Nhà đầu tư muốn cảng Liên Chiểu có thể mời gọi tàu lớn

Ảnh minh họa.
Theo thiết kế về công suất cảng Liên Chiểu mà BRG và Sumitomo đưa ra, khi được đầu tư, cảng Liên Chiểu có thể mời gọi tàu lớn ghé vào cảng, phát triển cảng phù hợp cho tàu lớn hơn.

Đây là lần làm việc thứ 2 kể từ sau biên bản ghi nhớ đầu tư giữa lãnh đạo TP. Đà Nẵng và liên danh đầu tư này tại Nhật Bản vào năm ngoái

Tiệm cận những chủ đề khả thi

Tại buổi làm việc, các vấn đề liên quan đến quy hoạch phân khu, quy hoạch đô thị cảng, phân kỳ đầu tư được phía BRG và Sumitomo đưa ra. Đó là chiến lược tách khu vực du lịch, dân cư (khu đông) và khu vực công nghiệp (khu tây); Chiến lược đáp ứng với sản lượng hàng hóa tăng lên tại khu vực miền Trung (cảng Tiên Sa gần như sắp quá tải); Chiến lược đưa nội dung chuyển đổi số vào phát triển thành phố thông minh; Chủ trương đầu tư công hợp phần hạ tầng dùng chung của cảng Liên Chiểu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3/2021.

Theo đại diện hai doanh nghiệp, mục đích của việc đầu tư cảng Liên Chiểu theo chủ trương chung của Đà Nẵng là chuyển hàng hóa từ Tiên Sa sang Liên Chiểu, loại bỏ việc vận chuyển container trong nội đô để dành không gian và diện tích tái phát triển khu vực xung quanh cảng Tiên Sa.

Đồng thời, đầu tư cảng Liên Chiểu hiện tại sẽ đảm bảo đủ không gian khi khối lượng hàng hóa tăng lên. Ngoài ra, tận dụng tối đa hạ tầng bằng việc tối ưu hóa đầu tư và hiệu quả vận hành, phân bổ, hỗ trợ chức năng giữa cảng biển và các hạ tầng khác (Cảng – Trung tâm logistics), phát triển cảng và trung tâm logistics bền vững theo định hướng tốt về môi trường, xã hội, quản trị và các tiêu chuẩn về an toàn.

Cũng theo đại diện doanh nghiệp đề xuất ý tưởng đầu tư thì thiết kế cảng Liên Chiểu dựa theo chức năng giữa cảng và trung tâm logistics. Trong đó, cảng biển tập trung vào việc vận hành phục vụ tàu, còn trung tâm logistics giữ vai trò lưu trữ hàng hóa, giao/ nhận container. Dự án cũng hướng đến cải thiện chất lượng cuộc sống và an toàn bằng phương án chuẩn bị đề phòng thảm họa thiên nhiên, chuyển khu vực trữ container sang khu vực đất liền sâu bên trong cảng. Dự án cũng hướng đến hành động chống biến đổi khí hậu theo hướng điện khí hóa, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo với nhiên liệu có hàm lượng carbon thấp, hay bằng 0…

Theo thiết kế về công suất cảng Liên Chiểu mà BRG và Sumitomo đưa ra, khi được đầu tư, cảng Liên Chiểu có thể mời gọi tàu lớn ghé vào cảng, phát triển cảng phù hợp cho tàu lớn hơn (hiện tại, cảng Liên Chiểu mới thu hút được tàu có tải trọng 2.800 TEU. Trong tương lai, sẽ đón tàu tải trọng 12.000 TEU). Điều này, theo đại diện hai đơn vị đề xuất ý tưởng đầu tư, là khả thi với vai trò là chủ hàng trong hoạt động thương mại quốc tế; Sumitomo và các công ty thành viên có mối quan hệ với các hãng tàu quốc tế thông qua các hoạt động kinh doanh khác nhau…

Những mốc thời gian

Để thể hiện quyết tâm theo đuổi đầu tư dự án quốc tế cảng Liên Chiểu, ngày 21/2/2022, Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo đã có Công văn số 122/CV-2022 gửi lãnh đạo TP. Đà Nẵng đề nghị thành lập Tổ công tác của Thành phố để cùng phối hợp với phía Tập đoàn nghiên cứu xúc tiến triển khai các dự án.

Tên cơ sở đề xuất của Tập đoàn, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng đã có Công văn số 98/XTĐT-PTDA đề xuất UBND Thành phố giao các đơn vị liên quan làm đầu mối cung cấp thông tin cho Tập đoàn tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư đối với các dự án, cụ thể: giao Sở Giao thông – Vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan làm đầu mối cung cấp thông tin cho Tập đoàn tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư đối với dự án mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng; giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan làm đầu mối cung cấp thông tin cho Tập đoàn tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư đô thị cảng biển (phân khu cảng biển); giao Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan làm đầu mối cung cấp thông tin cho Tập đoàn tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư đối với Dự án Cảng Liên Chiểu.

Vừa qua, UBND TP. Đà Nẵng thống nhất với đề xuất của Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tại Công văn số 98/XTĐT-PTDA. Theo bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, Ban đã có Công văn số 135/XTĐT-PTDA gửi Tập đoàn BRG và đối tác cung cấp đầu mối liên hệ cho Tập đoàn để xúc tiến triển khai các dự án. Về đề xuất thành lập Tổ công tác hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện Dự án cảng Liên Chiểu, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 324/QĐ-UBND về thành lập Tổ công tác liên ngành về xúc tiến và hỗ trợ đầu tư đối với các dự án trên địa bàn thành phố, trong đó có các dự án mà Tập đoàn quan tâm.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*