Những kết quả tích cực
Tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách nhà nước trong mấy năm qua ở mức trên dưới 20% và từ năm 2020 đến nay, đã giảm xuống dưới 19%. Điều đó thể hiện phương châm “khoan thư sức dân” – một phương châm quan trọng của chính sách tài khóa.
Kết quả trên đáng khích lệ và phương châm trên càng có ý nghĩa khi đạt được trong điều kiện đại dịch Covid-19 đã “bào mòn” thu nhập của các chủ thể trên thị trường, từ Nhà nước đến doanh nghiệp và người lao động. Đối với cả nước, tăng trưởng GDP bị chậm lại, thấp chưa bằng một nửa tốc độ tăng trước đại dịch. Đối với Nhà nước, thu ngân sách năm 2020 giảm 2,8%, năm 2021 chỉ tăng 3,68% và chỉ tăng 0,8% so với năm 2019.
Đối với khu vực doanh nghiệp, số doanh nghiệp gia nhập và quay lại thị trường năm 2020 tăng 1,1%, năm 2021 giảm 10,6%, số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường năm 2020 tăng 14%, năm 2021 tăng 17,8%. Đối với người lao động, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm tăng từ 1,27% (năm 2019) lên 2,52% (năm 2020) và 3,1% (năm 2021).
Những kết quả trên tiếp tục đạt được trong quý I/2022, khi tổng thu ngân sách 460.500 tỷ đồng, đạt 32,6% dự toán cả năm – cao hơn so với tỷ lệ trung bình của một quý (25%). Trong đó, thu nội địa đạt 31,9% dự toán năm và tăng 4% so với cùng kỳ; thu từ dầu thô đạt 52,3% và tăng 67,6%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 35,5% dự toán và tăng 23,3%.
Kỳ vọng trong thời gian tới
Kết quả của quý I là tín hiệu khả quan để vượt dự toán cả năm và tăng so với năm trước. Tăng trưởng kinh tế đạt khá (5,03%), trong đó tăng trưởng đạt được ở cả 3 nhóm ngành.
Số doanh nghiệp gia nhập thị trường và quay lại thị trường cao hơn số ra khỏi và tạm thời ra khỏi thị trường (60.200 doanh nghiệp, tăng 36,7% so với 51.300 doanh nghiệp, tăng 27,2%). Tính ra số doanh nghiệp đang hoạt động tăng thêm cao hơn gấp đôi cùng kỳ (8.900 so với 3.700). Tỷ lệ lao động thất nghiệp và thiếu việc làm giảm.
Cùng với đó, dầu thô có giá cao hơn khi lập dự toán và tăng so với cùng kỳ. Xuất khẩu và nhập khẩu tăng khá (xuất khẩu tăng 12,9%, nhập khẩu tăng 15,9%).
Kết quả của quý I và khả năng đạt được trong cả năm 2022 là tiền đề và tín hiệu khả quan để thực hiện mục tiêu của chiến lược tài chính với một số chỉ tiêu chủ yếu:
Tỷ lệ huy động vào ngân sách so với GDP năm 2025 đạt ít nhất 16%, giai đoạn 2026 – 2030 đạt 16 -17%. Trong đó, thu từ thuế phí giai đoạn 2021 – 2025 đạt 13 – 14%, giai đoạn 2026 – 2030 đạt 14 – 15%. Tỷ trọng thu nội địa/tổng thu giai đoạn 2021 – 2025 đạt 85-86%, giai đoạn 2026-2030 là 86 – 87%. Tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi giai đoạn 2021-2025 là 62- 63%, giai đoạn 2026-2030 là 60%.
Tỷ trọng chi đầu tư phát triển/GDP 2021 – 2025 đạt 28%, 2026 – 2030 đạt 29%. Bội chi/GDP 2021 – 2025 là 3,7%, 2026 – 2030 là 3%. Trần nợ công/GDP 2021 – 2025 dưới 60%, 2026 – 2030 không quá 60%. Nợ Chính phủ/GDP 2021 – 2025 là 50%, 2026-2030 là không quá 50%; nợ nước ngoài/GDP 2021 – 2025 là 50%, 2026 -2030 là 45%.
Để đạt được kỳ vọng, cần nhiều giải pháp, trong đó có một số giải pháp chủ yếu. Tăng trưởng GDP cao lên và đạt quy mô lớn hơn, bởi tỷ lệ động viên tài chính trước hết phụ thuộc vào quy mô GDP. Tỷ lệ động viên còn phụ thuộc vào hành thu. Việc hành thu có một số điểm lưu ý.
Theo ký kết các hiệp định thương mại (FTA), thuế suất thuế xuất nhập khẩu sẽ giảm do tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, nên việc khai khoáng có xu hướng giảm hoặc tăng rất thấp. Với phương châm “khoan thư sức dân”, thuế suất nội địa cũng có xu hướng giảm, trong khi chi ngân sách có xu hướng “nuôi dưỡng nguồn thu”. Tuy nhiên, cần kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp trốn thuế, gian lận thương mại.
Để lại một phản hồi