“Đánh thức” đầu tư vào dầu khí

Kêu gọi đầu tư vào ngành dầu khí đang gặp nhiều khó khăn, cần quy định mới để khuyến khích.nh: Đức Thanh

Kêu gọi đầu tư gặp rất nhiều khó khăn

Trước khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp thứ 10 (giữa tháng 4/2022), Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) đã được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì thẩm tra cuối tuần qua.

Một trong những lý do cần sửa đổi đạo luật quan trọng này là bối cảnh quốc tế và trong nước đã có nhiều thay đổi, tác động lớn đến sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam. Tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến theo hướng phức tạp, căng thẳng và mất ổn định hơn, đưa đến nhiều khó khăn, thách thức mới đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên biển của Việt Nam.

Nhiều mỏ dầu khí đã qua giai đoạn khai thác đỉnh cao, đang trong đà suy giảm sản lượng nhanh. Các lô dầu khí mở có tiềm năng hạn chế, trữ lượng nhỏ, thuộc vùng nước sâu, xa bờ, hoặc có địa chất phức tạp, kết hợp với giá dầu biến động khó lường, nên công tác kêu gọi đầu tư gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, các quy định về ưu đãi đầu tư đối với các dự án dầu khí theo lô dầu khí (thông qua hợp đồng dầu khí) đã được ban hành từ lâu (năm 2005), đến nay, một số tiêu chí không còn phù hợp với tình hình thực tế (nhất là những vùng nước sâu xa bờ, nhạy cảm về quốc phòng – an ninh) và chưa có chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án dầu khí theo lô, mỏ tận thu dầu khí, cận biên, phi truyền thống…

Vì thế, việc sửa Luật Dầu khí hiện hành, theo Chính phủ, không chỉ nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, mà còn loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Nói rõ hơn mức độ cấp thiết của yêu cầu này tại phiên thẩm tra, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Ngọc Sơn nhìn nhận, hiện trạng môi trường đầu tư, thăm dò dầu khí của Việt Nam “nói chung là xấu”. Và thực trạng này, theo ông Sơn, có cả nguyên nhân khách quan, nhưng phần nhiều là do chủ quan.

“Trong 7 năm qua chỉ ký được 3 hợp đồng mới, nhưng có đến 13 hợp đồng đã chấm dứt và 5 hợp đồng đang làm thủ tục chấm dứt. Sản lượng khai thác liên tục suy giảm hàng năm và hệ số bù khai thác, tức là gia tăng trữ lượng hàng năm không bù được sản lượng khai thác suy giảm. Có năm khai thác 100%, thì chỉ bù được 16%, trung bình giai đoạn 2015-2020, hệ số bù chỉ được 0,55%, đây là những con số nhìn ở đầu tư thăm dò khai thác là đáng báo động”, ông Sơn nhấn mạnh.

Để tăng thêm sự thuyết phục cần sửa luật, ông Sơn cung cấp thêm thông tin là trong 108 hợp đồng dầu khí đã ký, hiện chỉ còn 55 hợp đồng và 5 trong số đó đang làm thủ tục chấm dứt.

“Như thế chỉ còn 50 hợp đồng và trong số đó lại có rất nhiều hợp đồng ngủ đông. Hiện chỉ có 18 hợp đồng đang trong giai đoạn thực hiện và 7 hợp đồng chuẩn bị thực hiện. Với tình trạng này, rất cần hệ thống chính sách ưu đãi”, ông Sơn nói.

Ưu đãi thuế không còn là lợi thế

Chia sẻ những khó khăn mà Phó tổng giám đốc PVN nêu ra, song các đại biểu Quốc hội và chuyên gia dường như chưa yên tâm với các chính sách mới, hướng tới mục tiêu cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí ở lần sửa đổi này, nhất là quy định về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí (bao gồm các chính sách ưu đãi thuế, thu hồi chi phí), một trong 6 chính sách lớn tại Dự thảo luật.

Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc xác định các lô dầu khí được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt (giao Chính phủ quy định chi tiết).

Đối với các lô dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, Dự thảo Luật quy định mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25% (Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành chưa quy định mức thuế suất này), thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 5% (nằm trong khung thuế suất thuế xuất khẩu theo quy định) và mức thu hồi chi phí tối đa 80% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, đề xuất này dựa trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo chính sách của một số nước trong khu vực có hoạt động dầu khí tương đồng với Việt Nam. Cụ thể, mức thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Thái Lan là 20%, Malaysia 25%, Trung Quốc 25%, Myanmar 30%; mức thu hồi chi phí (tối đa) của Malaysia là 75%, Indonesia 90%.

Tuy nhiên, phần đánh giá tác động của chính sách này khá sơ sài. Theo đó, tác động tích cực về kinh tế là, việc bổ sung, sửa đổi các quy định nêu trên không làm phát sinh chi phí, các quy định bổ sung/sửa đổi sẽ thu hút nhà thầu đầu tư vào hoạt động dầu khí (ký thêm được các hợp đồng dầu khí mới), đem lại lợi ích cho nhà đầu tư, đóng góp cho ngân sách nhà nước, góp phần phát triển ngành dầu khí, thực hiện được chiến lược an ninh năng lượng của quốc gia.

Chuyên gia Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tình trạng hợp đồng mới quá ít, nhiều hợp đồng cũ thì sắp hết hạn có nhiều lý do, nhưng theo đánh giá của một số doanh nghiệp, chính sách thuế kém hấp dẫn. Đề xuất mới với thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25% thì vẫn cao hơn các nước, đây là điểm cần cân nhắc.

Một số ý kiến khác thì cho rằng, cần có gói ưu đãi đủ hấp dẫn mà không quá lệ thuộc vào công cụ thuế.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Phan Đức Hiếu nhận định, nếu Việt Nam chỉ quy định chính sách ưu đãi bằng các nước thì cũng là đi sau, vì khi luật sửa đổi được ban hành, các nước khác có thể đã tăng mức ưu đãi lên.

Đó là chưa kể, với chuyển động của chính sách thuế toàn cầu thì ưu đãi về thuế tại dự thảo luật không còn là lợi thế. Bởi vậy, ông Hiếu cho rằng, phải có gói cơ chế ưu đãi đặc biệt theo nhu cầu của nhà đầu tư, mà ở đó hai bên đều tìm thấy lợi ích chung.

Thừa nhận ưu đãi thuế không còn nhiều lợi thế như đại biểu Phan Đức Hiếu phân tích, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) thông tin, tới đây sẽ nghiên cứu và có bộ ưu đãi khác, nhưng hiện tại, công cụ thuế vẫn còn tác dụng. Vì thế, Chính phủ đã cân nhắc kỹ, trong khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp chưa sửa được, thì trước mắt, cần đưa ưu đãi thuế vào Luật Dầu khí (sửa đổi) để có thể áp dụng được ngay.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, sẽ trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

Quy định nhiều nội dung đặc thù tại 6 nhóm chính sách

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 9 chương, 56 điều, kế thừa các điều khoản cơ bản của của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, hiệp định đã ký kết (đang có hiệu lực).

Nội dung của dự thảo Luật tập trung quy định những nội dung đặc thù trong lĩnh vực dầu khí với 6 nhóm chính sách.

Một là, về bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí.

Hai là, quy định về điều tra cơ bản việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý.

Ba là, quy định về ưu đãi đầu tư dầu khí và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí.

Bốn là, quy định các bước triển khai dự án trong hoạt động dầu khí.

Năm là, quy định công tác kế toán, quyết toán, kiểm toán và xử lý chi phí hoạt động dầu khí.

Sáu là, quy định khung cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*