Giá phân bón lập đỉnh mới, cổ phiếu bất ngờ đồng loạt “quay xe” nằm sàn la liệt

Đóng phiên giao dịch ngày 14/3, cổ phiếu doanh nghiệp phân bón đã có phiên giảm sàn hàng loạt trước áp lực bán mạnh cuối phiên. Cụ thể, DPM đã giảm sàn xuống 61.800 đồng/cổ phiếu, thanh khoản 9,3 triệu đơn vị; DCM giảm sàn xuống 43.250 đồng/cổ phiếu, thanh khoản 14,7 triệu đơn vị. Đây là phiên mà DCM, DPM có thanh khoản rất lớn, giá giảm mạnh.

BFC cũng giảm sàn xuống 39.000 đồng/cổ phiếu, LAS giảm sàn 10% xuống 21.600 đồng/cổ phiếu, PMB giảm 9,6% xuống 20.700 đồng/cổ phiếu, DDV giảm 10,7% xuống mức 29.300 đồng/cổ phiếu…

Sau giai đoạn tăng nóng, cổ phiếu phân bón đồng loạt quay xe nằm sàn la liệt - Ảnh 1.

Nhóm cổ phiếu phân bón thời gian qua đã có đà tăng rất nóng sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra do đây là hai thị trường sản xuất và xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới. Do đó, việc giảm sàn la liệt sau một đà tăng mạnh là điều không quá bất ngờ với giới đầu tư.

Về giá phân bón, trên thị trường thế giới, giá phân bón đang lập kỷ lục mới sau lệnh cấm xuất khẩu 200 mặt hàng đến hết năm 2022 của Nga.

Cụ thể, chỉ số phân bón Green Markets North American Fertilizer tăng vọt 16% lên kỷ lục mới trong ngày 11/03. Giá cho loại phân urê được sử dụng rộng rãi tại New Orleans cũng tăng vọt 22% và lập kỷ lục mới. Chỉ số giá phân kali ở Brazil leo dốc 34%, mức tăng kỷ lục.

Theo Bloomberg, Nga là nhà xuất khẩu phân bón chi phí thấp. Quốc gia này kêu gọi các nhà sản xuất phân bón giảm xuất khẩu trong tháng này, qua đó làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt. Xung đột Nga-Ukraine cũng thúc đẩy giá khí thiên nhiên – nguyên liệu đầu vào cho hầu hết phân bón có chứa nitơ. Điều này buộc một số nhà sản xuất châu Âu phải cắt giảm sản lượng phân bón. Cùng lúc đó, giá của các loại thực phẩm thông thường như lúa mì và bắp ngô cũng tăng vọt khi cuộc chiến tại một trong những quốc gia được xem là “rổ bánh mì” của thế giới đang đe dọa tới an ninh lương thực trên toàn cầu.

Các quốc gia thường nhập khẩu phân bón từ Nga giờ phải chật vật đi tìm kiếm ở nơi khác. Brazil – nhà nhập khẩu phân bón hàng đầu – đề xuất loại bỏ phân bón ra khỏi các lệnh trừng phạt đã áp lên Nga tại cuộc họp của Tổ chức Thực phẩm và Nông nghiệp thuộc Liên Hiệp Quốc vào tuần tới. Kế hoạch này đã có sự ủng hộ từ Argentina và các quốc gia Nam Mỹ khác.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu phân bón tháng 1/2022 đạt mức 226.155 tấn, tăng 348% về lượng và 151,6% về giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá bán đã chạm mức 759,2 USD/tấn.

Xuất khẩu phân bón ra thị trường nước ngoài tăng tháng thứ 5 liên tiếp, tháng 1/2022 tăng 51,5% về lượng, tăng 70% về kim ngạch và tăng 12,3% về giá so với tháng 12/2021.

Mới đây nhất, Thành Công Securities cũng có báo cáo “Việt Nam hưởng lợi từ bối cảnh xung đột Nga – Ukraine.

Theo đó, báo cáo nhấn mạnh việc sở hữu nguồn khí dồi dào, Nga là một trong những nhà cung cấp lớn nhất thế giới về phân bón. Nga sản xuất khoảng 50 triệu tấn phân bón hàng năm, chiếm 13% sản lượng trên thế giới. Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu phân Ure, NPK và phân lân.

Nga đóng vai trò chính trong việc cung cấp phân bón cho thị trường Brazil và EU. Bên cạnh đó, Belarus cũng là một trong những quốc gia xuất khẩu phân bón lớn của thế giới – chiếm 20% nguồn cung kali trên toàn cầu.

Trong khi đó giá khí gas tăng cao vào giai đoạn nửa cuối năm 2021, một số nhà máy sản xuất phân bón của EU đã đóng cửa và giảm công suất. Có thể thấy chịu ảnh hưởng nặng nề sẽ là các quốc gia như Ukraine, Hà Lan, Đức. Mới đây nhất, Yara- một trong những nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới cho biết họ đã cắt giảm 50% sản lượng amoniac và ure tại Ý và Pháp do giá khí đốt tự nhiên tăng cao.

Sau giai đoạn tăng nóng, cổ phiếu phân bón đồng loạt quay xe nằm sàn la liệt - Ảnh 2.

Giá phân bón thiết lập kỷ lục mới sau khi Nga ban hành lệnh cấm xuất khẩu 200 mặt hàng

Thành Công Securities cho rằng các doanh nghiệp như Hoá chất Đức Giang (mã: DGC), Đạm Phú Mỹ (mã: DPM), Đạm Cà Mau (Mã: DCM) sẽ được hưởng lợi từ chiến trang của Nga và Ukraine. Tiền mặt của nhóm này đang chiếm khoảng 30% vốn hoá, chưa chia cổ tức và giá phân bón quay lại vùng đỉnh và có khả năng lên tiếp.

Theo đó, doanh thu và lợi nhuận kỳ vọng năm 2022 của DCM ở mức 13.381 ỷ và 2.781 tỷ đồng; DPM lần lượt là 16.571 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.791 tỷ đồng; doanh thu và lợi nhuận DGC lần lượt đạt 13.169 tỷ đồng và 3.233 tỷ đồng.

“Tuy nhiên, nếu giá phân bón tăng quá cao ảnh hưởng tới người dân, Chính phủ sẽ can thiệp để làm giảm thiệt hại. Khi ấy, doanh nghiệp sản xuất phân bón tận dụng được thị trường xuất khẩu sẽ mang lại nhiều đột phá”, Thành Công Securities nhận định.

Sau giai đoạn tăng nóng, cổ phiếu phân bón đồng loạt quay xe nằm sàn la liệt - Ảnh 3.

Thành Công Securities dự phóng tài chính cho các doanh nghiệp phân bón

https://babfx.com/sau-giai-doan-tang-nong-co-phieu-phan-bon-dong-loat-quay-xe-nam-san-la-liet-20220314150050373.chn

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*