Dòng tiền chảy vào đâu trong bối cảnh phục hồi kinh tế?

Dòng tiền trong doanh nghiệp được ví như mạch máu trong một cơ thể con người. Duy trì một dòng tiền “khỏe mạnh” là đảm bảo cho sự sống còn và thịnh vượng của bất kỳ một doanh nghiệp nào và từ đó là cả nền kinh tế nói chung.

Dòng vốn này còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hơn trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Dòng tiền sẽ chọn kênh đầu tư nào trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường tài chính hiện tại? Đó là câu hỏi được đặt ra trong phiên thảo luận với chủ đề “Xu hướng dòng tiền” vừa được VTVDigital thực hiện.

Tại phiên thảo luận, không có một câu trả lời chung nhất cho tất cả, bởi việc chọn lựa đầu tư vào đâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố mang tính cá nhân của mỗi nhà đầu tư như: mục tiêu đầu tư, khẩu vị rủi ro, niềm tin thị trường…, nhưng các khách mời đã đưa ra những nhận định, phân tích về các cơ hội dòng tiền cho các kênh khác nhau để nhà đầu tư có thể xác định được hướng đầu tư của mình. Như với thị trường chứng khoán, dòng tiền cũng kén chọn hơn, không dễ dãi như trước.

 Dòng tiền chảy vào đâu trong bối cảnh phục hồi kinh tế? - Ảnh 1.

Duy trì một dòng tiền “khỏe mạnh” là đảm bảo cho sự sống còn và thịnh vượng của bất kỳ một doanh nghiệp nào. (Ảnh minh họa – Ảnh: Báo Đầu tư)

Trung bình tháng 4, giá trị giao dịch là khoảng 28.000 tỷ đồng/phiên, giảm 12% so với tháng trước. Với thị trường chứng khoán, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định sau 2 năm, thị trường có thời điểm mang tính đầu cơ cao, dẫn dắt bởi những thông tin chưa tốt. Tuy nhiên, ông cho rằng hiện nay thị trường đã bắt đầu nhìn nhận những biến động theo các vấn đề nền tảng.

Về triển vọng các kênh đầu tư, các khách mời phân tích rằng cơ quan quản lý đã có những động thái thanh lọc cho thị trường, những chấn chỉnh trong ngắn hạn là cần thiết để thị trường phát triển trong dài hạn, bền vững.

Đảm bảo kỷ cương thị trường chứng khoán

“Cơ quan quản lý cần xử lý khéo léo với những vụ vi phạm phát luật để đảm bảo kỷ cương thị trường. Thứ hai là vấn đề truyền thông và thông tin, cái này rất quan trọng, minh bạch để thu hẹp bất đối xứng thông tin trên thị trường giữa các bên liên quan, đặc biệt là giữa bên bán và bên mua”, ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh.

Được biết, khối lượng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản giảm mạnh trong thời gian qua, thậm chí tháng 4 không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu sau khi có những động thái chấn chỉnh vừa qua của cơ quan quản lý.

Các khách mời khẳng định đó chỉ là những điều chỉnh cần thiết của thị trường trong ngắn. Còn về lâu dài, những biện pháp kiểm soát thị trường lại chính là yếu tố giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư và từ đó kênh huy động vốn qua trái phiếu sẽ là một kênh rất quan trọng để dẫn vốn cho doanh nghiệp phát triển trong dài hạn.

Cẩn trọng với phát hành riêng lẻ

“Khi anh phát hành ra thì anh phải tính đến việc trả lãi và đến ngày, đến giờ anh phải tính trả gốc nữa. Chúng tôi khuyến nghị trong bối cảnh hiện nay, nhà phát hành, người mua trái phiếu cần cẩn trọng bởi phát hành riêng lẻ chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Chúng ta phải làm đúng quy định để đảm bảo đỡ rủi ro cho cả hai phía”, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết.

Về dòng tiền trên thị trường bất động sản thời gian qua, theo thống kê, năm 2021 cũng như quý 1/2022, giá bất động sản tại nhiều địa phương tăng bình quân 3 – 7%, có địa phương tăng đến 30%. Đặc biệt, giá đất nền ở nhiều khu vực tăng rất cao, có nơi tăng 30%, 50%, thậm chí tăng trên 100%, vượt qua những logic thông thường. Vậy có phải do dòng tiền thời gian qua đã tập trung mạnh vào kênh đầu tư này không?

