5.500 tỷ đồng kéo dài Đại lộ Thăng Long; Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sân bay Sa Pa

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Hà Nội sáp nhập 4 Ban quản lý dự án cấp thành phố

Sáng 16/5, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức lễ công bố quyết định về công tác cán bộ. 

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà đã công bố quyết định của UBND Thành phố về việc sáp nhập 4 Ban quản lý Dự án (BQLDA) của Thành phố thành 2 ban.

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh trao quyết định và chúc mừng lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố. (Ảnh: Phú Khánh)
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh trao quyết định và chúc mừng lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố. (Ảnh: Phú Khánh)

Cụ thể, UBND Thành phố quyết định thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Thành phố trên cơ sở hợp nhất Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thành phố và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Thành phố.

Thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Thành phố trên cơ sở hợp nhất Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Thành phố và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa – xã hội Thành phố.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cũng công bố các quyết định của Chủ tịch UNBD Thành phố Hà Nội về bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội đối với đồng chí Đồng Phước An (sinh năm 1973), Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội;

Quyết định của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội về bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội đối với đồng chí Hoàng Trọng Tùng (sinh năm 1974), Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hà Nội.

Giám đốc Sở Nội vụ cũng công bố các quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội đối với ông Nguyễn Ngọc Tường, sinh ngày 23/10/1966; ông Hoàng Mạnh Trường, sinh ngày 27/02/1962; ông Lương Thanh Phong, sinh ngày 29/5/1965; ông Lê Văn Bính, sinh ngày 20/6/1976; ông Phạm Đình Tuấn, sinh ngày 17/6/1965; ông Đàm Xuân Dũng, sinh ngày 23/10/1972; ông Đỗ Việt Hưng, sinh ngày 01/01/1975;

Bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội đối với ông Hà Văn Khanh, sinh ngày 19/5/1962; ông Vũ Mạnh Tuấn, sinh ngày 04/4/1972; ông Đàm Văn Hân, sinh ngày 12/6/1974; ông Đặng Việt Trung, sinh ngày 17/5/1969; ông Chu Mạnh Tuấn, sinh ngày 26/11/1976.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị ông Đồng Phước An và Hoàng Trọng Tùng cùng tập thể Ban lãnh đạo đơn vị khẩn trương rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự của 2 Ban, đảm bảo chế độ, chính sách hợp lý cho cán bộ lãnh đạo cũng như viên chức, người lao động để họ yên tâm công tác. 

Đồng thời rà soát, kiểm đếm khối lượng công việc đã thực hiện, các nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2022 và những năm tiếp theo để tiếp tục triển khai, thực hiện các dự án đảm bảo chất lượng và hoàn thành đúng tiến độ.

Chủ tịch Chu Ngọc Anh cũng đặc biệt lưu ý việc thực hiện và thúc đẩy giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội. 

UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, và thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và trong tuần này, các tổ công tác của UBND Thành phố sẽ triển khai kiểm điểm tiến độ thực hiện.

Hà Nội: Khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp làng nghề Dị Nậu 

Sáng 16/5, UBND huyện Thạch Thất, Hà Nội tổ chức lễ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp làng nghề Dị Nậu, có tổng mức đầu tư gần 267,6 tỷ đồng.

Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp làng nghề Dị Nậu, huyện Thạch Thất do Công ty cổ phần Hoàng Hưng Tiến làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư gần 267,6 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn tự có của chủ đầu tư, vốn huy động từ các nhà đầu tư thứ phát, vốn vay từ các tổ chức tín dụng.

Tổng diện tích đất thực hiện dự án là 10,7ha. Hiện, huyện Thạch Thất đã thực hiện xong công tác kiểm đếm, áp giá đền bù, phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng với tổng số tiền là hơn 83,5 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp luôn được thành phố xác định là khâu đột phá, ưu tiên thực hiện để hoàn thành chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp – xây dựng giai đoạn 2021-2025 đạt 8,5 – 9,0% theo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đã đề ra.

UBND Thành phố Hà Nội đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với 43 cụm công nghiệp. 

Thành phố Hà Nội cũng đã có quyết định để sớm hoàn thành, thu hút đầu tư, tạo mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh, tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của Thủ đô. Đây cũng là giải pháp quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo kế hoạch của Thủ đô.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền thông tin, Thạch Thất là huyện có nhiều làng nghề tập trung và thu hút đông đảo lao động trên địa bàn, trong đó, nhiều nhóm ngành nghề có quy mô cả xã. 

Trên địa bàn huyện hiện có 7 cụm công nghiệp đã được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động với tổng diện tích 160ha. Tuy nhiên, nhu cầu về mặt bằng sản xuất cho các cơ sở làng nghề vẫn còn rất lớn. 

Việc đầu tư xây dựng cụm công nghiệp làng nghề Dị Nậu sẽ góp phần giải quyết một phần nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện, dần đưa các cơ sở sản xuất trong các làng nghề, khu dân cư vào khu vực sản xuất tập trung có đầu tư hạ tầng đồng bộ. 

Qua đó, góp phần thúc đẩy tiềm năng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của huyện Thạch Thất nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.

Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các sở, ban, ngành Thành phố tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án; nhất là trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Sở Công Thương với vai trò là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc, kịp thời tham mưu UBND thành phố các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm hoàn thành dự án đưa vào hoạt động, khai thác theo đúng tiến độ.

Về phía Công ty cổ phần Hoàng Hưng Tiến, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị doanh nghiệp tập trung toàn bộ nguồn lực để nhanh chóng hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cụm công nghiệp Dị Nậu; qua đó thu hút nhà đầu tư thứ phát để phát huy tối đa hiệu quả của dự án, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện Thạch Thất nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.

Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tin tưởng, dự án cụm công nghiệp làng nghề Dị Nậu sẽ sớm hoàn thành đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả đầu tư cao nhất, qua đó góp phần nâng cao đời sống, thu nhập của người dân và đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế tại địa phương.

Nhiều lợi thế đa dạng, Ninh Thuận kêu gọi đầu tư vào du lịch

Ninh Thuận ưu tiên phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch chính là sản phẩm đặc thù, sản phẩm mới lạ, sản phẩm bổ trợ; kêu gọi đầu tư dự án du lịch ở vùng trọng điểm.

Tỉnh Ninh Thuận vừa tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tại TP. HCM. 

Ninh Thuận vừa tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tại TP. Hồ Chí Minh.
Ninh Thuận vừa tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tại TP. Hồ Chí Minh.

Theo ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận, trên địa bàn tỉnh đã có 57 Dự ándịch vụ du lịch được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 29.686 tỷ đồng. Trong đó, có 19 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 3.180 tỷ đồng.

Những dự án du lịch lớn trên địa bàn tỉnh như Khu du lịch Mũi Dinh Ecopark; Tổ hợp khách sạn 5 sao SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang; Tổ hợp Ninh Chữ Sailing Bay; Nara Binh Tien Golf & Beach Resort …

Hiện tỉnh Ninh Thuận có 203 cơ sở lưu trú du lịch với trên 4.443 phòng, trong đó số phòng có chất lượng đạt tiêu chuẩn tương đương 3 sao trở lên chiếm trên 50%.

Tỉnh Ninh Thuận cho biết, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, với bờ biển dài hơn 105 km được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng về sinh học và nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: Bãi biển Bình Sơn – Ninh Chữ, Cà Ná, Bình Tiên, Hang Rái, có Vườn quốc gia Núi Chúa và Vườn quốc gia Phước Bình còn mang đậm nét rừng nguyên sinh.

