Thị trường chứng khoán Việt Nam từng chứng kiến không ít lần “làm mưa, làm gió” của các cổ phiếu cùng “họ” (có điểm chung là công ty mẹ, lãnh đạo cấp cao,…) như Louis, FLC, Apec hay mới nhất là DNP. Nhiều cái tên sau đó đã dần chìm vào quên lãng cùng nỗi buồn “kẹp” đỉnh của nhà đầu tư sau khi con sóng qua đi.
Ít ồn ào nhưng có phần bền bỉ hơn, cổ phiếu “họ” Viettel, FPT lại biết cách tạo điểm nhấn với những câu chuyện riêng. Đặc biệt, với sự khan hiếm của yếu tố công nghệ trên thị trường, 2 nhóm cổ phiếu này vẫn thường xuyên nhận được sự quan tâm lớn. CTR, VGI, VTP, VTK, FPT, FRT, FTS, FOX, FOC đồng loạt khởi sắc đang trở thành tiêu điểm thu hút nhà đầu tư.
Cái tên gây nhiều chú ý nhất trong nhóm Viettel là cổ phiếu CTR của Viettel Contructions khi liên tục tăng mạnh để vượt đỉnh lịch sử. Trước đó, cổ phiếu này cũng trải qua nhịp điều chỉnh ngắn sau khi chính thức chào sàn HoSE khá rực rỡ ngày 23/2. CTR sau đó đã kịp trở lại và hiện đang dừng ở mức đỉnh 97.700 đồng/cổ phiếu (đã điều chỉnh), tăng hơn 14% trong chưa đầy 2 tuần.
Diễn biến cổ phiếu được hồ trợ tích cực từ tình hình kinh doanh tiếp tục duy trì được tăng trưởng 2 con số. Lũy kế 2 tháng đầu năm, doanh thu Viettel Construction đạt 1.330 tỷ đồng, tăng 24% và lợi nhuận trước thuế 74,3 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Phát biểu tại buổi niêm yết, đại diện công ty nhấn mạnh mục tiêu hướng đến thực hiện mốc doanh số tỷ USD vào năm 2025.
Cổ phiếu CTR vượt đỉnh
Khác với CTR, cổ phiếu VTP của Viettel Post lại đang nỗ lực để thoát khỏi vùng đáy 1 năm sau giai đoạn liên tục đi xuống từ đỉnh. Cổ phiếu này cũng đã tăng hơn 11% từ đáy lên mức 72.400 đồng/cổ phiếu nhưng vẫn còn kém 18% so với đỉnh đạt được hồi cuối tháng 7 năm ngoái. Tạm tính, vốn hóa thị trường của Viettel Post đạt xấp xỉ 7.500 tỷ đồng.
Cổ phiếu VTP tăng mạnh nhưng chưa thoát khỏi vùng đáy
Trong khi đó, doanh nghiệp tỷ USD duy nhất trong “họ Viettel” trên sàn chứng khoán là Viettel Global (mã VGI) lại đang quanh quẩn vùng đáy 1 năm. Cổ phiếu này hiện đang dừng ở mức 32.800 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 30% so với đỉnh đạt được cách đây hơn 1 năm. Ước tính tại mức thị giá này, vốn hóa của Viettel Global vào khoảng gần 100.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu VGI có phần “chậm chạp”
Chiều ngược lại, cổ phiếu VTK của Tư vấn Thiết kế Viettel lại đang có đà bứt phá mạnh vượt đỉnh lịch sử đạt được cách đây gần 8 tháng. Cổ phiếu này hiện đã leo lên mức 35.000 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức tăng gần 23% trong chưa đầy 2 tuần và là cái tên tăng mạnh nhất nhóm Viettel trong khoảng thời gian này.
Cổ phiếu VTK tăng mạnh nhất “họ” Viettel trong 2 tuần trở lại đây
Cái tên nổi bật nhất “họ FPT” thời gian gần đây chắc chắn là FRT của FPT Retail khi cổ phiếu này liên tục nổi sóng với nhiều phiên tăng nóng. Cổ phiếu này đã tăng gấp 2,4 lần sau chưa đầy 4 tháng lên mức đỉnh 145.800 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường tương ứng 11.500 tỷ đồng, gấp 5 lần thời điểm cách đây 1 năm.
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ mới công bố, FPT Retail đặt kế hoạch doanh thu năm 2022 là 27.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 720 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 20% và 30% so với thực hiện trong năm 2021. Công ty dự kiến tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới cửa hàng, dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ nâng tổng số FPT Shop lên thành 717 cửa hàng và Long Châu đạt 700 cửa hàng.
Cổ phiếu FRT liên tục leo dốc
Một cái tên khác trong “họ FPT” cũng đã vượt đỉnh là cổ phiếu FOC của FPT Online. Cổ phiếu này tăng 21% từ đầu năm 2022 lên mức 144.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, cổ tức duy trì đều đặn ở mức cao, có năm lên đến 200% mới là điểm nổi bật của cổ phiếu này. Với lượng cổ phiếu lưu hành không lớn, thanh khoản thấp, chiến lược nắm giữ nhận cổ tức hiệu quả hơn rất nhiều so với việc giao dịch thường xuyên.
