Ngày 29-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết , Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC), để điều tra về tội thao túng thị trường chứng khoán (TTCK).
Gây thiệt hại nghiêm trọng
Theo đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiến hành điều tra, xác minh đối với Trịnh Văn Quyết và các cá nhân thuộc Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty liên quan về hành vi “Thao túng TTCK”, “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” xảy ra ngày 10-1-2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của TTCK Việt Nam. Hành vi của Trịnh Văn Quyết đã đủ yếu tố cấu thành tội “Thao túng TTCK” quy định tại điều 211 Bộ Luật Hình sự.
Bước đầu, ngày 29-3, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT, các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết. Đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan.
Trước đó, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã bị cơ quan điều tra ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh một tháng để phục vụ điều tra. Quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Quyết được cơ quan điều tra ban hành từ ngày 26-3.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, hồi tháng 1-2022, sau nhiều ngày cổ phiếu FLC được “đánh lên” với giá rất cao thì ngày 10-1, ông Trịnh Văn Quyết đã âm thầm bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch. Đáng chú ý, chỉ trong một phiên giao dịch, có tới gần 135 triệu cổ phiếu FLC được khớp lệnh – mức cao chưa từng có trên TTCK.
Những ngày sau đó, khi thông tin được công bố, cổ phiếu FLC và những mã chứng khoán liên quan đã giảm kịch sàn liên tục. Thị trường chung cũng sụt giảm mạnh, gây thua lỗ lớn cho rất nhiều nhà đầu tư.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sau đó đã có quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn các hành vi tiếp theo không đúng quy định. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan liên quan hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10-1 của ông Trịnh Văn Quyết và hoàn tiền lại cho nhà đầu tư. Ngoài ra, cơ quan quản lý còn ban hành quyết định xử phạt hành chính số tiền 1,5 tỉ đồng với ông Trịnh Văn Quyết và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.
Đáng chú ý, đó không phải là lần đầu tiên ông Trịnh Văn Quyết bị phạt. Hồi tháng 11-2017, ông Trịnh Văn Quyết từng bị phạt 65 triệu đồng vì bán 57 triệu cổ phiếu mà không báo với cơ quan quản lý.
Cơ quan công an khám xét tại trụ sở Tập đoàn FLC trên đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội – nơi làm việc của ông Trịnh Văn Quyết. Ảnh: HỮU HƯNG
Có thể là “án điểm”
Liên quan vụ việc ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và điều tra, PGS-TS Nguyễn Văn Trình, chuyên gia kinh tế, đánh giá đây có thể là “án điểm” liên quan đến vi phạm thao túng TTCK. Với TTCK, thực tế 2 ngày qua đã phản ánh vào giá cổ phiếu ở nhiều nhóm ngành khi giảm sâu trong ngày 28-3 và hồi phục trở lại trong phiên 29-3, trừ nhóm cổ phiếu họ FLC tiếp tục giảm sàn.
“Nhìn ở góc độ thị trường, đây là tín hiệu tốt về trung – dài hạn, góp phần làm trong sạch và minh bạch hơn, tạo niềm tin đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dù vậy, đối với những nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu của họ FLC sẽ là cú sốc tiếp theo và có thể họ phải chờ trong thời gian dài để hồi phục trở lại” – PGS-TS Nguyễn Văn Trình nhìn nhận.
Trong quá khứ, đã từng có những trường hợp cổ phiếu giảm rất sâu khi lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt nhưng đã hồi phục sau khi doanh nghiệp tái cấu trúc, thay đổi ban lãnh đạo, giá cổ phiếu thậm chí còn tăng cao hơn. Theo PGS-TS Nguyễn Văn Trình, nếu bản chất doanh nghiệp làm ăn tốt hoặc lãnh đạo mới sau đó điều hành hoạt động kinh doanh tốt, giá cổ phiếu sẽ hồi phục. Như trong hệ sinh thái của Tập đoàn FLC có hãng hàng không Bamboo Airways (Công ty CP Hàng không Tre Việt), chất lượng dịch vụ vẫn được đánh giá cao và khách hàng tin tưởng. Do đó, nếu không vay để đầu tư cổ phiếu, những nhà đầu tư cổ phiếu thuộc nhóm FLC có thể cầm thời gian dài hơn. Ông Trịnh Văn Quyết chỉ là một trong hàng triệu nhà đầu tư đã, đang cầm cổ phiếu của tập đoàn này.
