Ngoại trưởng Canada: Việt Nam quan trọng với chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương

“Đây là chuyến công du đầu tiên của tôi tới châu Á và tôi muốn đến Việt Nam trong chuyến thăm này”, Ngoại trưởng Canada Melanie Joly nói trong cuộc họp báo ở Hà Nội sáng 14/4. “Canada đang trong quá trình phát triển chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và chúng tôi coi Việt Nam là một đối tác rất quan trọng”.

Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương đã được Canada xây dựng trong vài năm qua và dự kiến công bố vào mùa hè năm nay. Globe and Mail, tờ báo hàng đầu Canada, hồi tháng một dẫn hai nguồn tin nói rằng chiến lược nhằm giúp Ottawa thiết lập dấu ấn ngoại giao lớn hơn ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đóng góp vào đầu tư cơ sở hạ tầng trong khu vực, cũng như thúc đẩy thương mại, chống biến đổi khí hậu, tăng cường hỗ trợ an ninh và phát triển quốc tế.

Ngoại trưởng Joly cho biết Canada muốn tăng tương tác với khu vực Thái Bình Dương và hợp tác với Việt Nam cũng như các nước ASEAN. “Chúng tôi cho rằng đó là cách tốt nhất để đảm bảo ổn định trong khu vực và sự ổn định đó sẽ giúp phát triển kinh tế, thương mại”, bà nhấn mạnh.

Chuyến thăm ngày 12-14/4 là lần đầu tiên bà Joly đến Việt Nam kể từ khi nhậm chức hồi tháng 10/2021. Ngoại trưởng Canada chia sẻ rất ấn tượng với lòng hiếu khách của người Việt.

“Trong 50 năm qua, Canada đã gắn bó với Việt Nam cả về khía cạnh kinh tế lẫn xã hội. Chúng tôi muốn đảm bảo duy trì mối quan hệ đáng tin cậy đó, đặc biệt vào thời điểm có nhiều bất ổn trên thế giới”, bà nói. “Tôi tới thăm để đảm bảo quan hệ song phương tiếp tục bền chặt và chúng ta có thể tìm ra các giải pháp cho tương lai để duy trì ổn định trong khu vực”.

Ngoại trưởng Canada Melanie Joly trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 14/4. Ảnh: Phương Vũ.

Ngoại trưởng Canada Melanie Joly trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 14/4. Ảnh: Phương Vũ.

Dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại Việt Nam – Canada đạt hơn 6 tỷ USD năm 2021, tăng gần 19% so với năm 2020.

Trong hợp tác chống Covid-19, Canada đã tặng Việt Nam 120.000 khẩu trang, hỗ trợ 3,5 triệu đôla Canada cho Quỹ ứng phó Covid-19 của ASEAN năm 2021 và hỗ trợ 700.000 đôla Canada khắc phục thiên tai ở miền Trung Việt Nam năm 2020.

Bà Joly đánh giá hai nước còn nhiều dư địa để thúc đẩy quan hệ trên nhiều mặt như ngoại giao, giáo dục, thương mại, du lịch, đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ bền chặt giữa người dân hai nước. Bà chỉ ra mỗi năm có khoảng 19.000-20.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đến Canada, đứng thứ ba về số lượng du học sinh ở nước này.

Đánh giá về hợp tác song phương trong tương lai, Ngoại trưởng Joly cho biết Canada chú ý đến tác động của biến đổi khí hậu với Việt Nam và việc Việt Nam đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Phát thải ròng bằng 0 nghĩa là cắt giảm phát thải về mức càng gần 0 càng tốt, có thể thông qua chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và năng lượng tái tạo, lượng khí thải còn lại được rừng và đại dương hấp thụ.

“Canada có rất nhiều công nghệ quan trọng có thể cung cấp giải pháp cho Việt Nam”, bà Joly khẳng định. Bà liệt kê ba điều Canada có thể cung cấp để hỗ trợ Việt Nam, gồm nguyên liệu cho công nghệ sạch, năng lượng trong quá trình chuyển đổi như khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), hydrogen, và tài chính cho các dự án năng lượng quan trọng. Canada cũng có thể hỗ trợ Việt Nam triển khai dự án điện gió.

“Những điều này sẽ tốt cho cả người dân Việt Nam lẫn Canada, vì rõ ràng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến toàn bộ hành tinh. Chúng ta phải cùng nhau tập trung vào ưu tiên đó”, Ngoại trưởng nói.

Phương Vũ

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*