Tham vọng thịnh vượng chung của Trung Quốc phai nhạt

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm ngoái liên tục thúc đẩy một chương trình nghị sự quan trọng, được biết đến với tên gọi mục tiêu “thịnh vượng chung”, nhằm phân phối lại của cải xã hội, vì lo ngại rằng một bộ phận nhỏ dân số nước này đã hưởng lợi quá nhiều từ quá trình phát triển bùng nổ của nền kinh tế.

“Thịnh vượng chung” trở thành động lực cho nhiều chính sách của ông Tập, trong đó có chiến dịch nhắm vào các tập đoàn công nghệ khổng lồ được coi là đã lợi dụng sức mạnh thị trường của mình để gia tăng lợi nhuận.

Dù nỗ lực chấn chỉnh ngành công nghệ vẫn tiếp tục diễn ra, những phần khác của chương trình thịnh vượng chung đang dần trở nên mờ nhạt, khi Trung Quốc trong năm nay đối mặt với tăng trưởng kinh tế chậm lại, buộc Bắc Kinh phải thay đổi ưu tiên chính sách của mình.

Năm ngoái, cụm từ “thịnh vượng chung” dường như xuất hiện ở khắp mọi nơi, trên các phương tiện truyền thông nhà nước, trường học hay trong các bài phát biểu của ông Tập cùng những quan chức chính quyền khác. Trong nghị quyết lịch sử được thông qua tại hội nghị trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11/2021, cụm từ này được nhắc đến 8 lần.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu gửi cho Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc lần thứ ba ở Thượng Hải tháng 11/2020. Ảnh: Xinhua.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu gửi cho Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc lần thứ ba ở Thượng Hải tháng 11/2020. Ảnh: Xinhua.

Năm nay, trong báo cáo về công tác chính phủ dài 17.000 từ được Thủ tướng Lý Khắc Cường đọc trước quốc hội hồi tháng trước, cụm từ này chỉ xuất hiện một lần.

Báo cáo ngân sách mới nhất của Bộ Tài chính Trung Quốc không đưa ra các mục tiêu cụ thể để chính quyền trung ương phân bổ nguồn lực cho chiến dịch “thịnh vượng chung”. Tại tỉnh Chiết Giang, nơi được coi là địa phương thực hiện thí điểm chương trình, các kế hoạch kinh tế mới ít đề cập đến những chính sách thu hẹp khoảng cách thu nhập.

Bắc Kinh cũng đã rút lại một số biện pháp liên quan đến chiến dịch. Tháng trước, chính phủ hoãn kế hoạch mở rộng phạm vi áp dụng một loại thuế tài sản mới, có thể tạo ra nguồn ngân sách cho các chương trình phúc lợi xã hội nhưng vấp phải phản đối của giới tinh hoa và các nhà hoạch định chính sách, vì lo ngại nó sẽ đẩy giá trị tài sản xuống thấp. Biện pháp thuế này hiện chỉ được áp dụng thí điểm ở Thượng Hải và Trùng Khánh.

Bộ Tài chính Trung Quốc chỉ nêu lý do thời điểm “chưa chín muồi” để áp dụng rộng rãi chính sách thuế này mà không giải thích chi tiết.

Stella Yifan Xie, bình luận viên chuyên về kinh tế Trung Quốc của WSJ, cho rằng một phần lý do khiến chương trình thịnh vượng chung phai nhạt là bởi các chính sách được ban hành khiến giới chủ doanh nghiệp cảm thấy lo lắng, nhiều người quyết định “nằm im thở khẽ”, không muốn mở rộng đầu tư kinh doanh, khiến đà tăng trưởng chung bị kìm hãm. Tuy nhiên, ông Tập lại đang rất cần nền kinh tế Trung Quốc duy trì tốc độ phát triển bền vững.

Theo các nhà kinh tế học và chuyên gia, thực tế ngày càng cho thấy rõ ràng rằng Trung Quốc khó đạt được các mục tiêu thịnh vượng chung nếu không có những thay đổi quyết liệt hơn, và có khả năng tạo ra những tác động sâu rộng mà Bắc Kinh dường như chưa sẵn sàng thực hiện.

Một trong những thay đổi đó là cải cách toàn diện hệ thống thuế và phúc lợi xã hội. Hệ thống thuế của Trung Quốc được đánh giá là chưa toàn diện, khi gánh nặng thuế chủ yếu vẫn rơi vào những người lao động có thu nhập thấp. Phương án tăng thuế với nhóm người giàu, có quan hệ sâu rộng là một thách thức lớn.

Về cơ bản, các nhà kinh tế cho rằng hệ thống thuế của Trung Quốc không huy động đủ nguồn lực để tài trợ cho giáo dục, y tế và các dịch vụ khác ở mức giống như trong chương trình nghị sự thịnh vượng chung mà ông Tập nêu ra. Để giải quyết vấn đề này, các công ty tư nhân và giới nhà giàu buộc phải phân phối lại tiền của.