Trong đó, Vườn quốc gia Núi Chúa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới; vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam.

Bên cạnh đó, Ninh Thuận còn có nhiều sản phẩm đặc sản, đặc thù và những giá trị văn hoá đặc sắc.

Theo ông Trần Quốc Nam, Ninh Thuận đặt mục tiêu đưa ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025 và thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững vào năm 2030.

Để hiện thực hóa các mục tiêu đó, Ninh Thuận định hướng xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là những sản phẩm mang tính đặc trưng của Ninh Thuận tập trung ưu tiên phát triển 3 nhóm sản phẩm chính gồm: sản phẩm đặc thù, sản phẩm mới lạ, sản phẩm bổ trợ.

Cụ thể, nhóm sản phẩm đặc thù là du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển; du lịch văn hóa di sản Chăm; du lịch nông nghiệp công nghệ cao; du lịch sinh thái gắn với Vườn Quốc gia Núi Chúa.

Nhóm sản phẩm mới lạ là du lịch khám phá và vui chơi giải trí Cát – Muối; du lịch săn bắn bán hoang dã; du lịch trải nghiệm đường sắt; du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe.

Cuối cùng là nhóm sản phẩm bổ trợ như Du lịch cộng đồng; du lịch vui chơi giải trí và ẩm thực; du lịch tham quan sản xuất năng lượng tái tạo; Thương mại du lịch.

Tỉnh Ninh Thuận ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư ở vùng trọng điểm phát triển du lịch phía Bắc, phía Nam và Trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm. Với mục tiêu hình thành hệ thống khách sạn tại khu vực bãi biển Bình Sơn, trung tâm thương mại, các khu giải trí phức hợp kết hợp nghỉ dưỡng, lưu trú; các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ven biển.

Tại Hội nghị, ông Trần Quốc Nam khẳng định sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động kinh doanh du lịch và bất động sản du lịch phát triển nhằm khai thác tốt nhất nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển. Xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến an toàn, thân thiện với nhiều trải nghiệm thú vị, phấn đấu trở thành một điểm đến du lịch đẳng cấp cao.

Bộ GTVT đồng thuận với việc đầu tư 5.500 tỷ đồng để kéo dài Đại lộ Thăng Long 

Tuyến cao tốc Đại lộ Thăng Long sẽ được kéo dài với việc đầu tư thêm khoảng 6,7 km với đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình.

Bộ Giao thông – Vận tải vừa có văn bản gửi Sở Giao thông – Vận tải TP. Hà Nội về Dự ánĐầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng long, đoạn nối Quốc lộ 21 đến cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình.

Một đoạn Đại lộ Thăng Long.
Một đoạn Đại lộ Thăng Long.

Theo Bộ Giao thông – Vận tải, nếu đối chiếu với Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng thì Bộ Giao thông – Vận tải và cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ không có trách nhiệm thẩm định Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án như đề xuất của Sở Giao thông – Vận tải TP. Hà Nội.

Tại văn bản gửi Sở Giao thông – Vận tải TP. Hà Nội, Bộ Giao thông – Vận tải cho biết, Đại lộ Thăng Long với chiều dài khoảng 30 km (điểm đầu tại nút giao Trung Hòa – ngã tư giao cắt với đường Vành đai 3 và đường Trần Duy Hưng; điểm cuối tại ngã ba giao cắt với Quốc lộ 21 – Km31+064) là tuyến đường cao tốc hướng tâm phía Tây, nối trung tâm thành phố Hà Nội với Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc; đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác từ tháng 10/2010 với quy mô 6 làn xe cao tốc và đường song hành hai bên.

Đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình với chiều dài khoảng 26 km (điểm đầu tại Km6+680 tách đường Hòa Lạc – Làng Văn hóa dân tộc Việt Nam; điểm cuối tại Km32+367, xã Trung Minh, TP. Hòa Bình) đã hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác từ tháng 10/2018 với quy mô 2 làn xe cơ giới, vận tốc 80km/h).

Theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đường cao tốc Đại lộ Thăng Long là một phần của tuyến cao tốc Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên.

Như vậy, theo Bộ Giao thông – Vận tải, việc đầu tư xây dựng Đại lộ Thăng Long đoạn nối Quốc lộ 21 đến cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình sẽ giúp thông suốt tuyến cao tốc từ Hà Nội đi Hòa Bình.

Hiện nay, đoạn tuyến nối từ Đại lộ Thăng Long đến đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình dài khoảng 6,7km với hiện trạng là đường bê tông nhựa có bề rộng mặt đường 12m, mặt đường đã xuống cấp và mật độ giao thông trên tuyến cao. Vì vậy, việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối Quốc lộ 21 đến cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình là cần thiết.

Theo hồ sơ Báo cáo Nghiên cứu khả thi do Sở Giao thông – Vận tải TP. Hà Nội gửi, Dự án phù hợp với các quy hoạch sau: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1081/QĐ- TTg ngày 06/7/2011; Quy hoạch Giao thông – Vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ- TTg ngày 31/3/2016; Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc…

Do đó, Bộ Giao thông – Vận tải kiến nghị các cơ quan thẩm định lưu ý kiểm tra, rà soát hồ sơ Dự án đảm bảo phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt.

Về phương án kết nối tại điểm đầu của Dự án với đường cao tốc Đại lộ Thăng Long thông qua nút giao hoa thị đã được đầu tư hoàn chỉnh, Bộ GTVT cho biết, tại điểm cuối của dự án với đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình theo hình thức vuốt nối vào tuyến đường hiện hữu; do vậy không phát sinh điểm đấu nối mới.

Liên quan đến Dự án BOT đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình, điểm cuối của Dự án kết nối với điểm đầu của đường cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình nên có thể không gây ảnh hưởng xấu tới phương án tài chính của Dự án BOT. Tuy nhiên, Bộ GTVT đề nghị các cơ quan thẩm định kiểm tra, rà soát thủ tục lấy ý kiến thỏa thuận của Chủ3 đầu tư với doanh nghiệp dự án BOT về ảnh hưởng của dự án liên quan.

Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm ước đạt 22,37% kế hoạch 

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN 5 tháng đầu năm 2022 đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (22,12%).

Bộ tài chính vừa có văn bản số 4257/BTC-ĐT báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tưnguồn lũy kế 4 tháng, ước thực hiện đến 15/5/2022 và đến 31/5/2022.

Về tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN: Đối với giải ngân vốn kế hoạch năm 2022, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến 30/4/2022 là: 84.765,06 tỷ đồng, đạt 15,12% kế hoạch và đạt 16,36% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Ước thanh toán từ đầu năm đến 15/5/2022 là 105.035,93 tỷ đồng, đạt 18,73% kế hoạch (đạt 20,27% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, vốn trong nước là 103.316,59 tỷ đồng. Vốn nước ngoài là 1.719,34 tỷ đồng.

Ước thanh toán từ đầu năm đến 31/5/2022 là 115.922,47 tỷ đồng, đạt 20,67% kế hoạch (đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Nhận xét tình hình giải ngân kế hoạch 2022, Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ ước giải ngân 5 tháng đầu năm 2022 đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (22,12%), trong đó vốn trong nước đạt 23,53%, vốn nước ngoài đạt 6,26%.

Có 5 Bộ và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (50,48%),  ngân hàng Phát triển (49,42%), Văn phòng Chính phủ (38,88%), Lâm Đồng (49,4%), Bình Thuận (41,98%), Tiền Giang (39,1%).

