Loạt Chủ tịch tung tiền mua “đỡ giá” giữa lúc nước sôi lửa bỏng, có cổ đông lớn lại ồ ạt bán khi cổ phiếu đã rớt giá 40%

Chủ tịch tung tiền đỡ giá cổ phiếu

Mới đây nhất, ông Nguyễn Xuân Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã: NLG) và vợ ông là bà Nguyễn Thị Bích Ngọc đã đăng ký mua vào 4 triệu cổ phiếu NLG.

Cụ thể, từ 29/04-28/05, ông Quang đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu NLG nhằm nâng sở hữu lên hơn 45.45 triệu cổ phiếu, tương ứng 11.87% vốn.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc đăng ký mua 3 triệu cp NLG từ 28/04-27/05. Nếu giao dịch thành công, bà Ngọc sẽ nâng sở hữu lên gần 19 triệu cổ phiếu, tương ứng 4.9% vốn.

Ngay sau khi thông tin mua vào cổ phiếu này được công bố, NLG đã tăng trần sau đà giảm sâu vừa qua. Cụ thể, NLG đã mất 20 giá, tức giảm 33%.

Năm 2022 được xem là cột mốc lớn của NLG khi công ty kỷ niệm 30 năm phát triển sau nhiều thăng trầm của thị trường bất động sản. Nhằm thực hiện tầm nhìn 2021-2030, đồng thời đánh dấu son cho cột mốc 30 năm, NLG đặt mục tiêu doanh thu và lãi ròng 2022 lần lượt là 7.151 tỷ đồng và 1.206 tỷ đồng, tăng 37% và 13% so với năm trước.

Trước đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lương Trí Thìn của Tập đoàn Đất Xanh đã đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu từ ngày 27/4 đến ngày 26/5. Mục đích của ông là tăng tỷ lệ sở hữu. Nếu giao dịch thành công, ông Thìn sẽ nâng sở hữu lên 109,8 triệu cổ phiếu, chiếm 18% vốn của doanh nghiệp.

Hành động này của ông Thìn được cho là một màn đỡ giá giữa bối cảnh DXG giảm giá 30% trong tháng 4. Đặc biệt, nhiều tin đồn bủa vây tập đoàn do có nhiều liên quan đến lãnh đạo cấp cao sau khi ông Lương Trí Thìn từ nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị của Đất Xanh Services.

Ngay sau đó, Đất Xanh đã phải lên tiếng cho biết: “Những ngày gần đây trên thị trường có một số thông tin không chính xác, gây hiểu nhầm cho một số nhà đầu tư và cổ đông liên quan đến nội dung Tập đoàn cơ cấu lại thành viên Hội đồng quản trị tại Dat Xanh Services trước thềm Đại hội cổ đông sắp tới.

Hướng đến thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp theo mô hình holdings, một nhân sự không kiêm nhiệm quá nhiều vị trí, việc Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn lại kiêm thành viên Hội đồng quản trị công ty thành viên gây bất cập trong công tác quản lý, ông Lương Trí Thìn và ông Hà Đức Hiếu sẽ không tiếp tục giữ vị trí thành viên Hội đồng quản trị Dat Xanh Services (DXS), kể từ ngày 23/4, để tập trung công tác chiến lược phát triển tập đoàn…”.

Về kinh doanh, DXG dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu thuần hợp nhất 11.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế (LNST) thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.400 tỷ đồng, tăng gần 21% so với thực hiện năm 2021. Cổ tức năm 2022 dự kiến 20%.

Trong tháng 4, cổ phiếu GEX của Tập đoàn Gelex giảm giá tới 39%, là một trong những cổ phiếu có biên độ giảm mạnh nhất của VN-Index tháng 4. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Văn Tuấn đã đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu GEX để nâng tỷ lệ sở hữu. Phương thức giao dịch là thoả thuận và/hoặc khớp lệnh theo quy định của pháp luật, thời gian dự kiến thực hiện giao dịch từ ngày 25/4/2022 đến ngày 24/5/2022.

