Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục xu hướng điều chỉnh mạnh trong tuần giao dịch 9-13/5. Chỉ số VN-Index một lần nữa đánh mất thêm ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.200 điểm khi giảm mạnh trong phiên thứ Hai và hai phiên cuối tuần, tổng cộng ba phiên cuốn đi gần 120 điểm. Như vậy sau 4 năm miệt mài tìm kiếm thêm đỉnh cao mới, chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm không phanh hơn 340 điểm từ mức 1.522,9 của đầu tháng 4/2022 (tức chỉ trong vòng khoảng 1 tháng) để quay trở lại vùng đỉnh năm 2018.
Xét theo mức độ đóng góp, những bluechips như VCB, MSN, TCB hay HPG trở thành những tác nhân chính gây ảnh hưởng tiêu cực nhất khiến VN-Index giảm mạnh, riêng VCB đã lấy đi gần 8 điểm của chỉ số chính TTCK Việt Nam.
Đóng cửa tuần, VN-Index giảm 146,49 điểm (-11.02%) về mức 1.182,77, còn HNX-Index giảm 41,07 điểm (-11,96%) xuống 302.39 và UPCoM-Index giảm 3% xuống mức 93,61 điểm. Thanh khoản thị trường trong tuần vẫn ở mức khá thấp bất chấp thị trường chỉnh sâu cho thấy dòng tiền vẫn đang khá hờ hững với việc bắt đáy, giá trị giao dịch trên toàn thị trường bình quân đạt 19.200 tỷ đồng/phiên.
Về giao dịch nhà đầu tư nước ngoài, diễn biến tuần qua ghi nhận là điểm sáng hiếm hoi khi họ tổng cộng mua ròng 1.752 tỷ đồng trên toàn thị trường. Cụ thể, nếu chỉ xét trên kênh khớp lệnh thì nhà đầu tư ngoại vẫn tiếp tục mua ròng 1.166 tỷ đồng. Bên cạnh đó, họ đẩy mạnh mua ròng thêm 586 tỷ đồng trên kênh thỏa thuận – tập trung trong phiên cuối tuần, qua đó nới rộng đà mua ròng chung.
Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, trong tuần qua, dòng tiền ngoại ghi nhận giá trị giao dịch mua ròng mạnh nhất tại chứng chỉ quỹ FUEVFVND. Cụ thể, nhà đầu tư ngoại mua ròng hơn trăm tỷ đồng khớp lệnh, còn chủ yếu tập trung mua ròng thoả thuận tới gần 440 tỷ đồng, đặc biệt trong phiên cuối tuần.
Đồng thời, nhà đầu tư ngoại cũng tỏ ra ưa thích DGC khi mua ròng gần 300 tỷ đồng trong cả tuần. Các mã cổ phiếu khác như CTG, VHM, NLG cũng đứng vị trí cao trong danh sách mua ròng của khối ngoại trong tuần qua với giá trị mua ròng đều trên 100 tỷ đồng.
Ngược lại, lực bán bán của khối ngoại tập trung tại mạnh tại ‘anh cả’ ngành thép HPG giá trị 143 tỷ đồng. Giá trị bán ròng trên trăm tỷ cũng được ghi nhận tại NVL và VCB. Các cổ phiếu này trong tuần vừa qua cũng vận động không mấy khởi sắc, thị giá HPG kết phiên 13/5 đạt 35.900 đồng/cp, giảm hơn 14% chỉ trong một tuần. Tương tự, NVL và VCB cũng lần lượt điều chỉnh giảm 7% và 8% sau 5 phiên giao dịch.
Các mã bị bán ròng trong tuần qua còn có E1VFVN30, DXG, PLX, SBT….
