Hãng gà rán KFC tại Trung Quốc tuần này triển khai chiến dịch khuyến mãi tặng kèm ba món đồ chơi Pokemon khác nhau trong suất ăn dành cho trẻ em nhân dịp Tết Thiếu nhi 1/6.
Trong ba món quà, đồ chơi vịt nhảy Psyduck, với vẻ ngoài dễ thương và có thể vỗ cánh, lắc lư khi phát nhạc, đã nhanh chóng hết hàng, theo China News Service. Làn sóng sốt vịt Psyduck gợi nhớ đến cảnh người Trung Quốc săn tìm món đồ lưu niệm linh vật Băng Đôn Đôn của Olympic Bắc Kinh mùa đông hồi đầu năm.
Một trong những yếu tố gây sốt là những người có được đồ chơi này đã dán những tờ giấy nhớ ghi thông điệp vui vẻ lên cánh vịt và chia sẻ lên mạng, tạo thành trào lưu. Một giáo viên viết hai tờ giấy nhớ ghi “khẩn trương” và “nộp bài” lên hai cánh vịt Psyduck khi thúc giục học sinh nộp bài tập về nhà. Một phụ nữ viết “chồng” và “về nhà ngay lập tức”.
Nhu cầu đối với Psyduck lớn đến mức nhiều người bán lại món đồ chơi trên mạng đã “hét giá” tới 500 yuan (75 USD), trong khi suất ăn có quà tặng của KFC chỉ từ 9-16 USD.
Một số người thậm chí đi xa hơn khi chào mời dịch vụ “ăn hộ” giá từ 1,5 – 4,5 USD với khẩu hiệu “calo cho tôi, đồ chơi cho bạn”, trong đó họ sẽ tới cửa hàng KFC, mua suất trẻ em và ăn thay khách hàng, rồi gửi Psyduck cho họ.
Ủy ban Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng (CCA) ở Thượng Hải ngày 24/5 thông báo trên mạng xã hội WeChat rằng họ đã kiểm tra các chi nhánh KFC và tất cả đồ chơi Psyduck đã hết hàng trên toàn quốc. Tuy nhiên, một nhóm mua chung tại khu dân cư quận Bảo Sơn, Thượng Hải, đã chào bán vịt đồ chơi giống hệt Psyduck của KFC vào sáng cùng ngày với giá 34 USD.
Trong quảng cáo, họ khẳng định món đồ này được sản xuất tại Quảng Châu và có thể được giao trong vòng 3-7 ngày sau khi đặt hàng. Hơn 900 trong số 3.000 người sống tại khu dân cư đã đặt mua chỉ trong 4 giờ chào hàng đầu tiên. Nhiều người cho biết họ sẽ tặng vịt cho con vào Tết Thiếu nhi.
Đầu năm nay, KFC đã phải hứng chịu phản ứng dữ dội từ công chúng Trung Quốc sau khi ra mắt chiến dịch mua suất ăn khuyến mại hộp bí mật, bên trong chứa những món đồ chơi số lượng có hạn. Chỉ đến khi mở hộp, người mua mới biết họ nhận được món đồ chơi nào, vì vậy, một số người đã chi tới 1.500 USD để mua hơn 100 suất ăn với hy vọng sưu tập tất cả món đồ chơi, nhưng thường bỏ phí suất ăn. Hiệp hội Tiêu dùng Trung Quốc đã chỉ trích đây là hành vi gây lãng phí.
Đức Trung (Theo SCMP)
Để lại một phản hồi