Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 của Mỹ tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 40 năm qua. Ảnh: AFP |
Deutsche Bank là ngân hàng lớn đầu tiên trên thế giới chính thức nhận diện cuộc gọi suy thoái của Mỹ, phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng rằng Fed với nỗ lực chống lạm phát của mình sẽ hãm phanh nền kinh tế Mỹ đến mức vô tình chấm dứt sự phục hồi của nền kinh tế này chỉ mới bắt đầu hai năm qua.
Nhóm chuyên gia kinh tế của ngân hàng Đức Deutsche Bank do ông Matthew Luzzetti dẫn đầu, nhận định: “Chúng tôi không còn thấy Fed đạt được mục tiêu hạ cánh mềm nữa. Thay vào đó, chúng tôi dự đoán rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay hơn sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái”.
Dự báo trên được Deutsche Bank đưa ra trong bối cảnh lạm phát Mỹ tăng nóng nhất trong 40 năm qua. Theo Cơ quan Thống kê Lao động của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2022 đã tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 40 năm qua.
Hơn nữa, hy vọng mong manh về lạm phát Mỹ sẽ nhanh chóng hạ nhiệt đã bị dập tắt, một phần do chiến sự Nga – Ukraine đã thổi bùng giá dầu mỏ, khí đốt và lương thực thế giới.
Áp lực lạm phát ngày càng gia tăng, làm dấy lên lo ngại rằng Fed sẽ phải nhanh chóng tăng lãi suất để kiểm soát giá cả. Trước đó, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, phát biểu tại Hội nghị chính sách kinh tế thường niên của Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia Mỹ (NABE) diễn ra vào cuối tháng 3 rằng cơ quan này sẽ nhanh chóng tăng lãi suất và bình thường hóa chính sách tiền tệ.
Người đứng đầu Fed nhấn mạnh rằng cơ quan anyf cũng có thể tăng lãi suất cao hơn trong bất kỳ cuộc họp nào sắp tới, chẳng hạn như phương án tăng 0,5 điểm phần trăm.
Theo các chuyên gia Deutsche Bank, sự ổn định giá cả … chỉ có thể đạt được thông qua thực hiện chính sách tiền tệ hạn chế, tiết giảm nhu cầu một cách có ý nghĩa. Nói cách khác, Fed không thể “đạp phanh” nền kinh tế mà điều cơ quan này sẽ thực sự làm là làm chậm nền kinh tế.
Bà Lael Brainard, thành viên Hội đồng Thống đốc Fed, cho rằng Fed sẽ cần “nhanh chóng” thu hẹp bảng cân đối kế toán và “có phương pháp” tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát. “Điều tối quan trọng là hạ nhiệt lạm phát”, bà Lael Brainard nhấn mạnh.
Mặc dù Deutsche Bank cảnh báo rằng có “sự không chắc chắn đáng kể” xung quanh thời gian và quy mô chính xác của sự suy thoái kinh tế Mỹ, nhưng ngân hàng Đức hiện nhận thấy khả năng cao nền kinh tế Mỹ sẽ suy giảm vào quý IV/2023 và quý I/2024.
Tin tốt là Deutsche Bank không dự báo Mỹ sẽ gánh chịu một cuộc suy thoái sâu rộng và nặng nề như hai cuộc suy thoái trước đó. Thay vào đó, ngân hàng Đức dự đoán Mỹ sẽ chứng kiến một “cuộc suy thoái nhẹ”, với tỷ lệ thất nghiệp trên 5% vào năm 2024 và một lượng lớn nhân viên sẽ bị sa thải. Trong hai cuộc suy thoái trước đó, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lần lượt đạt đỉnh 10% vào năm 2009 và 14,7% vào năm 2020.
Deutsche Bank đánh giá, cuộc suy thoái sắp tới sẽ cho phép lạm phát Mỹ giảm về mục tiêu mà Fed đã đề ra. “Với tỷ lệ thất nghiệp giảm chậm sau khi đạt đỉnh, lạm phát Mỹ sẽ tiếp tục ở mức vừa phải, giảm về mục tiêu 2% của Fed vào năm 2025”, Deutsche Bank dự đoán.
Ngoài Deutsche Bank, các tổ chức tài chính khác cũng cảnh báo nguy cơ suy thoái của Mỹ ngày càng tăng, mặc dù họ hầu như không cho rằng Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái toàn bộ.
Ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty phân tích tài chính Moody’s Analytics (Mỹ) bình luận trên đài CNN vào cuối tháng trước rằng ít nhất 30% khả năng Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới. “Rủi ro suy thoái đang ở mức cao một cách khó chịu và đang tăng lên”, ông Mark Zandi nói.
Tương tự, Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs (Mỹ) đánh giá khả năng xảy ra suy thoái của Mỹ đã lên tới 35%.
“Cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với Nga, ở mức tối thiểu, sẽ làm chậm tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu – và nó rất dễ trở nên tồi tệ hơn”, ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành Ngân hàng thương mại lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase nêu trong thư gửi cổ đông vào đầu tuần này.
Giám đốc điều hành JPMorgan Chase nhắc lại rằng lịch sử cho thấy lệnh cấm vận dầu mỏ năm 1973 đã đẩy giá năng lượng tăng chóng mặt và đẩy thế giới vào suy thoái.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, lập luận rằng trong quá khứ đã có những lần Fed đã thực hiện được chính sách hạ cánh mềm, tức là chống lạm phát bằng cách tăng lãi suất mà không gây ra suy thoái. Ông Jerome Powell dẫn chứng chính sách chống lạm phát các năm 1965, 1984 và 1994 đã phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, người đứng đầu Fed thừa nhận rằng không có gì đảm bảo rằng những thành tích trên sẽ lặp lại. “Không ai nghĩ rằng sẽ dễ dàng hạ cánh mềm trong bối cảnh hiện nay”, ông Jerome Powell nói thêm.
Để lại một phản hồi