Trên sàn HoSE, bất chấp áp lực bán tháo mạnh trên nhiều nhóm cổ phiếu, khối ngoại ghi nhận mua ròng trong phiên thứ 2 (9/5), thứ 3 (10/5) và thứ 6 (13/5), còn lại hai phiên thứ 4 và thứ 5 đều bán ròng. Tuy nhiên, nhờ giá trị mua ròng trong các phiên cao hơn nhiều so với giá trị bán ròng nên tổng giá trị mua ròng cả tuần đạt 1.682 tỷ đồng. Cụ thể, nhà đầu tư ngoại mua ròng 1095 tỷ đồng thông qua khớp lệnh trên sàn, và mua ròng thêm 587 tỷ đồng thông qua giao dịch thỏa thuận.
Chứng chỉ quỹ FUEVFVND là tâm điểm mua ròng tuần qua với giá trị 647 tỷ đồng, chủ yếu nhờ giao dịch thoả thuận cuối tuần khi mã này thu hút gần 588 tỷ đồng. Lực mua ròng của khối ngoại trên trăm tỷ trong tuần qua còn ghi nhận tại DGC (288 tỷ), CTG (152 tỷ), VHM (139 tỷ) và NLG (122 tỷ). Hầu hết những cổ phiếu trên đều diễn biến tiêu cực trong tuần qua khi ghi nhận giảm so với mức giá cuối tuần trước.
Ngoài ra, hàng loạt cổ phiếu được mua ròng còn có DPM, BCM, GMD, VRE…
Tại chiều bán, tâm điểm dòng vốn ngoại rút ròng là cổ phiếu HPG với giá trị là 143 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng các cổ phiếu NVL và VCB với giá trị đều trên 100 tỷ đồng, cụ thể là 103 tỷ và 100 tỷ đồng. Các mã khác như E1VFVN30, DXG, PLX, SBT, PVD… cũng đều bị bán ròng trong 5 phiên giao dịch của tuần vừa qua.
Trên sàn HNX, khối ngoại cũng đồng thuận mua ròng khoảng 5 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng khớp lệnh 6 tỷ và bán ròng 1 tỷ đồng qua thỏa thuận.
Khối ngoại mua ròng trên sàn HNX mạnh nhất tại cổ phiếu PVS với 41 tỷ đồng. Ngoài ra, hai mã PVI và TNG cũng được khối ngoại mua ròng lần lượt 14 tỷ và 4 tỷ đồng. Các cổ phiếu được mua ròng trong tuần qua còn có IVS, DNM, IDV, BVS…
Trong khi đó, giao dịch chiều bán tại HNX ghi nhận cổ phiếu SHS bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 31 tỷ đồng. Theo sau là VCS và THD với giá trị bán ròng tại mỗi mã khoảng 12 tỷ đồng. Những cái tên trong danh sách bán ròng nhiều nhất sàn HNX trong tuần qua còn có DP3, PSD, PLC, CLH…
Trên sàn UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng 65 tỷ đồng, toàn bộ ghi nhận tại kênh khớp lệnh ghi nhận họ mua vào 103 tỷ và bán ra tỷ đồng; giao dịch thoả thuận mua vào và bán ra đồng thời 16 tỷ đồng.
Cổ phiếu dầu khí BSR tuần này được nhà đầu tư ngoại mua ròng nhiều nhất với khoảng 26 tỷ đồng, toàn bộ đều qua mua khớp lệnh. Ngoài ra, dòng vốn ngoại cũng tìm đến QTP và QNS với giá trị mua ròng mỗi cổ phiếu ghi nhận lần lượt là 9 tỷ đồng và 7 tỷ đồng. Danh sách mua ròng trong tuần qua còn có CLX, SIP, ACV, CSI, VTP với giá trị đều trên 1 tỷ đồng.
Tại phía bán ra, cổ phiếu MFS và GHC này dẫn đầu danh sách bán ròng khi bị khối ngoại bán ròng lần lượt khoảng 2 tỷ đồng và 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu bị bán ròng từ nhà đầu tư ngoại tuần qua trên UPCoM còn có EIC, TCW, FOC, SGI…
https://babfx.com/bat-chap-thi-truong-chinh-sau-khoi-ngoai-van-miet-mai-mua-rong-gan-1800-ty-dong-trong-tuan-9-13-5-dau-la-cai-ten-duoc-gom-manh-nhat-20220514085152119.chn
Để lại một phản hồi