Nhìn ở góc độ khác, chuyên gia tài chính – TS Lê Đạt Chí cho rằng trên thị trường vẫn có những lãnh đạo doanh nghiệp, những đội nhóm nhà đầu tư làm giá, thao túng giá cổ phiếu nhưng ở mức độ chưa vi phạm quy định, chưa vượt qua “lằn ranh đỏ” của pháp luật. Riêng chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC là trường hợp đã vượt quá giới hạn của pháp luật, thao túng giá cổ phiếu và bán chui không chỉ một lần.
Thực tế, vẫn có những nhà đầu tư biết rủi ro khi mua vào cổ phiếu họ FLC nhưng vì họ kỳ vọng lợi nhuận cao, trong khi có nhiều nhà đầu tư khác bị “úp sọt” một lần rồi không dám mua lại. Trên thế giới, vẫn có những vụ nhà đầu tư, lãnh đạo doanh nghiệp thao túng giá cổ phiếu và bị xử lý.
“Trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện có hàng ngàn mã cổ phiếu của các doanh nghiệp, tập đoàn, trong đó nhóm cổ phiếu họ FLC thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, điều này cũng cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đối với nhóm doanh nghiệp này. Nhưng khi để mất niềm tin sẽ tác động tiêu cực đến cả thị trường, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Từ câu chuyện của ông Trịnh Văn Quyết, cơ quan quản lý cần thanh lọc lại thị trường và có quy định rõ ràng về chất lượng đối với những doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường ở cả 3 sàn chứng khoán” – TS Lê Đạt Chí đặt vấn đề.
Chuyên gia – ThS Nguyễn Anh Vũ, ĐH Ngân hàng TP HCM, đánh giá việc lãnh đạo một doanh nghiệp bị bắt vì vi phạm liên quan đến thao túng chứng khoán, chắc chắn ảnh hưởng khá lớn đến thị trường chung, đặc biệt là ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Thực tế, khi vừa xuất hiện tin đồn, không chỉ nhóm cổ phiếu FLC mà cổ phiếu của nhiều ngành khác đều giảm mạnh.
Trước đó, khi ông Quyết bán chui cổ phiếu, thị trường cũng phản ứng tiêu cực giống như vậy. Còn ở góc độ quản trị doanh nghiệp, việc ông Quyết bị bắt tạm giam chắc chắn sẽ gây xáo trộn nhân sự nhưng không làm doanh nghiệp “sập” được vì sẽ có người thay thế điều hành. Về nguyên tắc, ông Quyết bị xử lý ở mức độ cá nhân vì hành vi thao túng chứng khoán. Còn các hoạt động kinh doanh khác của Tập đoàn FLC và những công ty liên quan cơ bản vẫn bình thường.
Tối 29-3, sau khi Bộ Công an đã có quyết định khởi tố vụ án đối với ông Trịnh Văn Quyết, Tập đoàn FLC thông báo: Để hạn chế mọi rủi ro có thể phát sinh và bảo đảm hoạt động thường xuyên của FLC, ông Quyết đã tiến hành ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, sẽ thay mặt và đại diện cho ông thực hiện các công việc, quyền của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hàng không Tre Việt.
Ông Trịnh Văn Quyết cũng ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến toàn bộ các quyền liên quan đến các tài sản, quyền tài sản thuộc quyền sở hữu của ông.
Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết theo pháp luật hiện hành,với hành vi “Thao túng TTCK”, “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”, ông Trịnh Văn Quyết có thể bị tăng nặng hình phạt.
Tùy theo mức độ thiệt hại cho nhà đầu tư, mức thu lợi bất chính của ông Trịnh Văn Quyết mà cơ quan chức năng sẽ tính đến các hình phạt tiền, tịch thu cũng như xử phạt tù như thế nào. Tuy nhiên, với tội “Thao túng TTCK” thì theo khoản 2 điều 3 Nghị định 156/2020/NĐ-CP, mức phạt cao nhất là 7 năm tù. Còn với tội “Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”, theo điều 209 Bộ Luật Hình sự 2017 quy định về tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán thì cao nhất là 5 năm tù.
Để lại một phản hồi