Bất chấp thị trường chung ảm đạm, nhiều doanh nghiệp triển khai kế hoạch tăng vốn

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong vòng hơn 1 tháng qua đã có đợt điều chỉnh sâu, VN-Index giảm từ vùng 1.530 điểm về 1.238,8 điểm, giảm 19%. Cùng với chỉ số, thanh khoản thị trường có xu hướng giảm liên tục trong giai đoạn này, giá trị giao dịch bình quân tháng 4 đạt 26.299 tỷ đồng/phiên, giảm 15,6% so với bình quân quý I/2022. Sang những phiên đầu tháng 5, thanh khoản chỉ đạt bình quân 18.916 tỷ đồng/phiên, giảm 28% so với bình quân tháng trước.

Bất chấp thị trường chung ảm đạm, nhiều doanh nghiệp triển khai kế hoạch tăng vốn - Ảnh 1.

Nguồn: TradingView

Do vậy, bất chấp thị trường chung ảm đạm trong ngắn hạn, nhiều doanh nghiệp vẫn “rục rịch” triển khai chào bán theo kế hoạch đã được cổ đông thông qua.Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định việc điều chỉnh chỉ mang tính ngắn hạn, TTCK Việt Nam vẫn còn nguyên các yếu tố hỗ trợ tích cực mang tính nền tảng từ kinh tế vĩ mô và nội tại thị trường. Vì vậy, trong tương lai, TTCK Việt Nam sẽ phát triển ngày càng hoàn thiện hơn, chất lượng hơn, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung, dài hạn chủ yếu, quan trọng của nền kinh tế, doanh nghiệp; đồng thời là kênh đầu tư hấp dẫn, an toàn, hiệu quả.

Cụ thể, Công ty cổ phần công nghệ viễn thông Sài Gòn (Saigontel, HoSE: SGT ) vừa công bố Nghị quyết HĐQT thông qua phương án phát hành chi tiết chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phương án sử dụng vốn. Doanh nghiệp sẽ phát hành hơn 74 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 1:1 cho cổ đông hiện hữu. Vốn điều lệ Saigontel dự kiến gấp đôi từ 740 tỷ đồng lên 1.480 tỷ đồng. Thời điểm thực hiện sau khi được UBCK chấp thuận và dự kiến trong quý II, III.

Giá chào bán 10.000 đồng/cp, công ty muốn huy động 740 tỷ đồng cho mục tiêu bổ sung vốn lưu động (34 tỷ đồng), thanh toán các khoản nợ vay để nâng cao khả năng tự chủ về vốn, giảm áp lực tài chính (706 tỷ đồng).

Tương tự như nhiều cổ phiếu khác, mã chứng khoán SGT cũng có đà giảm giá 18,5% trong vòng 1 tuần qua về vùng 27.550 đồng/cp.

Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco, HoSE: HAX ) đang tiến hành phương án phát hành thêm 56,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức 2021 và chào bán cho cổ đông hiện hữu. Trong đó, công ty chào bán 49,5 triệu đơn vị cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 1:1. Với giá chào bán 12.000 đồng, Haxaco kỳ vọng thu được 594 tỷ đồng để đầu tư cho việc mở thêm đại lý kinh doanh Mercedes – Benz.

Trên thị trường, cổ phiếu HAX ghi nhận đà lao dốc mạnh từ vùng 39.500 đồng/cp cuối tháng 3 về 19.950 đồng/cp hiện nay, tức giảm gần phân nửa.

Hay Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco, HNX: LAF) – đơn vị thành viên Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) thông triển khai phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Công ty dự kiến phát hành 4,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ phát hành 30% và giá chào bán 15.000 đồng/cp. Vốn điều lệ tăng từ 147 tỷ đồng lên 191 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ phát hành 290.000 cổ phiếu ESOP, giá 10.000 đồng/cp.

Số tiền thu được từ 2 đợt chào bán cổ phiếu khoảng 69 tỷ đồng để mua sắm máy móc thiết bị nâng cao năng lực sản xuất, bổ sung vốn lưu động. Đây là lần tăng vốn đầu tiên của Lafooco tính từ 2011 đến nay. Thời điểm thực hiện cả 2 phương án phát hành trong 2022, sau khi được UBCK chấp thuận.

Nhìn chung, thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực đã ảnh hưởng khá lớn đến kế hoạch huy động vốn của doanh nghiệp. Trong vòng hơn 2 tháng qua, nhiều doanh nghiệp triển khai kế hoạch chào bán cổ phiếu tăng vốn nhưng chưa thành công. Chứng khoán Trí Việt (HoSE: TVB) chốt danh sách cổ đông phát hành 112 triệu cổ phiếu giá 15.000 đồng/cp vào ngày 14/4. Công ty vừa công bố gia hạn thời gian phân phối cổ phiếu từ 2/6 sang 17/7 với mục tiêu tạo điều kiện cho cổ đông có thêm thời gian chuẩn bị cũng như đảm bảo đợt phát hành thành công.

Tương tự, Công ty sản xuất kinh doanh dược và trang thiết bị y tế Việt Mỹ (HNX: AMV) thông báo gia hạn thời gian đăng ký mua cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu từ 4/5 sang 31/5. Công ty Khoáng sản miền Đông AHP (UPCoM: BMJ) gia hạn từ 13/4 đến 17/5.

Bất chấp thị trường chung ảm đạm, nhiều doanh nghiệp triển khai kế hoạch tăng vốn - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng hợp

Một vài đơn vị đã phải hoãn phương án phát hành để chờ thời điểm thuận lợi hơn như Hodeco (HoSE: HDC) và Chứng khoán Tiên Phong (HoSE: ORS). Hay Louis Capital (HoSE: TGG) phải hủy phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ đã được thông qua từ kỳ họp ĐHĐCĐ bất thường diễn ra cuối tháng 11/2021 và thay bằng kế hoạch khác phù hợp với diễn biến thị trường hơn.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*