Các nội dung góp ý có thể bao gồm đề xuất gộp Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, bổ sung đánh thuế đối với nhà, nghiên cứu xây dựng Luật Thuế tài sản hay bất động sản (nếu có).
Không phải đến bây giờ, việc xây dựng Luật Thuế tài sản (đánh vào nhà đất dân dụng) mới được đề cập, mà trong 10 năm qua, Bộ Tài chính đã nhiều lần nghiên cứu sắc thuế này. Thậm chí, năm 2018, Dự thảo Luật Thuế tài sản đã được hoàn thiện, nhưng chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội bởi có nhiều ý kiến phản đối.
Thuế tài sản là một trong những sắc thuế ra đời sớm nhất trong hệ thống thuế của đa số quốc gia trên thế giới |
Những ý kiến này cho rằng, đất đai mà họ có được là từ mồ hôi nước mắt hoặc được thừa kế từ cha ông, vậy tại sao lại phải nộp thuế? Khi xây nhà, người dân phải mua nguyên vật liệu, thiết bị điện và hàng trăm thứ khác đã phải nộp các loại thuế thì hà cớ gì phải nộp thuế tài sản? Khi mua nhà ở, người dân đã phải nộp thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ (tổng cộng bằng 2,5% giá trị tài sản) cùng nhiều loại phí, lệ phí khác nữa, thì tại sao lại phải nộp thuế tài sản?
Và mặc dù Việt Nam không thu thuế tài sản, nhưng hàng năm người dân đều phải nộp thuế đất phi nông nghiệp, tức là đã đánh thuế tài sản…
Với những lý do trên, cuối cùng Dự thảo Luật Thuế tài sản bị gác lại cho đến tận bây giờ.
Thuế tài sản là một trong những sắc thuế ra đời sớm nhất trong hệ thống thuế của đa số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở những nước có nền kinh tế thị trường phát triển. Hiện có 174/193 quốc gia áp dụng thuế tài sản với nhiều tên gọi khác nhau. Thuế tài sản được xem là công cụ tài chính hữu hiệu để tăng cường quản lý việc sử dụng đất đai, điều tiết một phần thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều nhà đất, góp phần bình ổn thị trường bất động sản và đảm bảo công bằng xã hội.
Thực tế cho thấy, thuế tài sản đóng góp quan trọng trong tổng thu, thường chiếm 3-4% thu ngân sách nhà nước của nhiều quốc gia. Thậm chí ở Nhật Bản và nhiều nước phát triển khác, số thu từ thuế tài sản chiếm 7-8% tổng thu ngân sách nhà nước.
Với Việt Nam, hiện có thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, nhưng năm 2022, sắc thuế này (dự toán) chỉ đóng góp vào ngân sách nhà nước 1.843 tỷ đồng, chiếm 0,13% tổng thu và bằng khoảng 10% so với các nước trong khu vực ASEAN.
Hệ quả của việc bỏ trống nguồn thu đã khiến ngân khố chưa biết tìm cách nào để hỗ trợ giảm các loại thuế (nhập khẩu, bảo vệ môi trường, tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng) đánh vào mặt hàng xăng dầu – với giá bán đang lên “như diều gặp gió”, để tăng cường kiểm soát lạm phát, giảm chi phí cho sản xuất, kinh doanh và cải thiện thu nhập thực tế cho người dân.
Tính toán của nhiều tổ chức tài chính thế giới cho thấy, chỉ số bất động sản/thu nhập của Việt Nam hiện là 19,75 – cao thứ 17 thế giới và 13 châu Á. Chỉ số 19,75 được hiểu là một người sau khi đi làm, không chi tiêu bất cứ thứ gì, thu nhập tăng lên theo mức tăng chung của xã hội thì phải mất 19,75 năm mới có thể mua được một căn hộ bình thường ở đô thị. Đây là sự bất hợp lý, là hậu quả của nạn đầu cơ, “ôm đất”, khiến đất đai – tài sản thuộc sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đã được hiến định, nhưng phần lớn lại do thiểu số người có điều kiện sở hữu, đầu cơ kiếm lời.
Từ thực tế đó, Bộ Tài chính từng đề xuất đánh thuế bất động sản theo phương pháp lũy tiến như nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, nhắm vào đối tượng là người sở hữu nhiều nhà đất có giá trị lớn, nhà đất không khai thác, sử dụng. Cách đánh thuế này sẽ hạn chế được đáng kể tình trạng đầu cơ đất, “ôm đất, ôm nhà”, vì nếu “ôm đất, ôm nhà” mà không đưa vào khai thác, sử dụng thì sau thời gian không dài, chủ sở hữu sẽ phải trả khoản thuế không hề nhỏ.
Nhà đất không đưa vào khai thác, sử dụng tất yếu không tạo ra của cải cho xã hội và khi người này giàu lên ắt sẽ có người khác nghèo đi, chênh lệch thu nhập ngày càng doãng, dẫn đến gia tăng bất bình đẳng. Cụ thể, nếu năm 2010, chênh lệch về thu nhập hàng tháng của 20% nhóm người giàu nhất so với hơn 20% nhóm người nghèo nhất chỉ khoảng 3 triệu đồng (3,41 triệu đồng so với 369.000 đồng), thì hiện tại, con số này là trên 8 triệu đồng (9,193 triệu đồng so với 1,139 triệu đồng).
Các chính sách thuế nói chung không chỉ tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, mà còn nhằm phân bổ lại một phần thu nhập và đảm bảo công bằng xã hội. Chính vì vậy, cần thiết phải sớm xây dựng, ban hành Luật Thuế tài sản để ngăn chặn tình trạng ôm đất, đồng thời tạo điều kiện cho những người có thu nhập bình thường có thể thực hiện ước mơ mua được nhà ở thu nhập thấp.
Để lại một phản hồi