Sau giai đoạn “cực thịnh”, thị trường mô tô xe máy Việt Nam những năm gần đây đang có dấu hiệu chững lại. Thậm chí ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cùng với thực tế người Việt ngày càng giảm mua xe máy khiến thị trường đang đứng trước viễn cảnh của sự “thoái trào”.
Bất chấp việc các nhà sản xuất vẫn nỗ lực thay đổi, tung ra thị trường các phiên bản nâng cấp cũng như mẫu mã mới với nhiều ưu đãi hấp dẫn, sức mua xe máy trong vòng 2 năm trở lại đây bắt đầu có xu hướng lao dốc. Năm 2020, ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 khiến doanh số bán xe máy tại Việt Nam giảm từ 3,25 triệu chiếc còn 2,84 triệu chiếc tức là giảm 12,6% so với năm 2019.
Trong đó, công ty tư vấn chiến lược ABeam Consulting (ABeam Việt Nam) của Nhật Bản, bên cạnh điều kiện tài chính cải thiện giúp người Việt Nam có thể mua những mặt hàng đắt tiền hơn như ô tô thay vì xe máy. Việc cơ sở hạ tầng ở Việt Nam đang được cải thiện với tốc độ nhanh chóng cũng tác động đến việc người dân giảm mua xe máy.
Trước bối cảnh ảm đạm của thị trường, điều thú vị là một doanh nghiệp sản xuất xe máy Made in Vietnam vẫn phát triển và tăng vốn điều lệ. Tháng 5/2021, công ty TNHH Xe điện xe máy Detech đăng ký thay đổi vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. Công tư 100% vốn tư nhân này là một trong những doanh nghiệp lớn tại tỉnh Hưng Yên và lọt vào danh sách 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam do VNR bình chọn năm 2021.
Vì sao doanh nghiệp tư nhân này làm được điều này trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu lớn như Honda, Yamaha, Suzuki,…?
“Chúng tôi ưu tiên lựa chọn phân khúc miền núi và nông thôn. Ví dụ như dòng xe Win phục vụ cho bà con miền núi. Bà con miền núi đi xe máy, đèo 2 con lợn mỗi con 1 tạ rồi còn leo đồi leo dốc dựng đứng thì những xe đấy phải rất tốt, rất chuẩn người ta mới đi được. Nhiều doanh nghiệp làm nhưng không bán được. Chúng tôi bán được vì đáp ứng được nhu cầu.”, ông Đinh Văn Bắc, giám đốc công ty Detech từng chia sẻ trên đài truyền hình Hà Nội.
Nguồn: Internet.
Nguồn: Detech.
Ông Bắc cho biết rất tự hào khi đến những nơi nhìn ra đường chỉ toàn xe máy do doanh nghiệp mình sản xuất ví dụ như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang. Vị giám đốc này cho biết ở các tỉnh miền núi phía Bắc hầu như toàn xe Detech, thậm chí có những huyện xe Honda ít hơn xe của họ.
Dòng xe máy Win của Detech được khách du lịch phương tây khá ưa chuộng khi đi phượt tại Việt Nam.
Theo ông Đinh Văn Bắc, công ty Detech được thành lập khá sớm từ năm 1991. Ban đầu doanh nghiệp này đi theo xu hướng chung của thị trường là nhập khẩu xe bãi, sau đó là sản xuất lắp ráp xe máy linh kiện (CKD). Năm 1999, khi Chính phủ đẩy mạnh việc sản xuất xe máy nội địa hoá cùng với những hỗ trợ về thuế, vốn vay và các ưu đãi, Detech tiến hành đầu tư sản xuất xe Made in Vietnam. Đầu những năm 2000, xe máy Made in Vietnam phát triển rất mạnh. Ông Bắc cho biết thời kỳ này sản lượng xe Detech bán ra thị trường là 2 triệu chiếc mỗi năm.
Để có được thành công này, có phần không nhỏ công lao của ông Đinh Văn Bắc. Ông Bắc sinh năm 1961, sau khi tốt nghiệp cấp 3 vào năm 1978, được Nhà nước cử đi học tại Tiệp Khắc với nghề kỹ sư cơ khí. Sau khi về nước năm 1985, ông Bắc vào làm kỹ sư cơ ký cho một nhà máy tại Hà Nội. Đến năm 1996, ông Bắc về Detech. Ban đầu đơn vị này có công việc chính là nghề xử lý môi trường. Khi Chính phủ phát triển sản xuất xe máy năm 1999, ông Bắc là người tiên phong đưa Detech sang hướng mới.
Ông cho biết sự nghiệp của mình đi theo thăng trầm nghề xe máy từ những thời điểm phát triển rất mạnh như đầu những năm 2000 cho đến lúc thị trường đi xuống như 2006-2010. Đây là lúc các doanh nghiệp lắp ráp gần như ra khỏi cuộc chơi. Theo ông Bắc, để doanh nghiệp tồn tại và phát triển đến hôm nay, mấu chốt là việc đảm bảo chất lượng sản phẩm xây dựng thương hiệu.
Trong vài năm gần đây, Detech triển khai sản xuất thêm các sản phẩm xe điện máy điện, xe đạp điện bởi đây là xu hướng chung của thị trường vì bảo vệ môi trường. Ông Bắc cho biết doanh nghiệp này hiện đứng đầu ngành xe điện Việt Nam. Để làm được điều này, ông Bắc cho rằng doanh nghiệp cần phải đầu tư rất nhiều như khuôn mẫu, khung, bộ nhựa, sơn, dây chuyền sản xuất hiện đại.
Mộc An
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
Để lại một phản hồi