Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF) đặt kế hoạch doanh thu giảm, lãi ròng tăng

Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (HoSE: BAF) vừa công bố Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất – kinh doanh năm 2021 và kế hoạch năm 2022.

Về kết quả kinh doanh năm 2021, BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần thấp hơn năm 2020, khi chỉ có hơn 10.430 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh nông sản và cho thuê trại nuôi heo đều thấp hơn năm liền kề; song hoạt động chăn nuôi lại mang về doanh thu cao hơn năm 2020 gần 80% (đạt 762 tỷ đồng) nhờ sản lượng heo được bán ra tăng hơn 2,3 lần so với năm liền kề trước đó (với hơn 155.180 con).

Lợi nhuận gộp hoạt động chăn nuôi trong năm vừa qua của doanh nghiệp này chiếm hơn 56% trong tổng 488 tỷ đồng lợi nhuận gộp.

Kết quả, công ty báo lãi ròng năm vừa qua đạt hơn 320 tỷ đồng, gấp 7 lần năm 2020 cùng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) 41,3% (cao hơn năm 2020 hơn 32%).

Trong năm 2021, doanh nghiệp này đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức.

Vấn đề không chỉ xoay quanh nguồn nguyên vật liệu tăng cao, mà cả phía đầu ra cũng bị ngưng trệ khi nơi tiêu thụ thịt như nhà hàng, bếp ăn tập thể…phải ngưng hoạt động.

Thêm vào đó, giá heo hơi đã giảm trong quý III/2021 khiến kết quả kinh doanh mảng chăn nuôi của BaF bị sụt giảm.

Nhà máy tại Tây Ninh đang trong giai đoạn nâng cấp, chưa thể hoạt động tối đa công suất, còn nhà máy Phú Mỹ mới chỉ sản xuất đủ 60% nhu cầu thức ăn cho các trang trại chăn nuôi nội bộ của BAF Việt Nam.

Vì vậy, thách thức mà doanh nghiệp này phải giải quyết đó là đảm bảo quá trình sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn do diễn biến phức tạp từ đại dịch, nhằm cung cấp đủ lượng thức ăn cho các trại nuôi.

.
Chuỗi cửa hàng bán lẻ Siba Food sẽ được mở rộng quy mô nhằm tiêu thụ toàn bộ lượng thịt heo từ trang trại của BaF Việt Nam (Nguồn: SBF).

Đánh giá cơ hội của thị trường thức ăn chăn nuôi còn rộng mở, BaF Việt Nam đã mua lại nhà máy cám tại Tây Ninh với công suất 200.000 tấn/năm và lên kế hoạch xây dựng một nhà máy cám tại Nghệ An với diện tích 28.000 m2, có công suất tương tự nhà máy ở Tây Ninh.

Ban lãnh đạo công ty này dự tính khi các hai nhà máy cám đều đi vào hoạt động, họ sẽ có đủ lượng cám cung cấp cho hệ thống trang trại nội bộ cũng như bán ra thị trường thông qua ưu đãi khi mua kèm con giống.

Tư vấn dinh dưỡng, cung cấp thức ăn đảm bảo heo thịt không chất cấm, không hoc-môn tăng trưởng được cho là mảng kinh doanh chiến lược song hành với lĩnh vực chăn nuôi cho BaF trong dài hạn.

BaF Việt Nam đặt kế hoạch kinh doanh khiêm tốn cho năm nay khi doanh thu thuần ước ở mức 5.950 tỷ đồng (67% đến từ kinh doanh nông sản), chỉ bằng 57% kết quả năm ngoái.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế được kỳ vọng cho năm 2022 lại cao hơn gần 25% so với năm ngoái, với 402 tỷ đồng (73% đến từ hoạt động chăn nuôi).

Đối với mảng chăn nuôi, dự kiến có khoảng 259.000 con heo được bán ra thị trường trong năm 2022 trong đó, 75% là heo thịt.

Mảng này được kỳ vọng mang về 1.272 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng 294 tỷ đồng, chiếm 73% tổng lợi nhuận sau thuế năm nay của BaF Việt Nam.

.
Chi tiết hoạt động chăn nuôi BaF Việt Nam dự kiến thực hiện trong năm nay.

Với mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi, với nhà máy Tây Ninh có công suất 200.000 tấn/năm đi vào hoạt động và nhà máy Phú Mỹ có công suất hiện tại khoảng 60.000 tấn/năm dự kiến mang về doanh thu thuần 678 tỷ đồng và lãi ròng 45 tỷ đồng.

Ngược chiều với hai mảng nêu trên, doanh thu hoạt động kinh nông sản năm nay của công ty này sẽ giảm xuống còn 4.000 tỷ đồng và lãi ròng 64 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo BAF Việt Nam cho biết, giảm dần tỷ trọng hoạt động kinh doanh nông sản trong cơ cấu doanh thu để tập trung nguồn lực cho mảng chăn nuôi và sản xuất thức ăn sẽ là chiến lược tiếp tục được áp dụng.

Điều này được dự tính giúp mang lại biên lợi nhuận cao hơn cho cả công ty bởi biên lợi nhuận của mảng kinh doanh nông sản chỉ dao động quanh mức 2%.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*