Nếu như ở phiên sáng, tâm lý bi quan bao trùm hầu hết các nhà đầu tư khi cổ phiếu tiếp tục giảm la liệt, thì ngay đầu phiên chiều, thị trường hồi phục với tốc độ nhanh mạnh, rất nhiều cổ phiếu gần chạm sàn phiên sáng đã bứt mạnh ở phiên chiều, thậm chí tăng kịch trần.
Cột bên trái là cổ phiếu niêm yết trên HOSE, cột bên phải là các cổ phiếu niêm yết trên HNX
Điển hình như DXG, GEX, LDG, ITA, LHG, DGC, CSV, DPR, DPG, HTN,…. Độ rộng thị trường nghiêng về tích cực với 331 mã tăng (17 mã tăng trần), 47 mã tham chiếu, 126 mã giảm (7 mã giảm sàn). Diễn biến này đưa VNindex đóng cửa ở 1.477,2 điểm, tăng 21,95 điểm, tương ứng 1,51%.
Cổ phiếu vốn hóa lớn là trụ cột của thị trường có sự quay trở lại trong phiên hôm nay để hỗ trợ thị trường chung với nhiều mã tăng mạnh như BVH (+5,5%), TPB (+5,1%), FPT (+4,8%), GVR (+4,5%), PNJ (+3,2%), VRE (+2,4%), MWG (+2,3%), NVL (+1,8%), SSI (+1,8%), STB (+1,8%)…Đà tăng lan toả ở nhiều nhóm ngành, như ở cổ phiếu chứng khoán hồi phục tốt, các nhóm ngành khác như dầu khí, thép, cao su, bất động sản khu công nghiệp… khiến cho giao dịch trên thị trường càng trở nên tích cực.
Đặc biệt, cổ phiếu họ FLC bắt đầu được “giải cứu” từ sàn lên giá đỏ như FLC (- 2,7%), ROS (-3%), từ sàn lên giá xanh như HAI (+1,3%), ART (+1,4%), thậm chí từ sàn lên trần như KLF (+8,3%).
Khối ngoại cũng mua ròng với khoảng 1.500 tỷ đồng trên cả hai sàn để hỗ trợ cho chỉ số.
Có thể nói, thị trường có một nhịp test vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm (đáy tháng 3/2022) rồi bật lên khá tốt. Nhưng, thanh khoản trong phiên hôm nay lại không thực sự thuyết phục khi còn thấp hơn phiên trước đó và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 phiên. Điều này cho thấy nhà đầu tư vẫn đang khá dè dặt trong việc giải ngân ở thời điểm hiện tại
Công ty chứng khoán SHS dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 14/4, VN- Index có thể sẽ tiếp tục hồi phục để hướng đến ngưỡng kháng cự tiếp theo quanh 1.490 điểm (MA20-50) và những rung lắc có thể diễn ra tại đây. Tuy nhiên, trong kịch bản tiêu cực, nếu áp lực bán quay trở lại thì chỉ số VN-Index có thể sẽ điều chỉnh về các ngưỡng hỗ trợ thấp hơn để tìm kiếm lực cầu bắt đáy.
Liệu đây chỉ là phiên hồi để thoát hàng, hay nhà đầu tư đã có thể tạm an tâm với xu hướng thị trường.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, trước hết, cần hiểu giai đoạn giảm điểm vừa qua của thị trường bị tác động rất lớn bởi các tin đồn vô căn cứ và có vẻ như là có chủ đích của nhóm đối tượng nào đó. Tại sao hình ảnh văn bản có từ năm 2019, nhưng lại được lan truyền rất nhanh, còn được highlight tên tuổi các tập đoàn lớn??? Đi kèm theo đó là các tin đồn bắt bớ…đã thực sự ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Và trong khoảng vài phiên gần đây, có tình trạng tầm 2h15 thị trường giảm mạnh và phiên 3 chấn lệnh ATC chốt giá thấp nhất ngày.