Có 41/51 Bộ và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó có 5 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Soi thực lực của liên danh vừa xin đầu tư PPP cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu 

Tổng công ty Xây dựng CTGT 6 – Công ty Xây dựng COTECCON – Công ty XDTM Thuận Việt – Công ty Tân Thành Holdings là liên danh đệ đơn đầu tư PPP cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.

Theo thông tin của Baodautu.vn, cho đến thời điểm này, Tổng công ty Xây dựng công trình Giao thông 6 (CIENCO6) – Công ty cổ phần Xây dựng COTECCON – Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại Thuận Việt và Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Holdings là liên danh nhà đầu tư duy nhất đang đệ đơn đầu tư PPP cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu.

Ngoài việc gửi đơn tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, liên danh CIENCO6 – CONTECCON – Thuận Việt – Tân Thành còn gửi đề xuất tới Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban tài chính – Ngân sách và Ủy ban kinh tế Quốc hội.

Liên danh CIENCO6 – CONTECCON – Thuận Việt – Tân Thành cho biết là đã nghiên cứu kỹ tính khả thi của Dự án và đã sắp xếp chuẩn bị nguồn vốn để có thể tham gia thực hiện Dự án theo phương thức đầu tư PPP.

Để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện dự án không phụ thuộc nhiều vào các nguồn vốn vay ngân hàng, liên danh cam kết sẽ thực hiện huy động nguồn vốn trong đó: vốn góp từ nguồn vốn chủ sở hữu của các thành viên trong liên danh 40% (khoảng 5.200 tỷ đồng), nguồn vốn huy động từ ngân hàng 30% (khoảng 3.000 tỷ đồng); nguồn vốn huy động bằng hình thức trái phiếu dự án từ những đối tác tiềm năng 30% (khoảng 3.000 tỷ đồng) và cam kết triển khai hoàn thành Dự án án đúng tiến độ đưa vào khai thác trong năm 2025. 

Được biết, CIENCO6 là doanh nghiệp từng thuộc Bộ GTVT, chuyên thi công các công trình hạ tầng giao thông, sân bay, bến cảng… CIENCO6 đã tham gia thực hiện hầu hết các công trình hạ tầng quan trọng trên cả nước đặc biệt là trong khu vực phía nam như: cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; cao tốc Bến Lức – Long Thành; cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình; cao tốc Hà Nội- Hải Phòng; cao tốc Nội Bài- Lào Cai; sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Đà Nẵng, sân bay Liên Khương, sân bay Cần Thơ; cao tốc Bến Lức – Long Thành và Dầu Giây – Phan Thiết. 

CIENCO6 hiện có vốn điều lệ: 492 tỷ đồng; doanh thu trong 3 năm gần nhất đạt 3.800 tỷ đồng; nguồn vốn chủ sở hữu đạt 520 tỷ đồng 

CONTECCON hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp, đặc biệt là trong lãnh vực xây dựng các công trình cao tầng. Gần đây, Coteccons đã thực hiện đầu tư và thi công một số dự án hạ tầng kỹ thuật lớn và nổi tiếng trải dài trên khắp tỉnh thành cả nước như: Nhà máy Dung Quất Hòa Phát; Vinfast Hải Phòng; Landmark 81; Hồ Tràm Strip; Vinhomes Thăng Long; Nhà ga T2 – Sân bay quốc Tế Nội Bài… cùng rất nhiều dự án tiêu biểu khác. CONTECCON hiện có vốn điều lệ 792 tỷ đồng; doanh thu trong 3 năm gần nhất đạt 48.000 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu đạt 8.247 tỷ đồng. 

Thuận Việt là một công ty chuyên về lĩnh vực đầu tư và xây dựng. Một số công trình lớn tiêu biểu đã được Công ty Thuận Việt hoàn thành và đưa vào khai thác như là: Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM (cơ sở 2); Khu Tái định cư Thủ Thiêm – TP.Thủ Đức (2.200 căn hộ); Trung tâm thương mại Giga Mall – TP.Thủ Đức … Thuận Việt có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng; doanh thu trong 3 năm gần nhất đạt 7.800 tỷ đồng; nguồn vốn chủ sở hữu đạt 1.677 tỷ đồng.

Tân Thành Holdings là công ty đầu tư đa ngành, với năng lực cốt lõi là đầu tư tài chính, thu xếp vốn và quản trị vận hành trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng – bất động sản, dược và dược liệu, nông lâm nghiệp. Tân Thành Holdings hiện có vốn điều lệ là 900 tỷ đồng. 

Vào cuối tháng 4/2022, Chính phủ đã có Tờ trình số 154/TT – CP gửi Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1.

Theo đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 bằng nguồn vốn đầu tư công thay vì PPP như kế hoạch trước đó. Dự án có điểm đầu tại TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tại TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng chiều dài khoảng 53,7 km.

Dự án được đề xuất đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 – 6 làn xe, giải phóng mặt bằng 6 – 8 làn xe theo quy mô quy hoạch.

Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 17.837 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2025 khoảng 14.270 tỷ đồng, năm 2026 khoảng 3.567 tỷ đồng.

13 dự án điện gió, điện mặt trời ở Gia Lai chưa vận hành

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 6 dự án điện gió với tổng công suất 391,2 MW và 7 dự án điện mặt trời tổng công suất 703 MWp chưa được vận hành.

Sở Công Thương tỉnh Gia Lai đã có báo cáo gửi Bộ Công Thương về rà soát, báo cáo danh mục các Dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện đã có trong quy hoạch trên địa bàn Tỉnh.

Dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Theo báo cáo này, trên địa bàn Gia Lai có 11 dự án điện gió với tổng công suất 851,2 MW. Cụ thể, 7 dự án điện gió được công nhận vận hành thương mại toàn nhà máy với tổng công suất 446,2 MW; 4 dự án điện gió được công nhận vận hành thương mại một phần dự án với tổng công suất 117,2 MW; chưa được công nhận vận hành thương mại phần còn lại với tổng công suất 287,8 MW.

Về điện mặt trời, Gia Lai có 2 dự án với tổng công suất 84 MWp (61 MW). Thuỷ điện có 49 dự án với tổng công suất 2.251,69 MW, gồm 8 dự án thủy điện lớn với tổng công suất 1.907 MW và 41 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 344,69 MW.

Theo Sở Công Thương Gia Lai, các dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện được đưa vào vận hành ổn định đã khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh, phát huy nguồn lực đất đai, đảm bảo hiệu quả đầu tư của các chủ đầu tư, ít gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và dân cư khu vực có dự án.

Về danh mục các dự án chưa vận hành, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 6 dự án điện gió với tổng công suất 391,2 MW. Trong đó, có 5 dự án điện gió đã triển khai thi công, đến nay đã cơ bản hoàn thành nhưng chưa được công nhận vận hành thương mại, với tổng công suất 341,2 MW. 1 dự án điện gió đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng, với tổng công suất 50 MW.

Về điện mặt trời, có 7 dự án với tổng công suất 703 MWp. Trong đó, 5 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng công suất 663 MWp; 1 dự án đang triển khai thi công xây dựng; 4 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng). Ngoài ra, 2 dự án đang xin phép chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng công suất 40 MWp. 

Về thủy điện, Gia Lai có 11 dự án với tổng công suất 79,2 MW. Trong đó, 2 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng, với tổng công suất 21,0 MW; 9 dự án thuộc danh mục quy hoạch và chưa có chủ trương đầu tư, với tổng công suất 58,2 MW.