Nếu giao dịch thành công, số cổ phiếu GEX thuộc sở hữu của ông Tuấn sẽ tăng từ 192,3 triệu cổ phiếu (tương ứng 22,58% cổ phần) lên 202,3 triệu cổ phiếu (tương ứng 23,75% cổ phần).

Giá cổ phiếu GEX giảm trong bối cảnh xuất hiện nhiều tin đồn và diễn biến xấu của thị trường chứng khoán. Dù cho vào ngày 12/4, Tập đoàn GELEX đã lên tiếng trấn an nhà đầu tư và khẳng định hoạt động của công ty vẫn diễn ra như thường lệ cũng như đối tượng tung tin đồn đã bị khởi tố, nhưng trước áp lực từ diễn biến của thị trường chứng khoán, cổ phiếu GEX vẫn liên tục giảm mạnh.

Năm 2022, Gelex đạt mục tiêu doanh thu 36.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.618 tỷ đồng, tăng lần lượt 26% và 27,2% so với thực hiện 2021. Tập đoàn tiếp tục theo đuổi chiến lược tăng trưởng các mảng kinh doanh cốt lõi thông qua hoạt động M&A (qua Gelex mẹ và các đơn vị thành viên). Ngoài ra, Gelex cho biết sẽ tiến hành niêm yết hoặc đăng ký giao dịch với cổ phần tại Gelex Hạ tầng và tăng vốn, đăng ký niêm yết với cổ phần Gelex Electric khi cần thiết trên cơ sở Tập đoàn mẹ vẫn nắm tỷ lệ chi phối (Gelex Electric đã giao dịch trên UpCoM vào 8/3/2022).

Quý 1/2022, doanh thu thuần của Gelex đạt 8.645 tỷ đồng, cao gấp gần 2 lần so với cùng kỳ. Sau khi trừ giá vốn lãi gộp đạt 1.830 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần so với quý 1/2021. Biên lãi gộp cải thiện từ 11,7% lên 21,2%. Gelex lãi sau thuế 694 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần cùng kỳ.

Hành động mua vào của các vị Chủ tịch Hội đồng quản trị hay lãnh đạo doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường “nước sôi lửa bỏng” và cổ phiếu rớt giá sâu được xem là hành động đỡ giá cần thiết, tác động tới tâm lý của nhà đầu tư, tránh hoảng loạn bán tháo cổ phiếu.

Cổ phiếu rớt giá 40% cổ đông lớn vẫn bán

Công ty cổ phần Kinh doanh Địa ốc Him Lam – cổ đông lớn của Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (mã: DIG) vừa thông báo đã hoàn tất bán ra 4,2 triệu cổ phiếu DIG. Giao dịch thực hiện trong 2 ngày 18-19/4 với giá trị ước tính tối thiểu 280 tỷ đồng. Động thái này diễn ra chỉ ít ngày sau khi tổ chức này bán gần 4 triệu cổ phiếu DIG trong phiên nằm sàn 15/4.

Thời gian gần đây, Him Lam liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu DIG với tần suất ngày càng dày đặc qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống mức 5,86% (tương ứng 29,3 triệu cổ phiếu). Với đà bán như hiện tại, không loại trừ khả năng Him Lam sẽ sớm rời ghế cổ đông lớn DIG, thậm chí có thể thoái sạch vốn.

Đà bán mạnh của Him Lam diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu DIG lao dốc. Do đó, việc bán ra ồ ạt của cổ đông lớn khiến cho DIG càng rơi sâu hơn do tâm lý cổ đông đang yếu. Hiện DIG đã mất giá gần 40% trong tháng 4.

https://babfx.com/loat-chu-tich-tung-tien-mua-do-gia-giua-luc-nuoc-soi-lua-bong-co-co-dong-lon-lai-o-at-ban-khi-co-phieu-da-rot-gia-40-20220427094628133.chn

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*