OPEC cho biết giá dầu thô Brent giao kỳ hạn đã đạt mức trung bình gần 98 USD/thùng trong quý I/2022, tăng khoảng 18 USD so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: AFP |
Theo lý giải của Ngân hàng Thế giới (WB), giá năng lượng tăng đột biến trong 2 năm qua cũng đồng thời lập đỉnh kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, trong khi giá lương thực đã tăng mạnh nhất kể từ năm 2008.
“Nhìn chung, đây là cú sốc hàng hóa lớn nhất mà chúng tôi từng trải qua kể từ những năm 1970”, ông Indermit Gill, Phó chủ tịch phụ trách tài chính và tăng trưởng công bằng của Ngân hàng Thế giới cho biết.
Nga là cường quốc xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá, trong khi Ukraine là quốc gia cung cấp lượng lớn lúa mì và ngô cho thế giới. Cú sốc thị trường càng trở nên trầm trọng hơn khi chi phí phân bón tăng cao và giá cả các mặt hàng kim loại chủ chốt tăng sốc.
Trong một tuyên bố gửi tới Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tuần trước, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết giá dầu thô Brent giao kỳ hạn đã đạt mức trung bình gần 98 USD/thùng trong quý I/2022, tăng khoảng 18 USD so với cùng kỳ năm ngoái.
“Giá dầu tăng cao, đặc biệt là vào tháng 3 năm nay … chủ yếu là do căng thẳng địa chính trị leo thang ở Đông Âu và điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt lượng lớn nguồn cung dầu mỏ trong bối cảnh các giao dịch bị xáo trộn”, OPEC cảnh báo.
Trong báo cáo triển vọng thị trường hàng hóa mới công bố tuần này, Ngân hàng Thế giới dự đoán, sau khi tăng gần gấp đôi vào năm ngoái, giá năng lượng toàn cầu được dự báo sẽ tăng hơn 50% trong năm nay, trước khi quay đầu sụt giảm vào năm 2023 và 2024. Còn giá lương thực được dự báo tăng 22,9% trong năm nay, đáng kể giá lúa mì tăng tới 40%.
“Những diễn biến này đã bắt đầu dấy lên ‘bóng ma’ về tình trạng đình lạm”, Ngân hàng Thế giới lưu ý. Trong kinh tế học, chỉ hiện tượng nền kinh tế đình đốn trong khi lạm phát cao.
“Các nhà hoạch định chính sách nên tận dụng mọi cơ hội để thúc tăng trưởng kinh tế trong nước và tránh những hành động sẽ gây hại cho nền kinh tế toàn cầu”, Ngân hàng Thế giới cảnh báo.
Tổ chức này cũng dự đoán giá cả hàng hóa sẽ duy trì ở “mức cao lịch sử” cho đến cuối năm 2024. Đặc biệt, giá nhu yếu phẩm tăng cao sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Ông Ayhan Kose, Giám đốc Bộ phận dự báo triển vọng của Ngân hàng Thế giới, nhận xét: “Giá lương thực và năng lượng tăng cao đang gây ra thiệt hại đáng kể đến người dân và kinh tế và nó có thể sẽ làm đình trệ tiến trình xóa đói giảm nghèo”.
Để lại một phản hồi