Theo Sở Công Thương, nguyên nhân các dự án chưa vào vận hành là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định số 11/2017/QĐ[1]TTg ngày 11/4/2017, 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020, 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam, đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tham gia lập quy hoạch và đầu tư các dự án điện mặt trời nối lưới, điện gió cũng như đầu tư, lắp đặt các hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh.

Trong khi, hệ thống lưới điện truyền tải công suất của bên mua điện trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung triển khai đầu tư còn hạn chế, chậm trễ so với kế hoạch, không đồng bộ dẫn đến những khó khăn trong việc giải tỏa công suất của một số các dự án điện

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiến độ cung cấp thiết bị, thời gian thi công, lắp đặt bị kéo dài; hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, hoạt động xuất nhập cảnh của công nhân kỹ thuật và chuyên gia nước ngoài bị gián đoạn.

Ngoài ra, chưa có giá bán điện cho các dự án điện gió được hoàn thành sau ngày 31/10/2021, bao gồm cả các dự án đã vận hành một phần và dự án chưa vận hành. Chưa có cơ chế đấu giá cho các dự án điện mặt trời cũng như cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện (Cơ chế DPPA).

8 tỉnh, thành vùng ĐBSCL giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn bình quân chung cả nước

Tính đến ngày 30/4/2022, 8 tỉnh/thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã giải ngân được 5.768 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương, đạt 14,2%, thấp hơn bình quân chung của cả nước là 15,08%.

Công trình xây dựng cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ, nối liền 2 quận Cái Răng và Ninh Kiều (TP. Cần Thơ)
Công trình xây dựng cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ, nối liền 2 quận Cái Răng và Ninh Kiều (TP. Cần Thơ)

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình, kết quả ước giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2022 tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 2 của Thủ tướng Chính phủ với 8 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu) để kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, cho biết, tại Quyết định số 2048/QĐ-TTg, ngày 6/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 cho 8 tỉnh, thành phố với tổng số vốn 39.760,930 tỷ đồng, đến nay đã phân bổ chi tiết 85,67%. Trong đó, tổng số vốn ngân sách trung ương trong nước là 9.942,905 tỷ đồng, đã phân bổ chi tiết 100%; tổng số vốn ODA là 3.195 tỷ đồng, đã phân bổ chi tiết 78,44%; tổng số vốn ngân sách địa phương là 26.622,840 tỷ đồng, đã phân bổ chi tiết 100,97%.

Về kết quả giải ngân, tính đến ngày 30/4/2022, cả 8 tỉnh, thành đã giải ngân được 5.768 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương, đạt 14,2%, tuy cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng thấp hơn bình quân chung của cả nước (15,08%).

Cụ thể, nguồn vốn ngân sách trung ương trong nước giải ngân đạt 11,8%, thấp hơn bình quân chung của cả nước là 16,13%, thấp hơn 4,7% cùng kỳ năm trước. Nguồn vốn ODA nước ngoài giải ngân đạt 0,9%, thấp hơn bình quân chung của cả nước là 4,1%. Nguồn vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt 16,7%, cao hơn bình quân chung cả nước là 15,68%, cao hơn 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Ước giải ngân 5 tháng của 8 địa phương tính đến 30/5 khoảng 7.657,790 tỷ đồng, đạt 18,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước là 20,61%.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc giải ngân chậm là do giá nguyên vật liệu tăng cao; vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; thủ tục thực hiện một số công việc mất nhiều thời gian; công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu, điều chỉnh Dự án, điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công, dự toán của nhiều dự án thực hiện chậm, việc kiểm tra, giám sát thực hiện đối với một số chủ đầu tư chưa thường xuyên, chưa đôn đốc kịp thời, chưa xử lý đối với những trường hợp chậm tiến độ…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Ban Quản lý, chủ đầu tư xây dựng kế hoạch cụ thể đối với từng công trình, tổ chức giao ban hàng tháng để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án. Chịu trách nhiệm trước UBND về việc giải ngân không bảo đảm tiến độ đề ra. Khẩn trương nghiệm thu các hạng mục đã hoàn thành,…

UBND các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt; coi kết quả giải ngân vốn đầu tư công là tiêu chí để đánh giá cán bộ; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc không để chậm những việc thuộc thẩm quyền; thành lập các tổ kiểm tra, đôn đốc tiến độ đầu tư công trên từng địa bàn cụ thể.

Từ đó, kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời đối với các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Xử lý nghiêm các cá nhân trong đơn vị cố tình cản trở, gây khó khăn làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân dự án.

ACV đề nghị khởi công nhà ga T3 Tân Sơn Nhất trong tháng 5/2022

Khởi công dự án trong tháng 5/2022 là rất cấp thiết để đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành dự án sau 37 tháng được Thủ tướng phê duyệt.

Phối cảnh nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Nguồn ACV
Phối cảnh nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Nguồn ACV

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), cho biết đến nay công tác chuẩn bị và phê duyệt Dự án đã hoàn thành với các công đoạn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán và thực hiện các thủ tục rà phá bom mìn.

Đến nay công tác chuẩn bị khởi công dự án nhà ga T3 đã hoàn tất, nhưng đang đợi bàn giao mặt bằng.

Đối với mặt bằng, phương án sắp xếp tài sản nhà đất theo Nghị định 167 đã được Bộ Quốc phòng hoàn tất, TP. HCM đã có ý kiến đồng thuận và đang lấy ý kiến Bộ tài chínhđể tổng hợp báo cáo Thủ tướng phê duyệt giao đất cho TP.HCM tổ chức giải phóng mặt bằng rồi giao đất cho ACV thực hiện dự án.

Theo ACV, việc đẩy nhanh công tác bàn giao đất để khởi công dự án trong tháng 5/2022 là rất cấp thiết để đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành dự án sau 37 tháng được Thủ tướng phê duyệt.

Do vậy, ACV đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng cho phép bàn giao đất để ACV tiến hành rà phá bom mìn và khởi công dự án trong tháng 5/2022.

Theo quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhà ga hành khách T3, công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất.

Tổng vốn đầu tư của dự án là 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn của ACV (không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước). 

Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư Dự án BOT sân bay Sa Pa từ quý II/2022

Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2, xây dựng cảng hàng không Sa Pa theo hình thức PPP vừa được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt.

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai vừa ký Quyết định số 999/QĐ – UBND phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 – xây dựng cảng hàng không (giai đoạn 1) thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo phương thức PPP. 

Phối cảnh nhà ga hành khách sân bay Sa Pa.
Phối cảnh nhà ga hành khách sân bay Sa Pa.

Dự án có mục tiêu xây dựng cảng hàng không Sa Pa đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C với công suất 1,5 triệu hành khách/năm và sân bay quân sự cấp II.

Dự án bao gồm việc xây dựng 1 đường cất hạ cánh (CHC) kích thước 2.400x45m, lề vật liệu hai bên rộng 7,5m mỗi bên; sân quay tại đầu 32 đường CHC đảm bảo hoạt động máy bay Code C; đường lăn vuông góc dài 298,5m chiều rộng cơ bản 23m, lề vật liệu mỗi bên rộng 10,5m; sân đỗ dân dụng kích thước 295mx110m; đảm bảo 6 vị trí đỗ máy bay A321/A320 và tương đương; hệ thống chiếu sáng, đèn hiệu sân đỗ, đường lăn, đường CHC đồng bộ; hệ thống hàng rào khu bay  chiều dài khoảng 12.000m; xây dựng hệ thống đường công vụ chiều dài khoảng 8 km, bề rộng nền đường 6m; hệ thống tín hiệu dẫn đường, khí tượng; đài chỉ huy cao 43,1m và hệ thống thiết bị đồng bộ…

Điểm nhấn lớn nhất tại Dự án thành phần 2 là xây dựng nhà ga hành khách 1 cao trình, đáp ứng khai thác đến 1,5 triệu hành khách/năm, 600 hành khách/giờ cao điểm diện tích xây dựng nhà ga 12.161m2; xây dựng nhà điều hành cảng hàng không với diện tích 2.538m2, co 03 tầng; xây dựng nhà xe kỹ thuật ngoại trường diện tích 833mư và trạm khẩn nguy cứu hỏa diện tích 451m2.

