Quản trị rủi ro là 1 góc không thể thiếu và cực kỳ quan trọng để giao dịch có lợi nhuận trong dài hạn, nhưng trớ trêu lại bị các Trader bỏ quên. Quản trị rủi ro lấp đầy thiếu sót của 1 hệ thống giao dịch, giúp Trader tránh được các thua lỗ liên tục, và kéo dài thời gian sống sót của tài khoản. Quản trị rủi ro luôn được các Trader hàng đầu thế giới nhắc đến.
Trong bài viết này, anh em cùng xem thử các Trader huyền thoại nói gì về Quản trị rủi ro, và họ Quản trị rủi ro như thế nào.
Quản trị rủi ro – Cắt lỗ
“Để cho những khoản lỗ chạy dài là sai lầm lớn nhất của phần lớn các nhà đầu tư” – William O’Neil
Các trade lỗ là không thể tránh khỏi, cũng như việc ăn cơm hàng ngày vậy, Trader phải làm quen với nó. Nhưng không phải vì vậy mà được phép để các thua lỗ kéo dài. Bắt buộc phải xác định trước thua lỗ trước khi nhấn nút vào lệnh. Và khi giá chạm mức dừng lỗ, hãy để lệnh bị cắt và đừng tiếc nuối.
Nên làm gì?
Xác định trước mức dừng lỗ và đừng động đến nó.
Quản trị rủi ro – Tính toán khối lượng lệnh
“Giao dịch cô tông đó luôn là bài học để đời của tôi. Tại thời điểm đó tôi nói rằng “Này thằng ngốc, tại sao lại chịu rủi ro tất cả trong 1 giao dịch? Sao không biến cuộc sống của mày thành 1 cuộc theo đuổi hạnh phúc thay vì đau khổ?” – Paul Tudor Jones
Paul Tudor Jones không thất bại nặng nề bởi vì thiết lập giao dịch của ông. Chính khối lượng lệnh quá cỡ đã đánh gục ông. Ông đã chịu rủi ro quá nhiều trong 1 giao dịch duy nhất và mất gần 70% giá trị các tài khoản mà ông quản lý.
Mình sẽ kể câu chuyện của Paul Tudor Jones trong 1 bài viết khác.
Nên làm gì?
Hãy chọn 1 cách tính toán khối lượng lệnh hợp lý (có nhiều cách như quy tắc 1%, quy tắc 2%, chọn khối lượng lệnh cố định theo số USD) và tuân theo nó 1 cách nghiêm ngặt, bất kể là bạn có tự tin bao nhiêu cho cú trade tiếp theo.
Quản trị rủi ro – Chấp nhận rủi ro
“Khi bạn chấp nhận rủi ro một cách thành thật, bạn sẽ cảm thấy thanh thản cho dù kết quả có như thế nào” – Mark Douglas
Cuốn sách Trading in the Zone (giao dịch trong vùng giá) của Mark Douglas là 1 cuốn sách về giao dịch tuyệt vời sẽ dẫn dắt anh em tới các sự thay đổi về tư duy và nhận thức của 1 Trader thành công. Trong đó, cảm thấy thanh thản bất kể kết quả là như thế nào là 1 khả năng quan trọng để người Trader giữ được bình tĩnh trước sự điên loạn của thị trường.
Hơn nữa, Trader cần phải nghĩ xa hơn rủi ro mất tiền. Đối với một số Trader, mỗi cú trade họ vào là mỗi lần niềm tin và sự kiêu hãnh của họ được đem ra đặt cược. Mỗi cú trade thua là mỗi lần cái tôi và sự tự tin của họ bị bào mòn. Như vậy rất nguy hiểm, con người không phải Thánh và không ai có thể dự đoán đúng tất cả các lần cả. Hãy coi các thua lỗ là mỗi lần học được 1 bài học, dần dần chúng ta sẽ chấp nhận được thua lỗ như 1 người bạn đồng hành và tiếp tục bước.
