Mỹ lùng sục đạn dược cho Ukraine

Cạnh đường băng một sân bay tại Ba Lan, các tài xế và nhân viên đang hối hả dỡ hàng từ vận tải cơ C-17 của không quân Mỹ và một máy bay dân sự nhỏ hơn chạy bằng động cơ cánh quạt. Chúng sẽ sớm được chuyển sang đoàn xe tải đang đỗ rải rác gần sân bay, với điểm đến cuối cùng là Ukraine, nơi chiến sự đã kéo dài hơn hai tháng qua.

Bên trong những thùng gỗ chuyển xuống từ máy bay là các hộp đạn màu xanh dương. Một phần số đó do Mỹ sản xuất, số còn lại được mang đến từ các nước Đông Âu.

Lầu Năm Góc phần lớn rút vũ khí do Mỹ sản xuất từ kho của mình để chuyển cho Ukraine. Tuy nhiên, Kiev không chỉ cần Washington hỗ trợ vũ khí Mỹ. Phần lớn khí tài mà quân đội Ukraine đang sử dụng được thiết kế từ thời Liên Xô, sử dụng loại đạn khác hoàn toàn so với chuẩn NATO.

Để đáp ứng nhu cầu của Kiev, Lầu Năm Góc phải nhờ các nhà thầu quốc phòng lùng sục từ những nhà máy vũ khí khắp Đông Âu, đặt mua những loại khí tài, đạn dược phù hợp rồi chuyển vào Ukraine bằng lộ trình bí mật.

Giới chức Mỹ đến nay chỉ thừa nhận sử dụng sân bay “gần biên giới Ukraine” tại Đông Âu, nhưng từ chối tiết lộ cụ thể địa điểm, làm nơi tập kết viện trợ vũ khí cho nước này, theo CNN.

Máy bay chở đạn và vũ khí từ Mỹ hạ cánh tại sân bay Boryspil ở thủ đô Kiev của Ukraine vào tháng 1, trong đó có 300 tên lửa chống tăng Javelin. Ảnh: NY Times.

Máy bay chở đạn và vũ khí từ Mỹ hạ cánh tại sân bay Boryspil ở thủ đô Kiev của Ukraine hồi tháng 1, trong đó có 300 tên lửa chống tăng Javelin. Ảnh: NY Times.

Ukraine vẫn sử dụng nhiều vũ khí tương tự quân đội Nga, điển hình là súng AK, sử dụng loại đạn 7,62 mm, trong khi súng trường NATO dùng đạn cỡ 5,56 mm. Sau hơn hai tháng giao tranh, nguồn lực vũ khí, đạn dược của Ukraine đã tiêu hao đáng kể.

Dù truyền thông quốc tế thường chú ý vào các khí tài hiện đại mà phương Tây viện trợ cho Ukraine, như tên lửa chống tăng Javelin hay tên lửa phòng không vác vai Stinger, Kiev còn cần giải quyết bài toán bổ sung đạn cho kho vũ khí “phi phương Tây” nhưng giữ vai trò chủ lực trong biên chế.

Lầu Năm Góc gọi chúng là “đạn khác chuẩn”, bao gồm đạn cho các loại súng máy, súng trường, pháo và rocket theo chuẩn Liên Xô. Những loại đạn này vốn không phù hợp với vũ khí do Mỹ và nhiều nước đồng minh sản xuất. Ở chiều ngược lại, vũ khí do Liên Xô thiết kế cũng không sử dụng “đạn tiêu chuẩn NATO”.

Từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, Lầu Năm Góc đã bắt đầu đặt mua số lượng lớn vũ khí và đạn “khác chuẩn” nhằm hỗ trợ các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn ở Afghanistan, Iraq, Syria cùng một số nước vẫn sử dụng chủ yếu vũ khí do Liên Xô thiết kế.

Quá trình thu mua được thực hiện thông qua mạng lưới nhà thầu quốc phòng Mỹ, trong đó có tập đoàn Ultra Defense. Doanh nghiệp này đặt trụ sở ở hạt Tampa, bang Florida, nhưng có mạng lưới trải khắp Đông Âu, làm ăn với hàng loạt nhà máy tại Romania, Bosnia, Serbia, Slovakia, Czech và Bulgaria.

Matthew Herring, giám đốc Ultra Defense, ước tính 6 nước này cung ứng khoảng 90% tổng số lượng đạn dược “khác chuẩn” được Lầu Năm Góc mua. Ông lưu ý công ty chỉ nhận thầu một phần nhỏ trong danh sách đặt hàng từ chính phủ Mỹ.