Bên cạnh đó, Dự án còn đặt mục tiêu xây dựng nút giao khác mức giao cắt với cao tốc Hà Nội – Lào Cai; đường giao thông vào cảng với chiều dài khoảng 1,66km, gồm 2 làn xe, đoạn từ trạm thu phí đến đường cao tốc có bề rộng mặt đường 7m, nền đường 14m; đoạn từ trạm thu phí đến khu hàng không dân dụng có bề rộng mặt đường 6m, nền đường 9m.

Dự án có thời gian hoạt động 50 năm (thời gian xây dựng dự kiến: 3 năm 7 tháng, thời gian vận hành, khai thác và thu hồi vốn là 46 năm 2 tháng); loại hợp đồng dự án là BOT.

Tổng mức đầu tư dự án 3.651,273 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu, vốn vay là 2.990,063 tỷ đồng; vốn nhà nước trong dự án PPP là  661,21 tỷ đồng. Cơ quan có thẩm quyền Dự án là UBND tỉnh Lào Cai; cơ quan ký kết hợp đồng là Sở GTVT – Xây dựng tỉnh Lào Cai; bên mời thầu là Sở GTVT – Xây dựng tỉnh Lào Cai. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư và là đấu thầu rộng rãi trong nước, không sơ tuyển; thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư là từ quý II/2022.

Theo lãnh đạo tỉnh Lào Cai, việc xây dựng sân bay Sa Pa là ước mơ, khát vọng đã hình thành từ rất lâu trong lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và đó cũng là sự mong mỏi của nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai.

Dự án hoàn thành sẽ là bước đột phá lớn về phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh Lào Cai và khu vực trung du và miền núi phía Bắc, là một lực đẩy mạnh mẽ để tăng tốc phát triển kinh tế – xã hội, du lịch và dịch vụ của địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.

Thống nhất phương án tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ

UBND TP. Cần Thơ thống nhất phương án tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ đi trên cao vượt qua sông Hậu và khu đô thị mới Nam Cần Thơ.

Ngày 17/5, Văn phòng UBND TP. Cần Thơ đã có Văn bản số 139/TB-VPUB thông báo Kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè tại buổi họp làm việc với Ban Quản lý Dự án đường sắt về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ đi qua địa phận TP. Cần Thơ.

Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ đi trên cao vượt qua sông Hậu và khu đô thị mới Nam Cần Thơ. Trong ảnh: Khu đô thị Nam Cần Thơ. Ảnh: Anh Khoa
Tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ đi trên cao vượt qua sông Hậu và khu đô thị mới Nam Cần Thơ. Trong ảnh: Khu đô thị Nam Cần Thơ. Ảnh: Anh Khoa

Theo đó, tại cuộc họp làm việc vào ngày 12/5/2022 với Ban Quản lý dự án đường sắt về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ đi qua địa phận TP. Cần Thơ, sau khi nghe Ban Quản lý dự án đường sắt, Sở Giao thông vận tải báo cáo và ý kiến phát biểu của các thành viên dự họp, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè kết luận:

Đề nghị tư vấn thuyết minh thêm về sự cần thiết đầu tư của Dự án cần nói rõ TP. Cần Thơ là một đầu giao thông quan trọng của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, việc đầu tư xây dựng Dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ là rất cần thiết, cần sớm triển khai đầu tư xây dựng trước năm 2030 để đáp ứng yêu cầu phát triển vận tải đường sắt phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và TP. Cần Thơ nói riêng, phục vụ nhu cầu vận tải hành khách và vận chuyển hàng hóa cho cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối với TP.HCM và đi các khu vực khác trên cả nước,…

Về phương án tuyến trên địa bàn TP. Cần Thơ, thống nhất phương án tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ đi trên cao vượt qua sông Hậu và khu đô thị mới Nam Cần Thơ, hướng tuyến trùng với trục đường 1A (theo quy hoạch TP. Cần Thơ) và đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, phù hợp và cơ bản bám theo hướng tuyến theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021) và Quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ (Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 2563/QĐ-BGTVT ngày 27/8/2013); đối với đoạn cuối tuyến tại vị trí nhà ga Cái Răng, thống nhất theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án có điều chỉnh cục bộ hướng tuyến so với quy hoạch chi tiết, do điều chỉnh vị trí ga Cái Răng để đảm bảo kết nối đồng bộ với dự án đường bộ cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.

Thống nhất phương án mở rộng trục đường 1A lộ giới 47m ra mỗi bên khoảng 23m đạt lộ giới 93m (23m+47m+23m), để xây dựng đường cao tốc và đường sắt trong phạm vi giữa đường rộng 47m và đường gom đô thị hai bên rộng 23m. Đồng thời, đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu bổ sung kinh phí đầu tư xây dựng mở rộng trục đường 1A đạt lộ giới 93m và các trục đường bộ kết nối ra – vào nhà ga để đưa vào tổng mức đầu tư dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, nhằm đảm bảo triển khai đầu tư xây dựng và hoàn thành khai thác đồng bộ cùng với tuyến đường sắt.

Về các thông số kỹ thuật chính của dự án, thống nhất về khổ đường, số đường chính tuyến, tốc độ thiết kế… theo quy mô kỹ thuật đường sắt tốc độ cao.

Về vị trí và chức năng ga Cái Răng trên địa bàn TP. Cần Thơ, thống nhất theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án có điều chỉnh vị trí ga Cái Răng so với quy hoạch chi tiết được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tại Quyết định số 2563/QĐ-BGTVT ngày 27/8/2013, để đảm bảo kết nối đồng bộ giữa đường sắt và đường bộ cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. Vị trí ga được bố trí song song về phía Bắc của Tuyến nối Quốc lộ 91 với đường Nam Sông Hậu (cách khoảng 0,5 km), về phía Tây Nam của Cảng Cái Cui (cách khoảng 3,5 km) và về phía Tây của nút giao IC2 thuộc dự án đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (cách khoảng 1,5 km). Diện tích ga dự kiến là 26,1 ha với chức năng là ga đón trả khách cuối tuyến, có các tác nghiệp xếp dỡ hàng hóa,… đáp ứng quy mô hoàn chỉnh theo chức năng nhà ga cuối hành khách, hàng hóa.

UBND TP. Cần Thơ đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt xem xét điều chỉnh tên “ga Cái Răng” thành tên “ga Cần Thơ” để phù hợp theo ý nghĩa là ga cuối trên địa bàn TP. Cần Thơ.

Tại Văn bản nêu trên, UBND TP. Cần Thơ giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND quận Cái Răng nghiên cứu bố trí quy hoạch quỹ đất để phát triển mô hình TOD xung quanh phạm vi của nhà ga nhằm tăng tính hấp dẫn, tăng khối lượng hàng hóa và hành khách cho đường sắt, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đồng thời, đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt và đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án về quy mô và vị trí đối với các khu quỹ đất dự kiến phát triển TOD và phát triển logistics xung quanh phạm vi của nhà ga đảm bảo phù hợp, đồng bộ và làm cơ sở để cập nhật, tích hợp vào các quy hoạch của TP. Cần Thơ.