Nên làm gì?
Sau mỗi lần vào lệnh, hãy lập tức tự hỏi bản thân xem có cảm thấy thanh thản không, và tự trả lời thành thật. Nếu thấy bức bối, bạn đang không chấp nhận rủi ro thực sự. Hãy đào sâu hơn để tìm hiểu lý do tại sao. Đó là vì bạn không tin tưởng setup của mình? Hay tài khoản đã giảm quá nặng và không thể chịu thêm nổi nữa? Bạn không chấp nhận được sự thiếu chắc chắn của thị trường? Bất kể lý do là gì, hãy thoát lệnh nhanh chóng nếu thấy vấn đề.
Quản trị rủi ro – Bảo vệ vốn
“Bạn phải tối thiểu các thua lỗ và bảo vệ vốn hết mức trong các lần hiếm hoi kiếm được rất nhiều tiền trong thời gian ngắn. Điều bạn không được phép làm là đánh mất số lợi nhuận vừa mới kiếm được.” – Richard Dennis.
Những lời từ Richard Dennis nói về rủi ro bỏ lỡ các giao dịch tốt. Thị trường về cơ bản là hiệu quả, cho nên các lần bạn kiếm được lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn là hiếm khi xảy ra. Do đó khi nó xảy ra với bạn, khả năng cao là bạn sẽ nhanh chóng đánh mất nó trong các cú trade tiếp theo. Hãy bảo vệ nó.
Nên làm gì?
Ngưng giao dịch sau 1 chuỗi thắng, hoặc vào lệnh với khối lượng thấp hơn thường;
Quản trị rủi ro – quản lý rủi ro cảm xúc
“Bản năng con người của mỗi người là đối thủ lớn nhất của 1 nhà đầu tư hay nhà đầu cơ thông thường” – Jesse Livermore.
Jesse Livermore nhận ra rằng Trader thường đánh giá quá cao khả năng kiểm soát cảm xúc của họ.
Nên làm gì?
Áp dụng chiến lược Set and Forget (vào lệnh và để giá chạy mà không can thiệp), về dài hạn nó sẽ giúp loại bỏ yếu tố tâm lý ra khỏi kế hoạch giao dịch của anh em.
Quản trị rủi ro – Hãy giữ quan điểm của bản thân
“Rất nhiều nhà đầu tư đắm chìm quá nhiều vào thị trường tới mức họ mất cả quan điểm của mình. Làm việc nhiều hơn không nhất thiết sẽ là hiệu quả hơn. Thực tế đôi khi là ngược lại.” – Martin Schwartz.
Mất đi quan điểm của bản thân là rủi ro, khi đó bạn không còn tin vào nhận định của mình nữa. Đó là sự bối rối, mất phương hướng.
Phải giữ vững nhận định của mình ngay từ đầu, dù nó sai hay đúng, đừng thay đổi xoành xoạch và giao dịch Theo lời người khác.
Nên làm gì?
- Giới hạn số giờ hoặc số phiên bạn được phép giao dịch, tránh việc tiếp xúc với biểu đồ quá nhiều;
- Viết nhật ký và đọc lại hàng ngày.
Quản trị rủi ro – Tôn trọng rủi ro
“Trong suốt sự nghiệp tài chính của tôi, tôi đã liên tục chứng kiến các trường hợp người ta bị đánh gục chỉ vì không biết tôn trọng rủi ro. Nếu bạn không đánh giá cao rủi ro, nó sẽ đánh gục bạn.” – Larry Hite.
Nên làm gì?
Hãy nghĩ tới rủi ro trong mỗi lần vào lệnh. Nghĩ thật nhiều và tự hỏi, nếu tôi sai thì rủi ro như vậy có chấp nhận được không.
Trên đây là vài suy nghĩ của các Trader huyền thoại về Quản trị rủi ro, anh em thấy hữu ích thì để lại 1 like nhé.
Để lại một phản hồi