Cổ phiếu Vingroup hồi phục, VN-Index trở lại sát mốc 1.500 điểm

VN-Index hồi phục giữa bối cảnh căng thẳng địa chính trị chưa
VN-Index và nhiều thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt hồi phục bất chấp căng thẳng địa chính trị chưa “nguội” bớt.

Sắc xanh trở lại, dòng tiền giao dịch sôi động

Thông tin mới về căng thẳng quân sự giữa Nga và Ukraine cùng các lệnh trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt lên Nga tiếp tục được giới đầu tư đổ dồn quan tâm.

Sau khi Mỹ cùng các đồng minh châu Âu và Canada đã thống nhất loại bỏ các ngân hàng chủ chốt của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, một bước đi bất thường nhằm chia cắt Nga với phần lớn hệ thống tài chính toàn cầu, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa tiếp tục nghiêm cấm người Mỹ thực hiện bất kỳ giao dịch nào với Ngân hàng Trung ương Nga, đồng thời đóng băng tài sản của ngân hàng này tại Mỹ.

Tuy vậy, mở cửa phiên giao dịch đầu tháng 3, các thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục ghi nhận sự hồi phục đáng kể khi hầu hết các chỉ số đóng cửa trong sắc xanh, dù mức tăng không quá lớn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng giao dịch khá tích cực khi các chỉ số chung đồng loạt tăng điểm. VN-Index đóng cửa tăng 8,65 điểm (0,58%) lên 1.498,78 điểm. HNX-Index tăng 3,14 điểm (0,71%) lên 443,56 điểm. UPCoM-Index diễn biến giằng co nhất nhưng vẫn kịp đóng cửa tăng 0,18 điểm (0,16%) lên 112,38 điểm. Toàn sàn có hơn 550 mã tăng, trong đó 44 mã tăng kịch biên độ, áp đảo số lượng mã giảm (366 mã) và giảm sàn (15 mã).

Sắc xanh áp đảo trên cả ba sàn.

Dòng tiền giao dịch sôi động với thanh khoản trên ba sàn đạt 31.455 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khớp lệnh đạt 29.450 tỷ đồng, tăng 10,4% so với phiên hôm qua. Cổ phiếu ngành thép tiếp tục hút dòng tiền giao dịch. Tuy nhiên, trong khi NKG, HSG vẫn giữ được sắc xanh, HPG lại quay đầu điều chỉnh. Khối ngoại đã bán ròng cổ phiếu HPG thu về 287 tỷ đồng. Lực cung khối ngoại đè nặng cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu HPG đóng cửa trong sắc đỏ ở mức 46.900 đồng (-0,64%) dù có thời điểm vọt lên 48.100 đồng trong phiên.

Dù chốt lời lượng lớn cổ phiếu HPG, tính chung trên ba sàn, khối ngoại vẫn mua ròng sau ba phiên bán ròng liên tiếp, dù số tiền giải ngân ròng vẫn còn khá khiêm tốn (122 tỷ đồng). Chứng chỉ quỹ FUEVFVND của quỹ ETF DCVFMVN DIAMOND được mua nhiều nhất với 373 tỷ đồng mua ròng.

Cổ phiếu Vingroup trở lại dẫn dắt, nhóm dầu khí điều chỉnh sau quãng tăng nóng

Phiên giao dịch đầu tháng 3 ghi nhận sự trở lại hồi phục và giữ vai trò dẫn dắt của cổ phiếu Vingroup. Giá cổ phiếu VIC đã lao dốc mạnh kể từ sau Tết Nhâm Dần khi kết quả kinh doanh năm 2021 được hé lộ. Sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020, VIC đã hồi phục tăng 2,86%, đóng cửa ở mức 79.200 đồng/cổ phiếu. Sự hồi phục của ông lớn vốn hoá này góp gần 2,15 điểm tăng của VN-Index.

Không riêng VIC, nhiều cổ phiếu bất động sản cũng đồng loạt tăng mạnh phiên này, thậm chí tăng kịch biên độ như DIG, HQC, HDC. Nhóm các cổ phiếu tác động tích cực nhất đến chỉ số sàn HoSE phiên 1/3, ngoài VIC còn có GVR, DIG, VCB, SSB. Một số cổ phiếu ngân hàng hồi phục ở phiên này, nhất là cổ phiếu của SeABank (SSB) tăng tới 4,24%. Tuy nhiên, sắc xanh không chiếm ưu thế khi đa phần nhóm nhà băng đóng cửa giảm giá.

Trái với sự phân hoá của nhóm ngân hàng, một số ngành ghi nhận giao dịch tích cực như ngành thuỷ sản với loạt cổ phiếu tăng trần (IDI, ACL, KHS) hay VHC tăng gần 2%, ANV tăng 2,75%. Cổ phiếu bảo hiểm cũng tăng ấn tượng, một số tăng 3-4% như PVI, BMI, MIG…

Ngược lại, nhóm phân bón vừa qua quãng tăng nóng đã điều chỉnh trên diện rộng ở phiên đầu tháng 3. Nhóm cổ phiếu phân bón vẫn tăng mạnh ở đầu phiên sáng nhưng lực bán chốt lời tăng lên đã kéo cổ phiếu LAS giảm mạnh 8,7%, BFC giảm 3,7% hay Đạm Phú Mỹ (DPM) đóng cửa giảm 1,4%; DCM giảm 0,3%.

Ở ngành dầu khí, diễn biến giá cổ phiếu có phần phân hoá hơn. Cổ phiếu hai đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn nhất cả nước là Petrolimex (PLX) và PV Oil (OIL) giảm lần lượt 1,6% và 1% trong phiên 1/3, ghi nhận phiên giảm thứ ba liên tiếp của hai cổ phiếu này.

Thông tin mới nhất của Liên Bộ Tài chính – Công thương về việc điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ, giá xăng RON95 được điều chỉnh tăng thêm 547 đồng/lít, tiến gần mốc 27.000 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 545 đồng lên 26.070 đồng từ 15h chiều ngày 1/3.

Đây là điều tất yếu khi giá dầu thế giới đã tăng nóng các tuần qua bởi căng thẳng tại Ukraine. Giá dầu hiện vẫn là yếu tố bất định. Trong phiên đầu tháng 3 này, giá dầu Brent tiếp tục vượt 100 USD/thùng. Mỹ và các nước khác đang xem xét giải phóng 60 triệu thùng để chống lại tác động của các lệnh trừng phạt làm tê liệt Nga đối với nguồn cung năng lượng. Tuy nhiên con số này chỉ tương đương với sản lượng chưa đầy sáu ngày của Nga. Các công ty bao gồm BP và Shell cũng đã công bố kế hoạch rút khỏi các hoạt động của Nga, trong khi các nhà nhập khẩu dầu từ Nga gặp khó khăn trong việc thanh toán và giao hàng.

Tới đây, OPEC + sẽ nhóm họp vào thứ Tư để thảo luận về chính sách sản lượng, trong đó tổ chức này dự kiến sẽ bám sát kế hoạch tăng nguồn cung vừa phải bất chấp sự xáo trộn thị trường do tình hình chiến sự mang lại.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*