Đồng thời, giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan rà soát, bổ sung quy hoạch các trục đường bộ kết nối ra – vào nhà ga, các bãi hang của nhà ga, các khu đất phát triển TOD và logistics xung quanh nhà ga để cập nhật, bổ sung hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và cập nhật, tích hợp vào các quy hoạch của TP. Cần Thơ làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng và hoàn thành khai thác đồng bộ cùng với tuyến đường sắt.

Hoàn thiện thủ tục cam kết vốn ngân sách địa phương cho 3 dự án cao tốc

Công điện của Thủ tướng về các dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Biên Hòa – Vũng Tàu và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Công điện số 418/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện thủ tục cam kết vốn ngân sách địa phương tham gia các Dự án thành phần thuộc các dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Biên Hòa – Vũng Tàu và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1.

Công điện gửi: Đồng chí Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, nêu rõ:

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã định hướng đột phá chiến lược về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội”, trong đó xác định ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông. Đồng thời, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 đã đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.

Các tuyến đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Biên Hòa – Vũng Tàu và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng là các dự án trọng điểm quốc gia, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên, là các tuyến theo trục ngang kết nối trực tiếp với các đường trục dọc hiện có và đang triển khai đầu tư (Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc – Nam phía Đông), tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội chung của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trách nhiệm của Chính phủ, địa phương là phải sớm hoàn thành các dự án này, do vậy đòi hỏi phải có sự chung tay của tất cả các bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc chuẩn bị đầu tư, huy động tối đa mọi nguồn lực và tập trung triển khai đầu tư để bảo đảm cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.

Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương đầu tư 3 dự án này bằng vốn đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua đều đã có văn bản cam kết bố trí ngân sách địa phương tham gia dự án. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước, yêu cầu phải có nghị quyết của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố thông qua số vốn ngân sách địa phương tham gia các dự án thành phần mới đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các dự án nêu trên.

Để kịp thời gian trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ đề nghị:

Đồng chí Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua chỉ đạo, tổ chức họp Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố để xem xét thông qua số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách địa phương cam kết tham gia các dự án thành phần (bao gồm mức vốn, tiến độ bố trí vốn).

Trường hợp tăng tổng mức đầu tư so với quyết định chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải chịu trách nhiệm bố trí đủ số vốn tăng thêm tương ứng từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của địa phương được giao hoặc từ các nguồn vốn hợp pháp khác như tăng thu, tiết kiệm chi theo quy định); có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân trước ngày 30 tháng 5 năm 2022, đồng thời gửi Bộ Giao thông vận tải để tổng hợp trình Quốc hội.

Phấn đấu hoàn thành Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào năm 2025

Việc triển khai thiết kế, thi công Nhà ga hành khách, Đường cất hạ cánh phấn đấu khởi công vào quý IV/2022; hoàn thành toàn bộ Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào năm 2025.

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 147/TB-VPCP ngày 18/5/2022 kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi kiểm tra tiến độ triển khai Dự ánCảng hàng không quốc tế Long Thành.

Trong giai đoạn 1, trên diện tích 1.810 ha, sân bay Long Thành được đầu tư xây dựng 1 đường băng, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Ảnh: Lê Toàn
Trong giai đoạn 1, trên diện tích 1.810 ha, sân bay Long Thành được đầu tư xây dựng 1 đường băng, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Ảnh: Lê Toàn

Thông báo nêu rõ, công tác triển khai hạng mục nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh của Cảng hàng không quốc tế Long Thành cơ bản đáp ứng được tiến độ đề ra. Việc giải phóng mặt bằng, bàn giao diện tích đất giai đoạn 1 cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã xác định Dự án hoàn thành vào năm 2025, các đơn vị phải có quyết tâm lớn, công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát phải tiến hành thường xuyên, liên tục.

Để khẩn trương triển khai Dự án đáp ứng tiến độ, chất lượng yêu cầu, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo: Thời gian thực hiện Dự án còn lại không nhiều (gần 4 năm), với đòi hỏi của dự án quan trọng quốc gia về kiến trúc, chất lượng xứng tầm với vị thế quốc gia, yêu cầu công tác điều hành phải khoa học, quá trình triển khai phải nỗ lực, tích cực từ người công nhân, cán bộ kỹ thuật, đến Ban quản lý dự án cũng như các nhà thầu, tư vấn, hệ thống chính trị của địa phương và các Bộ, ngành để hoàn thành công trình đáp ứng yêu cầu đề ra.

Các đơn vị liên quan tiếp tục duy trì hoạt động công trường như nhịp độ hiện nay; rà soát, xây dựng tiến độ, xác định các công việc/hạng mục công trình trên đường găng đối với tất cả các các gói thầu, hạng mục công trình của Dự án để làm cơ sở triển khai, kiểm soát; tổ chức giao ban hàng tháng để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, duy trì tiến độ theo yêu cầu.

Công tác giải phóng mặt bằng rất khó khăn, nhưng nếu tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông để vận động, tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, hiệu quả của Dự án để Nhân dân hiểu rõ, sẽ nhận được sự đồng thuận của Nhân dân và tạo thuận lợi hơn trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Yêu cầu hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 30 tháng 6 năm 2022.

Phó thủ tướng khẳng định đây là dự án quan trọng quốc gia, việc đầu tư các tuyến giao thông kết nối là cần thiết và phải sớm triển khai. Tuy nhiên, các tuyến giao thông phải đi trước, đón đầu, có tính đến sự phát triển sau này về gia tăng quy mô của Dự án, sự phát triển của khu vực và kết nối vùng miền. Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai nghiên cứu, đề xuất cơ quan triển khai.

Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu, đề xuất mở rộng tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và tuyến đường song song với cao tốc này để bảo đảm nhu cầu kết nối, không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Phó thủ tướng yêu cầu Ban quản lý dự án giám sát chặt chẽ việc triển khai thi công của các nhà thầu, bảo đảm thời gian thi công của các hạng mục trên đường găng tiến độ; chú trọng đặc biệt đến chất lượng công trình, bảo đảm tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định, quy trình, quy phạm; tuyệt đối không để xảy ra tư lợi cá nhân. Chỉ đạo các nhà thầu xây dựng phương án thi công thích ứng với mùa mưa sắp tới, không để gián đoạn, ngừng nghỉ trên công trường dẫn đến chậm tiến độ.

Đồng thời, yêu cầu tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế thực hiện đầy đủ công tác giám sát thi công, giám sát quyền tác giả theo quy định; tiến hành giám sát chéo giữa các đơn vị liên quan, tuân thủ đầy đủ các quy định, bảo đảm công trình đạt chất lượng ở mức cao nhất.

Việc triển khai thiết kế, thi công Nhà ga hành khách, Đường cất hạ cánh thực hiện theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại Thông báo số 105/TB-VPCP ngày 07/4/2022 của Văn phòng Chính phủ. Phấn đấu khởi công vào quý IV/2022.

Đấu thầu xây dựng khu tái định cư dự án Khu đô thị Làng Đại học Đà Nẵng

Khu tái định cư phục vụ dự án Khu đô thị Làng Đại học Đà Nẵng, tổng mức đầu tư 227 tỷ đồng, sẽ được TP.Đà Nẵng tổ chức đấu thầu.

Theo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị TP.Đà Nẵng, đơn vị đang triển khai đấu thầu thi công xây dựng khu tái định cư đối với dự án Khu đô thị Làng Đại học Đà Nẵng.

