“Tổng thống mời tất cả chính đảng trong quốc hội đảm nhận các chức vụ trong nội các và tham gia nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng quốc gia”, văn phòng Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa hôm nay ra tuyên bố cho biết.
Tuyên bố nhấn mạnh rằng giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc ở nước này cần đạt được “trong khuôn khổ dân chủ”, khi hàng trăm người đang tham gia các cuộc biểu tình tự phát ở nhiều thành phố, thị trấn và làng mạc.
Lời kêu gọi được đưa ra sau khi toàn bộ thành viên nội các Sri Lanka, trừ Tổng thống và Thủ tướng, nộp đơn từ chức tại cuộc họp đêm 3/4. Thống đốc ngân hàng trung ương Ajith Cabraal cũng đã từ chức. Tổng thống Rajapaksa sẽ bổ nhiệm nội các mới trong hôm nay.
Sri Lanka, quốc gia Nam Á với 22 triệu dân, đang đối mặt tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhu yếu phẩm, nhiên liệu, lạm phát tăng kỷ lục và tình trạng tê liệt vì mất điện trong thời kỳ suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất.
Chính phủ đã thông báo sẽ tìm kiếm gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nhưng các cuộc đàm phán vẫn chưa bắt đầu.
Tổng thống Rajapaksa hôm 1/4 ban bố tình trạng khẩn cấp, cho phép quân đội Sri Lanka bắt giam nghi phạm trong thời gian dài mà không cần xét xử. Cảnh sát đã áp dụng lệnh giới nghiêm từ đêm 1/4 đến sáng 4/4 ở tỉnh Western, trong đó có thủ đô Colombo.
Quân đội và cảnh sát được đặt trong tình trạng báo động cao sau khi lệnh giới nghiêm kết thúc, do các báo cáo tình báo cho rằng tình trạng bất ổn sẽ gia tăng. Người biểu tình cho biết sẽ tổ chức các cuộc biểu tình lớn hơn ở một số thị trấn quan trọng trong hôm nay để buộc Tổng thống Rajapaksa và các thành viên gia đình ông từ chức.
Anh trai Tổng thống Rajapaksa, Mahinda, đang giữ chức Thủ tướng Sri Lanka. Người em út của gia đình là Basil đang là Bộ trưởng Tài chính. Bộ trưởng Nông nghiệp Chamal là anh cả trong gia đình ông Rajapaksa, còn Bộ trưởng Thể thao Namal là cháu tổng thống.
Một đảng trong liên minh cầm quyền thông báo sẽ rời chính quyền trong tuần này, động thái làm suy yếu thế đa số của Tổng thống Rajapaksa trong quốc hội. Nhiều nhà kinh tế cho biết khủng hoảng Sri Lanka trở nên trầm trọng hơn do sự quản lý yếu kém của chính phủ, tác động từ đại dịch Covid-19 và các khoản nợ nước ngoài.
Huyền Lê (Theo AFP)
Để lại một phản hồi