Singapore treo cổ tử tù Malaysia

Gia đình của Nagaenthran K. Dharmalingam và các nhà vận động chống án tử hình xác nhận Nagaenthran K. Dharmalingam bị thi hành án tử hình sáng sớm 25/4, sau cuộc chiến pháp lý kéo dài. Nagaenthran từng được hoãn thi hành án hồi tháng 11 năm ngoái do mắc Covid-19.

“Thật không thể tin được rằng Singapore vẫn thực thi bản án bất chấp những kêu gọi của cộng đồng quốc tế để tha mạng cho em tôi”, chị gái của Nagaenthran nói với phóng viên tại Malaysia hôm nay. “Chúng tôi vô cùng đau buồn và gia đình đang bị sốc”.

Nagaenthran, công dân Malaysia 34 tuổi, bị kết án tử hình năm 2010 vì mang 42,7 gram heroine vào Singapore. Chỉ số IQ của người này là 69, mức được quốc tế công nhận thiểu năng trí tuệ, song tòa án Singapore cho rằng Nagaenthran nhận thức được hành vi của mình khi phạm luật.

Các nhà hoạt động cầm ảnh Nagaenthran K. Dharmalingam trong cuộc biểu tình phản đối án tử hình đối với anh này tại Kuala Lumpur, Malaysia hôm 23/4. Ảnh: AFP.

Các nhà hoạt động cầm ảnh Nagaenthran K. Dharmalingam trong cuộc biểu tình phản đối án tử hình đối với anh này tại Kuala Lumpur, Malaysia hôm 23/4. Ảnh: AFP.

Sau khi Nagaenthran được một hội đồng bác sĩ tâm thần độc lập giám định, tòa án Singapore đã bác đơn kháng cáo của tử tù này.

“Không có bằng chứng hợp lý về bất kỳ sự suy giảm nhận thức nào của người kháng cáo khi thực hiện hành vi phạm tội”, chánh án Sundaresh Menon tháng trước ra phán quyết.

Các luật sư của Nagaenthran và các nhóm đấu tranh để cứu anh này cho rằng Singapore vi phạm luật pháp quốc tế khi hành quyết một người “thiểu năng trí tuệ”. Tuy nhiên, tất cả nỗ lực kháng cáo pháp lý và kiến nghị để Nagaenthran được khoan hồng đều không thành công.

Khi bác đơn kháng cáo của Nagaenthran năm 2018, tòa phúc thẩm lập luận Nagaenthran vận chuyển ma túy “để trả nợ”, anh ta biết điều đó bất hợp pháp nên đã “giấu gói heroin bằng cách buộc nó vào đùi trái”. Ngoài ra, Nagaenthran “liên tục thay đổi lời khai về trình độ học vấn mỗi lần bị thẩm vấn, dường như để cho thấy trình độ học vấn thấp hơn”.

“Đây là tư duy tội phạm, cân nhắc những rủi ro và lợi ích liên quan đến hành vi phạm tội. Nagaenthran đã cân nhắc rủi ro khi vận chuyển ma túy, tính toán đến số tiền anh ta hy vọng nhận được và quyết định chấp nhận rủi ro”, Bộ Nội vụ Singapore ra tuyên bố hồi năm 2018.

Luật pháp Singapore có những quy định nghiêm ngặt nhất trên thế giới về hành vi phạm tội liên quan đến ma túy. Đạo luật Lạm dụng Ma túy quy định hành vi buôn bán 15 gram heroin sẽ bị tuyên án tử hình.

Tháng 11/2019, Singapore ra tuyên bố nhấn mạnh quyền chủ quyền trong việc áp dụng án tử hình đối với tội phạm buôn ma túy và yêu cầu các nước khác tôn trọng luật pháp nước này. “Luật pháp Singapore bình đẳng với tất cả mọi người, bất kể tội phạm trong nước hay nước ngoài. Người ngoại quốc vi phạm pháp luật Singapore phải chấp nhận án phạt và không thể mong chờ được đối xử khác”, tuyên bố có đoạn.

Tháng trước, Singapore cũng thi hành án tử hình đối với Abdul Kahar Othman, 68 tuổi, quốc tịch Singapore, bị kết án năm 2015 vì tội buôn ma túy. Đây là án tử hình đầu tiên được thi hành ở Singapore trong hơn 2 năm qua, sau khi biện pháp thi hành án này bị ngừng do đại dịch Covid-19.

Bản án với Kahar được thực hiện bất chấp các nhà hoạt động, trong đó có cả văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, kêu gọi giới chức Singapore giảm án cho người này xuống tù chung thân.

Huyền Lê (Theo AFP, SCMP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*