“Tôi cho rằng, diễn biến này có khả năng có những hành động mang tính muốn can thiệp vào thị trường, có thể đến từ nhà đầu tư lớn, mục đích riêng. Tôi rất mong muốn cơ quan chức năng nghiêm trị những hành động cố tình lan truyền tin đồn vô căn cứ ảnh hưởng đến thị trường”, ông Phương chia sẻ quan điểm cá nhân.
Quay lại với thị trường, theo ông Phương là rõ ràng không có các thông tin nào quá xấu ở giai đoạn này, những sự kiện đáng lo như chiến tranh Nga Ukraina tạm lắng, lo lạm phát thì hiện cũng có số liệu rồi, việc Fed tăng lãi suất cũng tăng rồi…hay nói cách khác các thông tin được cho là tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán đã qua.
Trong khi đó, nhiều kỳ vọng tích cực không được nói tới. Như gói kích thích 350.000 tỷ đồng sắp giải ngân, lãi suất vẫn duy trì ở mức hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp, thậm chí cả nhà đầu tư tài chính, bất động sản vẫn có thể vay mức này để đầu tư. Kết quả quý 1 nhiều DN sẽ tăng trưởng, thông tin ĐHCĐ về kế hoạch cũng dự báo tăng trưởng trên nền thấp của năm 2021…Đây là cơ sở, khi tâm lý nhà đầu tư bớt hoang mang hơn, thì thị trường cũng bứt lên khá nhanh phiên chiều.
Ông Phương cho rằng, không chỉ là hồi kỹ thuật, mà có tính lan toả trên diện rộng và có cơ sở tích cực ở tương lai gần (như các yếu tố kể trên).
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCK Kiến thiết Việt Nam đồng tình với quan điểm này. Bản chất thị trường có sự điều chỉnh ở một số nhóm lớn, nhưng trùng hợp đang trong quá trình điều chỉnh thì xuất hiện thông tin phức tạp quá nhiều, nhiều nhà đầu tư hoàn toàn tin các thông tin này nên họ cũng chờ đợi tin tức mới giải ngân, đứng ngoài thị trường chờ đợi.
Đến thời điểm này thì các tin đồn đa phần là sai. Nhiều doanh nghiệp vướng tin đồn cũng có thông báo chính thức về hoạt động bình thường, cơ quan quản lý cũng lên tiếng sẽ xử liêm các hành vi cố tình bịa đặt thông tin, lan truyền thông tin không đúng. Theo đó, tâm lý nhà đầu tư đã được cởi bỏ hơn.
VNindex đã giảm đâu đó hơn 5% trong vòng 5 phiên là mức giảm lớn, nên khi vấn đề là tâm lý được cởi bỏ cộng với giá cổ phiếu ở vùng hấp dẫn hơn để đón mùa KQKD quý 1, mùa DHCD (ngay tuần sau). Nên thị trường đang thiên về ổn định hơn về tâm lý, dòng tiền tự tin hơn.
Nhưng xu hướng tăng có dài hạn hơn thì tuỳ nhóm ngành. Với các nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp khiến dòng tiền sẽ không trở lại nữa là cổ phiếu penny midcap có tính đầu cơ cao, không có kết quả kinh doanh tốt, thì đợt này chỉ hồi phục ngắn thôi, khó thu hút dòng tiền để tăng dài, ông Ngọc nhận định
Còn cổ phiếu có P/E thấp, thuộc DN có KQKD tăng trưởng, cơ bản tốt và chia cổ tức cao, kế hoạch tăng trưởng cao thì sẽ tăng dài, có cơ hội phá đỉnh.
Với riêng nhóm bất động sản, đã tăng nóng trong 5-6 tháng trước, sắp tới đây, quý 1- thường không phải là quý có con số bình bình, và bị điều tiết bởi các thông tin liên quan đến siết tín dụng bất động sản, rồi trái phiếu…nên nhịp hồi sắp tới có thể là cơ hội để nhà đầu tư giảm tỷ trọng, ông Ngọc đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư.
Để lại một phản hồi