Công nhân làm việc tại cơ sở lọc dầu ở Basra, Iraq ngày 14/12/2017. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tổng thống Biden dự kiến sẽ nói về quyết định này vào cuối ngày 31/3 (giờ Mỹ). Trước đó, nhiều đơn vị truyền thông quốc tế đưa tin rằng kế hoạch hạ nhiệt giá dầu thô của Washington sẽ liên quan đến việc giải phóng khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày trong vài tháng.
Giá dầu thô Brent giao tháng 5/2022 đã giảm khoảng 3,5% xuống 109,50 USD/thùng vào lúc 9:30 sáng 31/3, theo giờ London. Trong khi, giá dầu thô giao tháng 5 của Mỹ trượt 4,4% còn 103,08 USD/thùng.
Giá dầu thô thế giới đã tăng đột biến và từng vượt mốc 130 USD/thùng sau khi Nga tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào cuối tháng 2, làm dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ.
Nga là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ nhiều thứ hai thế giới và các biện pháp trừng phạt mạnh tay chưa từng có mà phương Tây áp lên nền kinh tế Nga và ngành năng lượng nước này, đã làm gián đoạn dòng chảy xuất khẩu dầu mỏ của Moscow.
Trong báo cáo nghiên cứu công bố này 31/3, các nhà phân tích hàng hóa của Goldman Sachs đánh giá, việc Mỹ giải phóng kho dự trữ xăng dầu chiến lược sẽ giúp thị trường dầu mỏ hướng tới tái cân bằng trong năm nay, nhưng sẽ không giải quyết được vấn đề thâm hụt nguồn cung mang tính cơ cấu.
“Điều này sẽ cản trở nỗ lực tiết giảm nhu cầu dầu mỏ – cơ chế tái cân bằng dầu duy nhất có sẵn hiện nay trong bối cảnh thị trường thế giới không có vùng đệm tồn kho và độ co giãn của nguồn cung”, Goldman Sachs nói. Ngân hàng này cũng cho rằng, động thái của Mỹ sẽ vẫn là giải phóng lượng dầu tồn kho, chứ không phải là tăng nguồn cung cấp lâu dài cho những năm tới. Do đó, việc xả kho sẽ không giải quyết được vấn đề thâm hụt nguồn cung có tính cơ cấu trong nhiều năm qua.
Nếu giá dầu năm 2022 đi xuống, sẽ kích thích nhu cầu dầu mỏ, nhưng lại kéo hãm tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ, đồng thời để lại gánh năng thâm hụt sản lượng vào năm 2023 và đòi hỏi Mỹ phải bổ sung dự trữ dầu mỏ.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn vào ngày mai 1/4 để thảo luận những lo ngại về nguồn cung dầu mỏ, Bộ trưởng Năng lượng Australia Angus Taylor cho biết.
Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, bao gồm cả Nga (gọi chung là OPEC+) sẽ nhóm họp vào cuối ngày 31/3. Liên minh này được dự báo sẽ tiếp tục kế hoạch tăng sản lượng như hiện nay – 400.000 thùng mỗi ngày trong tháng – sau khi đã cắt giảm kỷ lục 10 triệu thùng trong đại dịch Covid-19.
Ông Ed Bell, Giám đốc kinh tế thị trường cấp cao tại Ngân hàng Emirates NBD (Dubai) phát biểu trên đài CNBC hôm 31/3 rằng mặc dù quy mô đợt xả kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ được dự báo ở mức kỷ lục, nhưng sẽ khó có thể tác động tức thời đến thị trường.
Chuyên gia này cho biết, các thị trường vẫn sẽ chú ý rất nhiều đến nguồn cung trong tương lai và sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga, nguồn cung bổ sung từ OPEC+.
“Về lâu dài, tôi nghĩ rằng đó là một chiến lược hơi mạo hiểm của Mỹ khi cắt giảm dữ trữ dầu mỏ chiến lược quá nhiều, nếu nhìn về những gì sẽ xảy đến trong những tháng hè tới khi mà nhu cầu sử dụng dầu mỏ ở Mỹ tăng cao”, ông Ed Bell nêu.
Đại diện Emirates NBD cảnh báo, nếu thị trường dầu mỏ tiếp tục bị thâm hụt nguồn cung mang tính cơ cấu trong một thời gian dài, việc cắt giảm dự trữ dầu mỏ của Mỹ có thể “củng cố một đợt tăng giá dầu” trong 12 đến 24 tháng tới.
Để lại một phản hồi