Khu vực Dự án Làng Đại học Đà Nẵng.
Khu vực dự án Làng Đại học Đà Nẵng.

Theo đó, dự án khu tái định cư phục vụ phát triển dự án Khu đô thị Làng Đại học Đà Nẵng (khu vực phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) có tổng mức đầu tư 227 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Thành phố Đà Nẵng.

Dự án đang thực hiện đấu thầu rộng rãi để chọn nhà thầu thi công gói thầu Xây lắp toàn bộ hạng mục công trình có giá dự toán 164,6 tỷ đồng; thời gian thực hiện 270 ngày, thời gian hoàn thành vào năm 2023. Việc đấu thầu chọn nhà thầu thi công dự kiến đóng thầu ngày 23/5/2022.

Trước đó, kiểm tra thực tế tại Làng Đại học Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nguyễn Kim Sơn yêu cầu triển khai nhanh các giai đoạn của dự án.

 Dự án Làng Đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 1997, tổng diện tích gần 300ha, trong đó Quảng Nam 190ha, Đà Nẵng hơn 110ha.

Đến ngày 25/2/2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Nhiệm vụ quy hoạch phân khu 1/2000” với quy mô khoảng 286,5ha, gồm 96,5ha thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) và 190ha thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam tại Quyết định 227/QĐ-TTg. Đến nay, trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã giải phóng mặt bằng được 79 ha/110ha.

Hiện đã có 3 đơn vị đã sinh hoạt trong dự án Làng Đại học Đà Nẵng gồm: Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, Trung tâm giáo dục Quốc phòng, Khoa Y dược, với khoảng 4.000 sinh viên đang học tập. Ngoài ra, tòa nhà làm việc của Đại học Sư phạm Kỹ thuật; Tòa nhà của Khoa Y dược đang được hoàn thiện, dự kiến cuối tháng 4/2022 sẽ bàn giao và đưa vào sử dụng. Đây là 2 tòa nhà thuộc công trình cấp thiết 200 tỷ đồng mà Bộ Giáo dục đã bố trí vốn.

Hai ngân hàng cam kết tài trợ vốn xây cao tốc kết nối Cao Bằng với Lạng Sơn

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng và Ngân hàng TMCP Tiên Phong cam kết tài trợ tối đa 7.811 tỷ đồng để xây tuyến cao tốc Lạng Sơn – Đồng Đăng – Trà Lĩnh theo phương thức PPP.

Quang cảnh buổi ký thỏa thuận hợp tác
Quang cảnh buổi ký thỏa thuận hợp tác

Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cùng đại diện hai ngân hàng tài trợ vốn vừa có thoả thuận hợp tác đầu tư với hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) và Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng.

Đây là 2 dự án được Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Đèo Cả triển khai sớm để thông tuyến cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn lên tới cửa khẩu Hữu Nghị và kết nối 2 tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng theo phương thức PPP.

Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của buổi thỏa thuận hợp tác là sự kết nối, hợp tác đầu tư giữa 3 bên: Tập đoàn Đèo Cả; chính quyền 2 địa phương và 2 ngân hàng.

Cụ thể, tại Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng), UBND tỉnh Cao Bằng cam kết bố trí vốn và giải ngân phần vốn Ngân sách Nhà nước theo đúng tiến độ, nhu cầu của Dự án, trong đó ưu tiên công tác giải phóng mặt bằng – tái định cư; thống nhất với Nhà đầu tư về tiến độ thực hiện Dự án báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm công bố cho người dân giám sát quá trình tổ chức thực hiện trong đó xác định trách nhiệm của các bên liên quan (Trung ương , Địa phương, các Nhà đầu tư , các Ngân hàng …) làm cơ sở cam kết thực hiện đảm bảo tiến độ Dự án.

UBND tỉnh Cao Bằng còn cam kết, đồng hành và tạo mọi điều kiện tốt nhất để giải quyết các thủ tục đầu tư triển khai đảm bảo tiến độ các dự án kết nối cao tốc, các dự án bất động sản, Khu công nghiệp, dịch vụ Logistics, Khu kinh tế cửa khẩu, Nhà đầu tư khai thác các công trình dịch vụ của Dự án như trung tâm điều hành, trạm dừng nghỉ kiểm tra kỹ thuật – Bảo trì – Cứu hộ cứu nạn, dịch vụ quảng cáo…nhằm tạo nguồn lực cho tỉnh và các Nhà đầu tư tham gia thực hiện Dự án cao tốc.

Liên danh nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu cam kết thực hiện việc lập đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi theo đúng quy định pháp luật về đầu tư PPP.

Các nhà đầu tư sẽ phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng để làm việc với các cơ quan có thẩm quyền liên quan trong quá trình thẩm định phê duyệt Chủ trương đầu tư điều chỉnh, phê duyệt Dự án; nghiên cứu các phương án kết nối với Dự án một cách tối ưu để phát huy lợi thế cho khu vực mà dự án đi qua cũng như kết nối với các khu vực được quy hoạch, cảng cạn ICD, các Khu công nghiệp, dịch vụ, logistics,…

Liên danh Nhà đầu tư cam kết huy động đầy đủ các nguồn lực, tham gia góp vốn đảm bảo theo phương án tài chính được Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đề xuất hoặc tham gia đăng ký đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án khác trên địa bàn tỉnh Cao Bằng và cam kết sử dụng lợi nhuận từ các dự án này đầu tư vào Dự án cao tốc.

Cũng tại Dự án này, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cam kết, sau khi Dự án khả thi đã được Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nếu Liên danh Nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện để nhận cấp tín dụng tại VPBank theo quy định pháp luật, Ngân hàng cam kết về nguyên tắc sẽ phát hành Bảo lãnh dự thầu, Bảo lãnh thực hiện hợp đồng theo quy định của Hồ sơ mời thầu; tài trợ khoản  tín dụng tối đa khoảng 4.300 tỷ đồng theo tiến độ của Dự án (số liệu được thống nhất cụ thể theo phương án tài chính của Liên danh Nhà đầu tư thực hiện dự án do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu) trong thời gian hoàn vốn tín dụng tối đa 18 năm.

Tại Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng, UBND tỉnh Lạng Sơn cam kết bố trí vốn và giải ngân phần vốn Ngân sách Nhà nước theo đúng tiến độ, nhu cầu của Dự án, trong đó ưu tiên công tác Giải phóng mặt bằng – Tái định cư; thống nhất với Nhà đầu tư về tiến độ thực hiện Dự án báo cáo Thủ tướng chính phủ nhằm công bố cho người dân giám sát quá trình tổ chức thực hiện trong đó xác định trách nhiệm của các bên liên quan (Trung ương , Địa phương, các Nhà đầu tư , các Ngân hàng …) làm cơ sở cam kết thực hiện đảm bảo tiến độ Dự án.

UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ báo cáo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết để đảm bảo Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu cho dự án theo Luật PPP và quy định pháp luật có liên quan.

Liên danh nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả sẽ thực hiện việc lập đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi theo đúng quy định pháp luật về đầu tư PPP. Phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn để làm việc với các cơ quan có thẩm quyền liên quan trong quá trình thẩm định phê duyệt Chủ trương đầu tư điều chỉnh, phê duyệt Dự án; nghiên cứu các phương án kết nối với Dự án một cách tối ưu để phát huy lợi thế cho khu vực mà dự án đi qua cũng như kết nối với các khu vực được quy hoạch, cảng cạn ICD, các Khu công nghiệp, dịch vụ, logistics,…

Liên danh Nhà đầu tư cam kết huy động đầy đủ các nguồn lực, tham gia góp vốn đảm bảo theo phương án tài chính được Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Tại Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng, ngân hàng TMCP Tiên Phong sẽ tiếp nhận hồ sơ và thẩm định dự án.

