Trong nguy có cơ
Chiến sự Nga – Ukraine vẫn đang căng thẳng. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng tới cả tình hình thu hút đầu tư nước ngoài lẫn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam.
Ở khía cạnh thu hút đầu tư nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, cuộc xung đột Nga – Ukraine sẽ không có tác động trực tiếp đáng kể, do đầu tư của Nga và Ukraine chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn đầu tư vào Việt Nam (chiếm 0,23% tổng vốn đầu tư).
Mặc dù vậy, về trung và dài hạn, cuộc xung đột có thể dẫn đến xu hướng chuyển dịch đầu tư ra khỏi Nga và Ukraine sang các nước châu Á. Và vì thế, Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư dịch chuyển này.
“Tuy nhiên, hiện nay xu hướng này vẫn chưa rõ ràng”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, với đầu tư ra nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, các nhà đầu tư Việt Nam tại Nga do cấm vận của Mỹ và các nước sẽ bị tác động tiêu cực cả ngắn hạn và dài hạn.
Cụ thể là, xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp (thông qua khách hàng châu Âu) vào Nga giảm; nợ đến hạn không thể thu hồi (thông qua ngân hàng), ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp, thiếu hụt vốn để hoạt động kinh doanh; ảnh hưởng đến việc hoàn thuế đối với doanh nghiệp xuất khẩu…
Chưa kể, theo Cục Đầu tư nước ngoài, việc đồng Ruble mất giá cũng làm tăng chi phí đầu tư hoặc làm giảm giá trị lợi nhuận chuyển về nước. Đồng thời, cũng buộc doanh nghiệp phải chia sẻ khó khăn với khách hàng nếu muốn duy trì mối quan hệ kinh doanh lâu dài.
“Chi phí tăng do cước vận chuyển quốc tế tăng (giá dầu tăng) và việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT) cũng sẽ gây khó khăn cho thanh toán và chuyển lợi nhuận về nước”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, các dự án trong lĩnh vực sản xuất, hàng tiêu dùng tại Nga, ví dụ như dự án chăn nuôi bò và chế biến sữa của Tập đoàn TH, sẽ có lợi thế tại thị trường Nga khi hàng hóa của châu Âu và các nước khác gặp nhiều cản trở khi nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các công ty Việt Nam cũng đang có cơ hội tốt để tiếp cận các dự án tiềm năng của các công ty phương Tây chuyển nhượng hoặc trả lại cho Chính phủ Nga do lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và châu Âu.
Khuyến nghị thu hẹp quy mô hoặc giãn tiến độ, tạm ngừng hoạt động tại Ukraine
Liên quan đến đầu tư của doanh nghiệp Việt tại Ukraine, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, đầu tư của Việt Nam tại Ukraine có số lượng dự án và mức vốn không cao.
Hơn nữa, bên cạnh yếu tố thị trường thì ngay từ năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có định hướng, khuyến nghị để hạn chế hoạt động đầu tư mới sang Ukraine cho đến khi ổn định tình hình để bảo đảm an toàn hiệu quả trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trước tình hình xung đột tại địa bàn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã liên lạc và khuyến nghị các nhà đầu tư có thể thu hẹp quy mô, hoặc giãn tiến độ, tạm ngừng hoạt động.
Cùng với đó, giữ liên lạc thường xuyên với Đại sứ quán Việt Nam để được hướng dẫn, bảo hộ; đồng thời, liên hệ chặt chẽ với cộng đồng người Việt tại địa phương để có sự trợ giúp, đùm bọc.
Một biện pháp cuối cũng cũng đã được Cục Đầu tư nước ngoài nhắc tới đối với các doanh nghiệp Việt, đó là có thể cân nhắc dừng hẳn hoạt động, chuyển nhượng dự án để bảo toàn vốn đầu tư.
Để lại một phản hồi