Mùa đại hội đồng cổ đông: Xu hướng “bộ ba hoàn hảo” lên ngôi

Nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng tinh thần hợp tác để cùng bổ sung thế mạnh và cùng phát triển.

Game mua bán, sáp nhập, thâu tóm

Gần đây, nhóm 42 cổ đông, trong đó có tên tuổi liên quan Louis Holding, bất ngờ gửi thư kiến nghị lên HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (Địa ốc Hoàng Quân, mã chứng khoán HQC) về việc hoãn tổ chức Đại hội đồng cổ đông. Diễn biến thông tin sau đó dần khiến thị trường nhận ra game mua bán, sáp nhập (M&A) có thể diễn ra ở công ty này.

Giá cổ phiếu HQC bởi vậy có nhiều phiên tăng trần, cũng có những phiên biến động trần sàn với khối lượng khớp rất lớn. Nếu không có các thông tin trên, với tình hình kinh doanh èo uột, giá cổ phiếu này có lẽ vẫn mãi ở vùng “trà đá”, khó leo lên mệnh giá như hiện nay (đạt 8.700 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 4/4).

Hiện nay, tỷ lệ sở hữu của nhóm các cổ đông trên là hơn 10% (vừa đủ để có quyền đề cử nhân sự vào HĐQT). Nhưng nhiều nguồn tin cho rằng, nhóm các cổ đông cá nhân này đã ủy quyền cho Louis Holding lên tỷ lệ có thể phủ quyết (trên 35%).

Chưa rõ mục tiêu của nhóm các cổ đông này tại Địa ốc Hoàng Quân là M&A doanh nghiệp, sau đó cải thiện về quản trị công ty, vận hành, hay đơn thuần là game tài chính. Thông tin này sẽ được giải đáp phần nào ở Đại hội đồng cổ đông công ty này. Song thị trường đánh giá, game tại đây chỉ đang dừng ở mức độ thu hút dòng tiền đầu cơ.

Trên thị trường, có nhiều thông tin đồn đoán tương tự giúp giá cổ phiếu tăng vọt, nhưng kết quả sau cùng tới giờ… chưa có. Chẳng hạn tin đồn Sun Group và TMS Group nhảy vào thâu tóm Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Trung Nam (mã chứng khoán VHG) với mục đích lấy quỹ đất tiềm năng. Tin đồn này xuất phát từ việc đổi tên, chuyển hướng ngành nghề kinh doanh cốt lõi thành bất động sản của Việt Trung Nam, đồng thời nghiên cứu Dự án bất động sản sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng Tây Bà Nà (Quảng Nam).

Sự thật chưa thấy đâu, nhưng giá cổ phiếu VHG từng tăng từ vùng 7.000-8.000 đồng/cổ phiếu lên vùng đỉnh hơn 13.000 đồng, sau đó có những phiên rung lắc mạnh và ở mức 9.800 đồng/cổ phiếu trong phiên ngày 4/4. Đây chỉ là deal riêng lẻ, nhưng là minh chứng điển hình cho thấy, thông tin về game thâu tóm, M&A có thể giúp thu hút dòng tiền đầu cơ trên thị trường.

Xu hướng “bộ ba hoàn hảo”

Trên thực tế, đứng trước nhu cầu mới với động lực phát triển mạnh mẽ hơn, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng tinh thần hợp tác, có thể là M&A, có thể là trở thành đối tác chiến lược với tỷ lệ sở hữu vài chục % – để cùng bổ sung thế mạnh và cùng phát triển. Xu hướng này nở rộ hơn từ năm 2021 trở lại đây.

Điển hình là Bamboo Capital với những thương vụ M&A, thương vụ hợp tác (thành cổ đông lớn) để hoàn thiện hệ sinh thái đa ngành, như thương vụ M&A bảo hiểm AAA; hay mối quan hệ hợp tác chặt chẽ BCG – TPbank – TPS, góp phần hỗ trợ Bamboo Capital thành công trong các thương vụ huy động vốn trái phiếu.

Trong mối quan hệ ba bên nêu trên, TPBank là một trong những ngân hàng tài trợ chục ngàn tỷ đồng cho các dự án năng lượng tái tạo của Bamboo Capital. Sắp tới, TPS – đơn vị đồng hành cùng BCG Land (thành viên của Bamboo Capital) trong các thương vụ trái phiếu, cũng sẽ tư vấn IPO cho BCG Land. Việc đồng hành trên chặng đường dài và thấu hiểu thế mạnh, lợi thế mang lại những hợp tác hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, bộ ba BCG Land, Tracodi và Vinahud hợp tác cùng phát triển dự án bất động sản. Trong đó, BCG Land và Vinahud sẽ hợp tác phát triển các dự án từ miền Trung ra miền Bắc, Tracodi đóng vai trò tổng thầu quản lý thi công các dự án này. Mới đây, tại Đại hội đồng cổ đông 2022 Vinahud, cá nhân lãnh đạo BCG Land, TPBank, TPS, bảo hiểm AAA đều trúng cử vào HĐQT Vinahud.

Trong ngành nước, Biwase (mã chứng khoán BWE) công bố thông tin sẽ mua lại 2 nhà máy nước Cần Thơ. Theo nguồn tin của người viết, khả năng cao BWE sẽ mua lại từ một đại gia ngành nước khác và kỳ vọng sẽ phát huy được hiệu quả, bởi đội ngũ lãnh đạo và nhân sự của Biwase có thể xem là những chuyên gia trong ngành, am hiểu và quản trị tốt.

Hay với thương vụ Siba Holding trở thành cổ đông lớn của Nông nghiệp BAF (mã chứng khoán BAF) sở hữu hơn 20,5%, vừa qua, Siba Holding đã cử Chủ tịch là ông Trương Sỹ Bá vào HĐQT BAF, giữ chức danh Chủ tịch. Một mối quan hệ hợp tác cộng sinh cùng phát triển mới được hình thành trên thị trường.

Tương tự, tại Nhà Thủ Đức (mã chứng khoán TDH), xuất hiện tên tuổi có kinh nghiệm đầu tư kinh doanh các lĩnh vực tài chính, bất động sản từ năm 2005 đến nay là ông Dương Ngọc Hải, tân Chủ tịch HĐQT, người từng là thành viên HĐQT Công ty cổ phần Khoáng sản Bình Dương (KSB). Thông tin thị trường còn cho rằng, nhóm Hưng Vượng Developer – tên tuổi chủ đầu tư khá mới trên thị trường bất động sản – đã nắm phần lớn cổ phần Nhà Thủ Đức, dù thông tin chính thống và danh sách cổ đông lớn hiện chưa thể hiện điều này.

Theo đó, Đại hội đồng cổ đông Nhà Thủ Đức dự kiến có nhiều câu hỏi chất vấn về mối quan hệ trên và sự hợp tác, kế hoạch phát triển tiếp theo. Còn hiện nay, cổ đông công ty này vẫn chịu cảnh cổ phiếu bị vào diện kiểm soát đặc biệt và việc thoát khỏi diện này tùy thuộc vào ý chí cùng quyết tâm của HĐQT mới.

Những cái bắt tay hợp tác có thể đến từ bên mua – là những nhà quản trị vận hành có kinh nghiệm, kết hợp với các đối tác có nguồn lực tài chính, có khả năng huy động nguồn vốn và bên bán (thường là doanh nghiệp có tài sản tốt nhưng chưa hoạt động hiệu quả, hoặc chưa đủ nguồn lực để phát triển mạnh mẽ).

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*