Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 211,45 triệu USD, bằng gần 37% với cùng kỳ.
Trong đó, có 24 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt trên 180,2 triệu USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ; có 03 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 31,23 triệu USD, bằng 7,2% so với cùng kỳ.
Các thỏa thuận hợp tác đầu tư được ký kết tại Viêng-chăn mới đây |
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, sở dĩ quý đầu năm, vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới tăng mạnh so với 2 tháng đầu năm (51,7 triệu USD) do có 02 dự án lớn mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đó là các dự án của Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng Vines đầu tư sang Mỹ và Canada.
Trong khi đó, vốn đầu tư điều chỉnh giảm mạnh do trong 3 tháng năm 2021 có nhiều dự án lớn điều chỉnh tăng vốn. Chẳng hạn, dự án của Vingroup tại Hoa Kỳ điều chỉnh tăng 300 triệu USD; dự án của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển cao su Đông Dương tại Campuchia tăng 76 triệu USD và 1 dự án của Vinfast tại Đức tăng 32 triệu USD. Chỉ riêng 3 dự án này đã chiếm tới 94,5% tổng vốn điều chỉnh của 3 tháng năm 2021.
Cũng theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, trong 3 tháng qua, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 8 ngành. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 5 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư 96,75 triệu USD, chiếm gần 47,8% tổng vốn đầu tư. Ngành khai khoáng đứng thứ hai với 01 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư 33,54 triệu USD, chiếm 15,9%; tiếp theo là các ngành tài chínhngân hàng, bán buôn, bán lẻ; thông tin truyền thông…
Có 12 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022. Dẫn đầu là Lào với 01 dự án đầu tư mới và 02 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 64,33 triệu USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư.
Đứng thứ hai là Hoa Kỳ với tổng vốn đầu tư 34,54 triệu USD, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Canada, Singapore, Indonesia,…
Như vậy, lũy kế đến 20/03/2022, Việt Nam đã có 1.539 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 21,43 tỷ USD.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (32,5%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (16%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,9%); Campuchia (13,6%); Venezuela (8,5%)…
Mới đây, tại Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam – Lào, được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm Lào của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đã có hai thỏa thuận đầu tư quan trọng được ký kết.
Đó là thỏa thuận về việc hợp tác đầu tư phát triển Dự án Năng lượng dọc biên giới Việt – Lào để sản xuất điện và truyền tải bán điện về Việt Nam giữa Tập đoàn T&T và Tập đoàn Phongsubthavy; và một dự án về hạ tầng.
Hai dự án này sẽ giúp thúc đẩy đầu tư từ Việt Nam sang Lào, thị trường đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
Để lại một phản hồi