Ngân hàng sẽ đánh giá tính khả thi và trình chủ trương cấp hạn mức tín dụng tối đa 3.511 tỷ đồng phù hợp với các quy định của Ngân hàng Tiên phong, Ngân hàng Nhà nước và quy định của pháp luật. Trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Tiên Phong và các ngân hàng khác tổ chức hợp vốn để đồng tài trợ đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án.

Tạo nguồn lực phát triển đường cao tốc

Nhu cầu vốn ngân sách nhà nước cho phát triển đường cao tốc trong thời gian tới là rất lớn. Do đó, việc tạo nguồn cho đầu tư phát triển cao tốc là cần thiết.

Nếu không có gì thay đổi, vào giữa tuần này, Bộ Giao thông – Vận tải sẽ phải có ý kiến chính thức gửi Bộ tài chính về các nội dung tại dự thảo hồ sơ báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư theo cơ chế giá.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước có thể khởi động việc thu phí sử dụng đường bộ đối với các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư. Tiến độ xây dựng, hoàn thiện dự thảo văn bản pháp lý này là rất gấp, bởi chỉ còn khoảng 7 tháng nữa là 4 Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 sẽ hoàn thành. Nếu không có sự chấp thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong vòng 3 tháng tới, thì đến ngày 1/1/2023 sẽ có tới 8 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư phải “thả rông”, gây lãng phí lớn.

Việc đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc đòi hỏi chi phí đầu tư xây dựng cũng như quản lý, vận hành, bảo trì rất lớn.
Việc đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc đòi hỏi chi phí đầu tư xây dựng cũng như quản lý, vận hành, bảo trì rất lớn.

Tuy nhiên, việc đầu tư hệ thống đường bộ cao tốc đòi hỏi chi phí đầu tư xây dựng cũng như quản lý, vận hành, bảo trì rất lớn.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông – Vận tải, để thực hiện mục tiêu 5.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đến năm 2020 đã hoàn thành 1.163 km với số vốn ngân sách nhà nước bố trí khoảng 70.000 tỷ đồng; nhu cầu các nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2030 khoảng 813.000 tỷ đồng, tương đương 80.000 tỷ đồng/năm, trong khi mỗi năm, Chính phủ chỉ có thể cân đối tối đa khoảng 25.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khi các công trình đường cao tốc được đưa vào khai thác, cần duy trì nguồn kinh phí hàng năm đủ và kịp thời cho công tác quản lý, vận hành, bảo trì.

Dự kiến đến năm 2025, tổng nhu cầu kinh phí quản lý, bảo trì trong giai đoạn 2021 – 2025 là 9.067 tỷ đồng, bình quân 1.813 tỷ đồng/năm. Như vậy, nhu cầu vốn ngân sách nhà nước cho công tác đầu tư xây dựng mới và quản lý vận hành, bảo trì các tuyến đường cao tốc trong thời gian tới là rất lớn. Do đó, việc tạo nguồn cho đầu tư phát triển cao tốc là cần thiết.

Kinh nghiệm của một số nước có hệ thống đường bộ cao tốc phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc… cho thấy, mạng lưới đường bộ cao tốc đều được tổ chức thu hồi vốn để có nguồn cho việc quản lý, vận hành, bảo trì và tái đầu tư. Chính vì vậy, việc triển khai nghiên cứu xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư nhà nước đối với các tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư là hết sức cần thiết nhằm tạo nguồn thu, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong quản lý, vận hành, bảo trì và đầu tư phát triển hệ thống đường bộ cao tốc trong giai đoạn tới. Việc này còn tạo sự công bằng, hợp lý với tuyến cao tốc đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa, nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng đường cao tốc.

Để chủ trương trên phát huy tối đa hiệu quả, ngay từ bây giờ, các cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương xây dựng các phương án để thu hồi vốn đầu tư, trong đó tập trung vào việc đấu giá quyền thu phí; đầu tư công, quản trị tư theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với thời gian nhượng quyền 5 – 10 năm, qua đó lựa chọn được phương án hiệu quả.

Không chỉ giúp Nhà nước có ngay một khoản kinh phí lớn để tái đầu tư, việc đấu thầu quyền thu phí các tuyến cao tốc này – nếu thực hiện một cách công khai, minh bạch – còn giúp điều hòa, phân bố lại giao thông tại các khu vực, tránh gây quá tải, dẫn tới hư hỏng công trình. Nếu mức thu hợp lý, tổ chức thu minh bạch, nhất định người dân sẽ ủng hộ chủ trương quan trọng này, qua đó sớm cụ thể hóa khát vọng hoàn thành 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030 theo mục tiêu mà Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Công ty cổ phần sợi EIFFEL (DamSan Group) ký kết hợp tác với Tập đoàn ET Solar

Ngày 19/5, Công ty CP sợi EIFFEL (DamSan Group) ký kết hợp tác với Tập đoàn ET Solar đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất tấm silicon tại cụm công nghiệp An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Dự án nhà máy sản xuất tấm silicon (ứng dụng trong ngành công nghiệp bán dẫn và năng lượng mặt trời) của Tập đoàn ET Solar có tổng mức đầu tư 98 triệu USD, xây dựng trên diện tích 6,8 ha tại cụm công nghiệp (CCN) An Ninh, Tiền Hải, Thái Bình, do Công ty cổ phần DamSan làm chủ đầu tư. Khi đi vào hoạt động, nhà máy dự kiến sản xuất 300 triệu tấm/năm, doanh thu khoảng 280 triệu USD/năm, mang lại nguồn thuế từ 400 tỷ đồng/năm cho tỉnh, tạo việc làm trên 1.000 lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Tại buổi làm việc, ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần DamSan cho biết: Đầu tư vào công nghiệp năng lượng tái tạo điện mặt trời là xu thế của thời đại để tạo ra cuộc sống xanh, sạch cho hôm nay và tương lai.

Nhận thức được điều này, DamSan tiên phong đầu tư vào năng lượng mặt trời với Công ty AD Green công suất 3GW điện/năm tại CCN An Ninh, Tiền Hải với quyết định chuyển CCN An Ninh mở rộng 75 ha thành CCN sản xuất năng lượng mặt trời. DamSan rất yên tâm khi mời được đối tác là ET Solar Group, một doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực năng lượng mặt trời đã đầu tư ở nhiều nước như Singapore, Hồng Kông, Campuchia trở thành đối tác hợp tác đầu tư theo định hướng phát triển CCN An Ninh.

Cùng với Nhà máy AD Green, việc ký kết hợp tác thỏa thuận đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất tấm silicon tại CCN An Ninh giữa Công ty cổ phần sợi EIFFEL (DamSan Group) và Tập đoàn ET Solar là hợp tác vô cùng quan trọng trong việc thực hiện định hướng phát triển CCN An Ninh, tạo nền móng thuận lợi cho việc tiếp tục thu hút các nhà đầu tư ngành năng lượng mặt trời xây dựng chuỗi sản xuất khép kín, phát triển bền vững, tạo đà cho sự phát triển kinh tế xanh của Thái Bình. Đây là hợp tác thắng lợi giữa 2 doanh nghiệp cũng như đánh dấu mốc phát triển công nghiệp xanh của tỉnh.

Ông Vũ Huy Đông bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo,

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*