Chương trình thu mua đạn dược khác chuẩn được Lầu Năm Góc xây dựng sau khi báo chí Mỹ năm 2008 phát hiện một số nhà thầu mua vũ khí do Trung Quốc sản xuất rồi bán lại cho quân đội Mỹ để cung cấp cho đồng minh tại Afghanistan. Hoạt động này vi phạm lệnh cấm vận mua bán vũ khí với Trung Quốc do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt từ năm 1989.

Sau vụ bê bối, Lầu Năm Góc bắt đầu ký hợp đồng với những doanh nghiệp quốc phòng lớn để cung cấp đạn “khác chuẩn” cho Afghanistan. Chương trình dần được mở rộng và cho phép những công ty nhỏ như Ultra Defense tham gia đấu thầu.

Herring mua lại Ultra Defense vào năm 2011. Khi đó, công ty có ba nhân sự, thầu mua trực thăng do Nga sản xuất để chính phủ Mỹ cung cấp sang Afghanistan. Nhân sự công ty giờ đây tăng lên 60 người.

Sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, cát bụi vùng đất Trung Á giờ chỉ còn là dĩ vãng. Lịch trình của Herring giờ đây là những chuyến đi đến Ba Lan, họp cùng quan chức Ukraine, tìm hiểu công ty ông còn có thể cung cấp thêm cho Ukraine những loại đạn nào từ các đối tác Đông Âu.

“Một tháng trước, khi Kiev bị bao vây, câu hỏi được đặt ra là: Chúng tôi cần những gì trong vòng 48 giờ tới. Các lực lượng Ukraine giờ đây đang chuẩn bị cho chiến sự kéo dài và bài toán được đổi thành: Làm sao chúng tôi kiếm đủ đạn để cầm cự trong cuộc đấu này”, Herring chia sẻ. “Nhu cầu của họ lúc này mang tầm nhìn dài hạn hơn trước”.

Tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ viện trợ đến Ukraine được chuyển lên xe tải ở Kiev vào tháng 2. Ảnh: AFP.

Tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ viện trợ cho Ukraine được chuyển lên xe tải ở Kiev hồi tháng 2. Ảnh: AFP.

Hạ nghị sĩ Jason Crow, thành viên Ủy ban Quân vụ và Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, tuần qua cảnh báo kho đạn của Ukraine “sẽ cạn kiệt nhanh chóng” với diễn biến chiến sự hiện nay. Ông nhận định quân đội Ukraine trong tương lai sẽ cần chuyển sang vũ khí tiêu chuẩn NATO để đảm bảo nguồn lực chiến đấu lâu dài.

Quá trình này cũng cho phép Kiev tận dụng số vũ khí và đạn dược được cất trong các kho quân khí của Mỹ và đồng minh ở châu Âu.

Sự chuyển dịch đang được tăng tốc. Lầu Năm Góc vừa thông báo sẽ chuyển cho Ukraine 72 khẩu pháo 155 mm từ kho của bộ binh và thủy quân lục chiến tại Mỹ. Số pháo này đủ biên chế cho 5 tiểu đoàn tác chiến.

Pháo 155 mm có uy lực tương đương loại pháo 152 mm mà Ukraine đang sử dụng. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ đang khẩn trương chuyển giao 184.000 viên đạn pháo 155 mm đến Ukraine, lấy trực tiếp từ kho vũ khí tại châu Âu.

Washington và Kiev vẫn cần đến Ultra Defense cùng những nhà thầu quốc phòng với mạng lưới rộng tại Đông Âu trong tương lai gần. Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby tuần qua nhấn mạnh đạn khác chuẩn đang là “huyết mạch” trong chiến dịch tiếp tế vũ khí cho các lực lượng vũ trang Ukraine.

“Chúng ta không nói nhiều về đạn cho súng bộ binh hạng nhẹ. Tuy nhiên, trong mọi cuộc thảo luận với giới chức Ukraine, họ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của loại đạn này”, ông chia sẻ.

Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát, Mỹ đã chuyển cho Kiev hơn 50 triệu viên đạn cho súng bộ binh, phần lớn là loại đạn cỡ 7,62 mm. Ông Kirby nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục đối thoại với đồng minh và đối tác, vận động các nước xuất kho hỗ trợ những loại đạn phù hợp với vũ khí của quân đội Ukraine.

“Điều này tác động đáng kể lên cục diện chiến trường, vì ngày nào quân đội Ukraine cũng cần sử dụng những loại đạn ấy”, ông nói.

Thanh Danh (Theo NY Times, CNN)

  • Phương Tây cấp tập bơm vũ khí hạng nặng cho Ukraine
  • Hành trình Slovakia chuyển tên lửa S-300 cho Ukraine
  • Nỗ lực phương Tây thay đổi quân đội Ukraine
  • Cuộc đua bơm vũ khí có thể định đoạt chiến sự Ukraine
  • Thế giằng co khiến xung đột Ukraine khó kết thúc sớm

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*