Cú hồi giữa phiên bất thành, VN-Index mất hơn 25 điểm
Sắc đỏ bao trùm trên sàn chứng khoán Việt Nam ngay mở đầu phiên.
Thời điểm giữa phiên chiều, lực cầu tăng mạnh trên sàn HoSE kéo chỉ số hồi phục thêm 15 điểm từ mức thấp nhất phiên 1.425,9 điểm. Tuy nhiên, VN-Index quay đầu sau đó. VN-Index có thời khắc giảm 33 điểm, nhưng đóng cửa chỉ còn giảm 25,96 điểm (-1,78%) xuống 1.432,6 điểm.
Chỉ số sàn HoSE liên tục biến động mạnh gần đây. Trong vòng nửa tháng, VN-Index đã có tới 4 phiên giảm trên 20 điểm, tương đương mức giảm trên 1%.
Nhưng tính riêng trong phiên hôm nay (18/4), chứng khoán Việt Nam cũng không phải chỉ số rơi sâu nhất. Sàn chứng khoán Ấn Độ đang “bốc hơi” trên 2%; chỉ số Nikkei 225 đóng cửa giảm trên 1%. Các thông tin tốt tại Trung Quốc như mức tăng trưởng GDP 4,8% trong quý I hay việc Ngân hàng Trung ương quốc gia hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ nền kinh tế cũng không giúp các chỉ số chứng khoán nước này bứt phá phiên đầu tuần.
VN-Index tiếp tục có thêm phiên rơi sâu và chỉ kịp có nhịp hồi phục nhẹ giữa phiên chiều.
Tương tự VN-Index, nhịp hồi phục giữa phiên chiều cũng đồng loạt xuất hiện trên sàn HNX và UPCOM song cũng khá chóng vánh. HNX-Index giảm 13,59 điểm (-3,26%) xuống 403,12 điểm. UPCoM-Index giảm 2,15 điểm (-1,91%) xuống 110,21 điểm.
Không riêng chỉ số chung chìm trong sắc đỏ, số mã chứng khoán giảm giá cũng áp đảo. Các cổ phiếu vốn hoá lớn như nhóm VN30 và HNX30 thậm chí giảm thấp hơn mức giảm của chỉ số chung.
Trên sàn HoSE, VN30-Index chỉ giảm 1,17%, trong khi VNMID-Index và VNSML-Index lần lượt giảm 2,6% và 2,93%.
Điểm đáng lưu ý là số mã chứng khoán giảm sàn tăng vọt trong phiên hôm nay. Tính chung trên ba sàn, có 602 mã giảm, 149 mã giảm sàn; trong khi chỉ có 211 mã tăng và 20 mã tăng trần. Trên sàn HoSE, có 87 mã giảm kịch biên độ, tương đương bình quân cứ mỗi 100 mã niêm yết trên sàn HoSE lại có 20,7 mã giảm sàn. Các mã cổ phiếu giảm sàn đa phần ở nhóm đầu cơ. Tuy vậy, nhiều cổ phiếu có yếu tố cơ bản hỗ trợ cũng hạ tới giá sàn.
Đa số các cổ phiếu dòng chứng khoán đều giảm trên 6%, trong đó có 15 mã chứng khoán không thể giảm thêm do đã qua biên độ giảm cho phép như APS, EVS, HBS… Nhiều cổ phiếu ngành bất động sản cũng “đo sàn”. Cổ phiếu nhóm ngân hàng hầu hết giảm giá, nhưng mức giảm bình quân chỉ hơn 3%.
Sắc xanh xuất hiện hiếm hoi ở dòng cổ phiếu thuỷ sản và cao su. AAM, ACL, ANV, CMX tăng trên 6%. Cổ phiếu IDI cũng tăng 5,97%. Ở nhóm cao su, cổ phiếu DRC của Cao su Đà Nẵng tăng 6,23%, xác lập mức giá cao nhất trong lịch sử giao dịch. Cùng đó, dòng tiền đổ vào cổ phiếu này cũng tăng đáng kể với khối lượng giao dịch gấp 3,37 lần trung bình 20 phiên.
Thanh khoản tăng hơn 20%, giao dịch vẫn sôi động ở vùng định giá hấp dẫn
Giá trị giao dịch trên ba sàn đạt gần 30.110 tỷ đồng. Lực cầu vẫn lớn khi giá cổ phiếu rơi sâu, nhất là khi VN-Index một lần nữa thử thách mốc 1.430 điểm. Giao dịch của nhóm các nhà đầu tư nước ngoài vẫn sôi động. Trên sàn HoSE, khối ngoại mua vào 1.441 tỷ đồng và bán ra 1.435 tỷ đồng, tương đương giá trị mua ròng gần 7 tỷ đồng. Khối ngoại cũng mua ròng nhẹ trên sàn UPCOM, nhưng lại bán ròng gần 25 tỷ đồng trên sàn HNX chủ yếu do bán ròng cổ phiếu VCS (13,6 tỷ đồng) và IDC (10,7 tỷ đồng).
Hai cổ phiếu bị khối ngoại bán mạnh nhất phiên hôm nay là HPG và BVH với giá trị bán ròng đều trên 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, khá nhiều cổ phiếu được khối ngoại mạnh tay giải ngân thêm như GEX (hơn 81 tỷ đồng), DXG (66 tỷ đồng), DPM (58 tỷ đồng). Cổ phiếu GEX phần lớn được giao dịch ở mức giá sàn, chiếm tỷ trọng gần 28% tổng khối lượng giao dịch trong phiên. Hồi phục nhẹ cuối phiên giúp GEX đóng cửa chỉ còn giảm 6,33%.
Để lại một phản hồi