Cổ phiếu FOC cũng vượt đỉnh
Trong khi đó, cổ phiếu FPT lại có phần bị chững tại vùng đỉnh khi nhiều lần công phá bất thành. Cổ phiếu này hiện đang dừng ở mức 92.000 đồng/cổ phiếu, tương đương thời điểm đầu năm nhưng vẫn cao hơn khoảng 30% so với cách đây 1 năm. Với việc là một trong những cái tên ưa thích của khối ngoại và có truyền thống chiến thắng thị trường trong nhiều năm, FPT vẫn được đặt nhiều kỳ vọng trong năm 2022.
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ mới công bố, FPT đặt mục tiêu đạt 42.420 tỷ đồng doanh thu và 7.618 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 19% và 20,2% so với thực hiện năm 2021. Bên cạnh đó, công ty cũng dự kiến sẽ trả cổ tức năm 2021 với tổng tỷ lệ 40% bao gồm 20% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu.
Cổ phiếu FPT bị chững tại vùng đỉnh
Một doanh nghiệp tỷ USD khác bên cạnh FPT là FPT Telecom (mã FOX) lại đang vất vả tìm cách vượt xu hướng giảm kéo dài từ cuối tháng 8/2021. Cổ phiếu này hiện đang dừng ở mức 73.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 14% so với đỉnh. Tạm tính theo mức thị giá hiện tại, vốn hóa của FPT Telecom đạt xấp xỉ 24.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu FOX tìm cách thoát đáy
Tương tự, cổ phiếu FTS của Chứng khoán FPTS cũng chưa thoát khỏi kênh giảm từ sau khi đạt đỉnh hồi cuối năm ngoái. Cổ phiếu này đã giảm 31% sau chưa đến 4 tháng xuống mức 51.500 đồng/cổ phiếu nhưng vẫn còn cao gấp hơn 3 lần so với thời điểm cách đây 1 năm. Kết quả này có được là nhờ con sóng tăng vốn rầm rộ trong nửa cuối năm ngoái và FTS đang phải “chật vật” hấp thụ lượng cổ phiếu phát hành thêm tại nền giá cao hơn nhiều.
Năm 2022, Chứng khoán FPTS thậm chí còn “cài số lùi” với mục tiêu doanh thu đạt 1.090 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 680 tỷ đồng, lần lượt giảm 3,7% và 6,3% so với thực hiện năm 2021. Đến thời điểm hiện tại, công ty chứng khoán này cũng chưa có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm nay.
Cổ phiếu FTS đang dò đáy
Tăng trưởng ổn định và trọng tâm triển khai 5G
Trong báo cáo triển vọng ngành công nghệ thông tin công bố gần đây, SSI Research cho rằng mức chi tiêu cho CNTT toàn cầu dự kiến sẽ duy trì đà tăng trưởng trong năm 2022.
Theo cập nhật đến ngày 20/10/2021, Gartner đã tăng ước tính chi tiêu cho các trung tâm dữ liệu và dịch vụ CNTT lên 2% cho năm 2022. Theo cập nhật ngày 20/12/2021 của Bộ TT&TT, quy mô thị trường nội địa của dịch vụ CNTT có thể đạt khoảng 25-30 tỷ USD trong năm 2025, với tốc độ CAGR dao động khoảng 20% -30%.
Theo ước tính của SSI Research, FPT có thể đạt mức tăng trưởng EPS 24% năm 2022 và hệ số P/E năm 2022 là 17,7x, tương ứng với PEG là 0,7x. Trong khi đó, các công ty cùng ngành có khả năng đạt mức tăng trưởng EPS năm 2022 là 13,7% và P/E dự phóng năm 2022 là 21,3x.
Đối với lĩnh vực viễn thông, thị phần thuê bao di động của Viettel đã tăng lên 54% trong năm 2021, tương ứng cải thiện 4% so với năm 2018. Từ năm 2017-2021, thị phần của Viettel trong băng thông internet mở rộng mạnh mẽ, tăng từ 31,4% lên 40,5%.
SSI Research cho rằng vị thế dẫn đầu thị trường của Viettel sẽ thúc đẩy các động lực tăng trưởng chính của CTR đối với mảng xây dựng viễn thông, vận hành cơ sở hạ tầng viễn thông và cho thuê cơ sở hạ tầng viễn thông.
Với việc chiếm thị phần lớn nhất về thuê bao di động (cũng như vùng phủ sóng hạ tầng viễn thông), Tập đoàn Viettel hay CTR đang sẵn sàng mở rộng vùng phủ sóng BTS 5G trong tương lai. Điều này sẽ gây khó khăn cho những công ty mới gia nhập hoặc đối thủ cạnh tranh hiện tại ngay lập tức mở rộng sang thị trường này.
https://babfx.com/khong-qua-on-ao-nhieu-co-phieu-ho-viettel-fpt-van-am-tham-vuot-dinh-20220317183223677.chn
Để lại một phản hồi