Sau Valentine, chứng khoán Việt lại bán tháo ngày 8/3
Sau phiên giao dịch ngày lễ tình nhân Valentine (14/2) “bốc hơi” gần 2% của VN-Index, chứng khoán Việt Nam tiếp tục gửi đến nhà đầu tư “bông hồng có gai” trong ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. VN-Index đóng cửa giảm 25,34 điểm (-1,69%) xuống 1.473,71 điểm. HNX-Index giảm 6,97 điểm (-1,54%) xuống 445,89 điểm. UPCoM-Index giảm 0,61 điểm (-0,54%) xuống 112,61 điểm.
Ảnh hưởng kinh tế của xung đột giữa Nga và Ukraine được các nhà đầu tư tính đến khi xu hướng tăng cao của giá hàng hóa gây lo ngại về một cú sốc khiến nền kinh tế đình đốn trong khi lạm phát cao. Điều này cũng đã châm ngòi đợt bán tháo cổ phiếu trên toàn cầu ngay đầu tuần. Các sàn chứng khoán châu Á đỏ lửa trong phiên hôm qua và tiếp tục duy trì sắc đỏ. Chỉ số chứng khoán của Phillipines giảm 4,26%, hàng loạt sàn chứng khoán bốc hơi trên 2% như Đài Loan, Thượng Hải, Thâm Quyến… Cuối tuần trước, Trung Quốc đã công bố mục tiêu GDP khoảng 5,5% cho năm 2022, đồng thời, đang trì hoãn việc cụ thể hóa các kế hoạch kích thích kinh tế.
Chỉ số chứng khoán Việt Nam phiên hôm qua vẫn còn giữ được trạng thái giằng co và phân hoá khi có nhiều nhóm cổ phiếu ngược dòng, nhưng cũng chịu cảnh bán tháo phiên nay. Sắc đỏ lan toả trên diện rộng. Toàn sàn có 625 mã giảm, 18 mã giảm kịch sàn trong khi chỉ có 284 mã tăng và 56 mã tăng trần.
Các chỉ số chứng khoán Việt Nam đồng loạt rơi sâu từ nửa cuối phiên chiều
Vietcombank – tổ chức niêm yết có quy mô vốn hoá lớn nhất giảm tới 4% trong phiên hôm nay, đóng cửa ở mức 81.500 đồng/cổ phiếu, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1/2022. Vốn hoá thị trường nhà băng này dù vẫn giữ vị trí số 1 nhưng đã tuột khỏi mốc 400.000 tỷ đồng. Đồng thời, đây cũng là “tội đồ” góp tới 3,96 điểm giảm trong tổng mức giảm hơn 25 điểm của VN-Index.
Không một cổ phiếu ngân hàng nào đóng cửa tăng điểm phiên nay. Các cổ phiếu nhà băng rớt giá mạnh nhất là VCB (-4%), MBB (-3,73%), STB (-2,06%), ACB (-1,95%)…
Bất động sản – nhóm cổ phiếu có quy mô vốn hoá lớn trên sàn cũng giao dịch tiêu cực, chỉ một số cổ phiếu đóng cửa tăng giá như HUT, ICG, SJS… Cổ phiếu Vinhomes đã có hai phiên liên tiếp giảm trên 2% và đang giao dịch ở vùng giá thấp nhất trong một năm trở lại đây, đóng cửa phiên 8/3 ở mức 74.600 đồng/cổ phiếu.
Không riêng cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, một số cổ phiếu hàng hoá cơ bản ngược dòng tăng phiên trước cũng đã điều chỉnh. Nhiều dòng cổ phiếu từng hút dòng tiền và được xem là “tấm lá chắn” phòng ngừa rủi ro khi giá hàng hoá tăng cũng hạ nhiệt sau giai đoạn tăng nóng. Trừ cổ phiếu Supe Lâm Thao (LAS) tăng nhẹ hay Phân lân nung chảy Văn Điển (VAF) đã tăng trần ba phiên liên tiếp, cổ phiếu phân bón lớn đã quay đầu giảm mạnh. DPM và DCM lần lượt giảm 3,9% và 2,1%. Trong ngành hoá chất, DGC cũng đóng cửa giảm 4,2% sau tin tốt về kế hoạch kinh doanh và mức chi trả cổ tức “khủng”. Còn với nhóm dầu khí, GAS giảm 3,1% sau phiên tăng mạnh liền trước, dù vậy vẫn đóng cửa trên ngưỡng 120.000 đồng/cổ phiếu.
Nhóm các cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến thị trường phiên này lần lượt là VCB, GAS, HPG, VHM, MBB. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu tăng chỉ là nhóm thiểu số và không đóng góp điểm tăng đáng kể.
Giao dịch trên sàn HNX cũng không mấy tích cực hơn. Cổ phiếu HUT của Công ty cổ phần Tasco với câu chuyện riêng về khả năng một doanh nghiệp lớn thâu tóm Tasco nhằm mục tiêu “niêm yết cửa sau” đã tăng giá khá mạnh thời gian qua và vẫn giữ được nhiệt. Tiếp tục tăng trên 5% hôm nay, HUT góp nhiều điểm tăng nhất cho HNX-Index. Tuy nhiên, sự sụt giảm của loạt cổ phiếu như CEO (-7,86%), IDC (-4,27%), THD (-1,33%) hay PHP (-6,04%)… khiến xu hướng giảm áp đảo.
Dòng tiền lớn ồ ạt vào khi thị trường rơi sâu, khối ngoại tiếp tục bán mạnh
Trái với sự giằng co ở phiên sáng, áp lực bán tháo đã mạnh lên từ nửa cuối phiên chiều. VN-Index và HNX-Index đều đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên, riêng UPCoM-Index kịp hồi phục nhẹ. Cũng từ giữa phiên chiều, dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường khi nhiều cổ phiếu được đặt bán giá thấp.
Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng. Giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt gần 41.360 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khớp lệnh đạt 38.595 tỷ đồng, tăng 7,4%. Riêng trên sàn HoSE, đã có hơn 1 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng với giá trị đạt 34.518 tỷ đồng.
HPG và SSI được giao dịch nhiều nhất, đều trên nghìn tỷ đồng. Hôm nay cũng là phiên lượng cổ phiếu HPG khủng mua hôm 3/3 về tài khoản nhà đầu tư. Giá cổ phiếu này giảm 3,23% về 49.450 đồng khi áp lực bán tăng lên. Trong đó, riêng khối ngoại đã bán ròng hơn 221 tỷ đồng.
HPG cũng là cổ phiếu bị nhóm nhà đầu tư này bán nhiều nhất, bên cạnh GEX, VCB, VIC, VHM với giá trị bán quanh 100 tỷ đồng mỗi mã chứng khoán. Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng mạnh với giá trị lên tới 1.476 tỷ đồng, nhỉnh nhẹ so với phiên đầu tuần. Cổ phiếu được giải ngân ròng không nhiều, cùng đó, giá trị mua ròng cũng khiêm tốn như NKG (24 tỷ đồng), IDC (20 tỷ đồng), QNS (17 tỷ đồng)…
Để lại một phản hồi