, có thể được Hungary và 26 quốc gia thành viên còn lại chấp thuận.

Giới quan sát cho rằng nếu EU không đạt được mục tiêu đó, uy tín của khối sẽ giảm mạnh và tạo ra động lực chính trị, kinh tế đáng kể đối với Nga, quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch.

Các nguồn tin cho biết EU đang đưa ra nhiều phương án để phá vỡ thế bế tắc, trong đó có ý tưởng gác lệnh cấm dầu sang một bên và tiếp tục thực hiện phần còn lại của gói trừng phạt với Moskva.

Tuy nhiên, đề xuất này được cho là sẽ làm chệch hướng gói trừng phạt thứ 6 của EU nhắm vào Nga và khiến bà Leyen trở nên khó xử. Chủ tịch EC trước đó khẳng định lệnh cấm dầu Nga phải được thực hiện dù gặp nhiều khó khăn đến mức nào.

Ngày 24/5, bà Leyne cho biết thỏa thuận cấm dầu Nga trong toàn EU có thể đạt được “trong vài tuần tới”. Ngay sau thông báo từ Chủ tịch EC, một số quốc gia thành viên gồm Hungary, Slovakia, Cộng hòa Czech và Bulgaria đã bày tỏ quan ngại và yêu cầu EC quy định các trường hợp ngoại lệ nhằm tạo thêm thời gian cho họ thích ứng với lệnh cấm, cũng như giảm bớt tác động kinh tế.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trong cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ, hôm 25/2. Ảnh: AFP.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trong cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ, hôm 25/2. Ảnh: AFP.

Một số vòng đàm phán căng thẳng đã được EU tổ chức nhưng không đạt được đột phá, trong đó Hungary là bên phản ứng quyết liệt nhất.

Financial Times cho biết trong một bức thư gửi các lãnh đạo EU, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã yêu cầu loại hoàn toàn đề xuất cấm dầu Nga khỏi chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới.

“Thảo luận về gói trừng phạt ở cấp lãnh đạo khi thiếu sự đồng thuận là phản tác dụng”, ông Orban viết trong thư. “Nó chỉ cho thấy những chia rẽ trong nội bộ EU mà không tạo ra cơ hội thực sự để giải quyết bất đồng”.

Bà Leyne sau đó thừa nhận cơ hội đạt được đột phá tại hội nghị thượng đỉnh là rất thấp, nói thêm rằng không muốn tạo ra “kỳ vọng sai lầm” về khả năng EU nhất trí được lệnh cấm dầu Nga.

Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu. Bấm vào hình để xem chi tiết.

Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu. Bấm vào hình để xem chi tiết.

Trong khi đó, chính phủ Pháp, hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu, vẫn tin rằng có thể đạt được thỏa thuận cấm dầu Nga trước thềm hội nghị thượng đỉnh.

“Chúng ta vẫn có khả năng khiến Hungary từ bỏ quyền phủ quyết”, một quan chức Điện Elysee cho biết hôm 24/5, cho rằng điều này có thể đạt được trong hai cuộc thảo luận của các đại sứ EU diễn ra vào cuối tuần.

Nhưng các nhà ngoại giao EU tỏ ra hoài nghi về cơ hội đạt thỏa thuận trong vài ngày tới, do những quan ngại của Hungary khó có thể được giải quyết trong thời gian ngắn như vậy.

Một nhà ngoại giao EU cấp cao giấu tên cho biết việc Thủ tướng Orban từ chối thảo luận về đề xuất cấm dầu Nga trong hội nghị thượng đỉnh đã “triệt tiêu cơ hội đạt thỏa thuận nhanh chóng”. Nhà ngoại giao này cũng tỏ ra thất vọng trước những yêu cầu ngày càng tăng của Hungary, trong đó kéo dài thời gian miễn trừ và tăng cường hỗ trợ tài chính nhằm giúp Budapest thích nghi với kịch bản không có dầu Nga.

Một nhà ngoại giao khác nhấn mạnh việc hội nghị thượng đỉnh của EU không đạt được bước đột phá nào trong lệnh cấm dầu Nga sẽ là “một thảm họa”. “Hoặc họ nhất trí về thỏa thuận đó ngay bây giờ, hoặc sẽ không có thỏa thuận nào cả”, người này khẳng định.

Đức Trung (Theo Politico/Euronews/Financial Times)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*