Thuế thu nhập cá nhân ở Trung Quốc chỉ chiếm 1,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với khoảng 10% ở Mỹ và Anh. Nguồn thu từ các khoản đóng góp an sinh xã hội, khoảng 6,5% GDP, thấp hơn mức trung bình 9% của các thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Cụm từ “thịnh vượng chung” đã xuất hiện ở Trung Quốc từ nhiều thập kỷ trước. Nó được cả hai cố lãnh đạo Trung Quốc là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình sử dụng để mô tả về ý tưởng giảm bất bình đẳng trong xã hội.

Song dữ liệu cho thấy bất bình đẳng giàu nghèo ngày càng tăng kể từ khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu mở cửa với thế giới bên ngoài. Ông Tập coi đây là xu thế đáng lo ngại. Năm 2021, 10% người giàu nhất Trung Quốc sở hữu 68% tổng tài sản hộ gia đình, theo Viện nghiên cứu Bất bình đẳng Thế giới.

Các chính sách phục vụ mục tiêu thịnh vượng chung của ông Tập chủ yếu hướng đến kiểm soát những ngành được coi là siêu lợi nhuận hoặc tồn tại quá nhiều rủi ro tài chính mà không có những sáng kiến thúc đẩy đổi mới hay nâng cao cơ hội cho tầng lớp trung lưu và thấp hơn ở Trung Quốc, giới học giả đánh giá.

Những quy định chặt chẽ được đặt ra đối với các nhà phát triển bất động sản đã giảm bớt một số rủi ro, nhưng lại khiến thị trường trở nên ảm đạm hơn. Động thái siết chặt các công ty công nghệ và công ty dạy thêm làm giảm hành vi độc quyền, nhưng dẫn đến hàng loạt nhân viên của các ngành này bị sa thải, xóa sổ hàng tỷ USD giá trị thị trường của các công ty niêm yết.

Tăng trưởng kinh tế tổng thể chậm lại đáng kể và nhiều chuyên gia cảnh báo Trung Quốc sẽ phải rất khó khăn mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% mà chính phủ đặt ra trong năm nay.

Mặc dù các công ty công nghệ và doanh nhân cam kết đóng góp hàng tỷ USD cho sáng kiến thịnh vượng chung, các nhà kinh tế cho rằng việc làm này không mang tính bền vững giúp thay đổi xã hội lâu dài, trong khi hậu quả từ việc thắt chặt kiểm soát quá mức có thể tồn tại nhiều năm.

Khẩu hiệu thịnh vượng chung “đã bị một số doanh nghiệp sử dụng nhằm ám chỉ các chính sách được đưa ra nhằm kiểm soát, thậm chí vùi dập hoạt động kinh doanh tư nhân ở Trung Quốc”, Victor Shih, phó giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học California, Mỹ, bình luận. “Tôi không nghĩ đó là thông điệp mà chính phủ Trung Quốc muốn truyền tải”.

Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tháng trước cam kết các quy định tiếp theo trong chính sách thịnh vượng chung sẽ “minh bạch hơn”.

Một số nhà kinh tế dự đoán Trung Quốc có thể hồi sinh chương trình thịnh vượng chung sau đại hội đảng vào mùa thu năm nay, nếu tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh mẽ.

Nhưng không rõ liệu ông Tập có ý định thực hiện các bước đi triệt để hơn để hiện thực hóa chính sách này hay không. George Magnus, nhà kinh tế học, chuyên gia tại Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Oxford, Mỹ, và các nhà kinh tế khác cho biết một trong những cách đơn giản nhất để làm điều đó là chuyển thêm nguồn thu sang khu vực tư nhân, nhưng làm như vậy sẽ đi ngược lại với động lực của ông Tập.

Gan Li, giáo sư kinh tế tại Đại học Texas A&M, cho hay một cách tiếp cận khác là áp dụng thuế thừa kế hoặc thuế trên thặng dư vốn đối với cá nhân. Điều này sẽ giúp thu được nhiều hơn từ các gia đình giàu có, song nhiều khả năng sẽ vấp phải phản đối từ dư luận.

Các nhà kinh tế khác cho rằng Trung Quốc cần thay đổi chính sách cấp ngân sách cho chính quyền các địa phương. Hiện tại, chính quyền các địa phương có trách nhiệm cung cấp nhiều phúc lợi xã hội, nhưng họ thường chịu gánh nặng nợ lớn và khả năng tự tăng nguồn thu bị hạn chế. Vì vậy, họ có ít động lực thực hiện các chương trình phúc lợi quy mô sâu rộng.

Thay vào đó, giới chức địa phương có xu hướng ưu tiên đầu tư vào những dự án mang lại kết quả nhanh hơn, như cơ sở hạ tầng, hoặc những dự án được coi là quan trọng về mặt chiến lược đối với các lãnh đạo Trung Quốc, như đạt được mục tiêu độc lập về chất bán dẫn hay tăng cường sức mạnh quân sự, chuyên gia Shih từ Đại học California, San Diego, nhấn mạnh.

“Những thay đổi như vậy liên quan rất nhiều đến chính trị”, Magnus nhận xét. “Tôi không nghĩ chính phủ Trung Quốc sẵn sàng áp dụng chúng”.

Vũ Hoàng (Theo WSJ)

  • Người giàu Trung Quốc ‘nằm yên thở khẽ’
  • Tương lai ‘thịnh vượng chung’ trong mắt người Trung Quốc
  • Nghị quyết lịch sử củng cố quyền lực ông Tập

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*