Ba nước Baltic ngừng nhập khí đốt Nga

“Chúng tôi có tin tưởng nguồn cung từ Nga hay không? Các sự kiện hiện tại rõ ràng cho chúng tôi thấy không còn sự tin tưởng nào nữa”, Uldis Bariss, giám đốc điều hành kho chứa khí đốt tự nhiên Conexus Baltic Grid của Latvia, nói hôm 2/4.

“Kể từ ngày 1/4, khí đốt tự nhiên Nga không còn chảy sang Latvia, Estonia và Litva”, ông nói và cho biết thêm thị trường vùng Baltic đang được phục vụ bởi lượng khí đốt được lưu trữ dưới lòng đất ở Latvia.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký tên trên một đường ống dẫn khí đốt tại Vladivostok, Nga vào năm 2011. Ảnh: AFP.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký tên trên một đường ống dẫn khí đốt tại Vladivostok, Nga vào năm 2011. Ảnh: AFP.

Động thái diễn ra khi sau khi Nga yêu cầu các quốc gia “thiếu thân thiện” thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble. Người đứng đầu Điện Kremlin hôm 31/3 nói rằng các hợp đồng hiện tại sẽ bị dừng nếu các khoản thanh toán không được thực hiện. Các nước bị Nga coi là “thiếu thân thiện” gồm Mỹ, các nước thành viên Liên minh châu Âu, Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine.

Trong khi Mỹ đầu tháng trước quyết định cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, EU đã giữ lại các hợp đồng mua khí đốt từ Moskva. Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, trong đó Đức, Italy và nhiều nước Trung Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung này. Khoảng 25% nguồn dầu mỏ cho châu Âu cũng đến từ Nga.

Thống kê của công ty dữ liệu Đức Statista cho thấy vào năm 2020, 94% lượng khí đốt nhập khẩu của Latvia đến từ Nga, trong khi Estonia là 79% và Litva là 41%.

Tổng thống Litva Gitanas Nauseda kêu gọi các nước còn lại của EU noi gương ba nước vùng Baltic. “Kể từ tháng này, không còn khí đốt của Nga ở Litva”, ông viết trên Twitter. “Nếu chúng tôi làm được, phần còn lại của châu Âu cũng có thể làm được”.

Ủy ban châu Âu hôm 28/3 xác nhận EU đặt mục tiêu hoàn toàn không phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga vào năm 2027. EU và Mỹ hôm 25/3 ký thỏa thuận cung cấp thêm khí đốt của Washington cho châu Âu. Mỹ cho biết sẽ làm việc với các đối tác quốc tế, cố gắng đảm bảo ít nhất 15 tỷ mét khối khí hóa lỏng (LNG) cho thị trường EU vào năm 2022 và tiếp tục tăng trong tương lai. Mục tiêu dài hạn hơn là đảm bảo khoảng 50 tỷ mét khối LNG từ Mỹ tới EU mỗi năm, ít nhất là tới năm 2030.

Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu. Bấm vào hình để xem chi tiết.

Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu. Bấm vào hình để xem chi tiết.

Thanh Tâm (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*