 Dòng tiền chảy vào đâu trong bối cảnh phục hồi kinh tế? - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, dòng tiền chọn bất động sản vì đây là thị trường có sức bền và an toàn hơn trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh đều gặp khó khăn. (Ảnh minh họa – Ảnh: Báo Đầu tư)

Giá bất động sản tăng, các khách mời cũng cho rằng có thể do dòng tiền chọn bất động sản vì đây là thị trường có sức bền và an toàn hơn trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh đều gặp khó khăn. Tâm lý của người dân Việt Nam vẫn là càng sở hữu nhiều bất động sản càng tốt. Nguyên nhân khác được chỉ ra là do nguồn cung trên thị trường hạn chế, đặc biệt là nguồn cung về nhà ở do nhiều dự án chưa tháo gỡ được các yếu tố pháp lý.

“Cần phải tăng nguồn cung các loại nhà, nhất là nhà cho đối tượng thu nhập thấp, phù hợp với thu nhập của người dân. Thủ tục đầu tư, xây dựng nhà ở rất phức tạp, mà hiện nay vướng mắc chính là thủ tục. Do đó, chúng tôi cho rằng cần đẩy nhanh việc này bên cạnh đề xuất sửa các chính sách, cơ chế chính sách và cũng đề nghị các địa phương quan tâm nhiều hơn nữa trong việc tháo gỡ, từ đó mới có thể đẩy nhanh nguồn cung, giúp giảm giá”, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà – Bộ Xây dựng, nói.

Dòng tiền tập trung vào những doanh nghiệp phát triển mạnh

Một tín hiệu rất tích cực khi đề cập đến xu hướng của dòng tiền được các khách mời chỉ ra là dòng tiền sẽ ngày càng tập trung vào những doanh nghiệp phát triển mạnh, tạo được nền tảng vững mạnh tại thị trường trong nước.

“Với xu hướng dịch chuyển sản xuất đến khu vực đông dân, Việt Nam đang thừa hưởng việc đó, dẫn đến giải ngân trong 4 – 5 tháng đầu năm cũng như năm 2021 của chúng ta rất tốt. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục ổn định được vĩ mô, triển vọng thu hút dòng vốn trong 2 – 3 năm tới là rất khả quan. Xuất khẩu quan trọng, FDI quan trọng nhưng không phải là tiêu chí hàng đầu dẫn dắt nền kinh tế, quan trọng nhất là những yếu tố nội tại”, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc hoạch định chiến lược đầu tư, Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, nhận định.

Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 60%

Liên quan đến yếu tố nội tại, tin vui là 4 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đã tăng tới 60% so với cùng kỳ năm 2021. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 4 cũng lần đầu tiên chạm mốc 15.000 doanh nghiệp/tháng.

Trong quá trình tăng tốc của nền kinh tế có sự hỗ trợ rất đắc lực từ dòng vốn tín dụng, đây có thể xem là động lực nhằm hiện thực hóa sự tăng trưởng của các doanh nghiệp.

Sau khi Nghị định số 31 của Chính phủ về hỗ trợ giảm lãi suất 2%/năm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã được ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng đưa ra Thông tư số 03 để hướng dẫn chi tiết việc thực hiện. Đây được xem chính là cơ sở để các doanh nghiệp tự tin mở rộng quy mô sản xuất.

Doanh nghiệp kỳ vọng phục hồi từ gói hỗ trợ lãi suất 2%

Nếu được hỗ trợ giảm lãi suất 2%/năm, Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam sẽ có thêm nguồn tài chính để thu mua nông sản, nhờ đó sẽ có thêm nhiều lô vải tươi ngon được doanh nghiệp xuất khẩu.

“Về hồ sơ thủ tục cũng rất mong muốn đơn giản để doanh nghiệp đủ điều kiện đáp ứng nhanh chóng tiếp cận và được giải ngân sớm để dùng nguồn vốn ưu đãi đó đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu, đưa nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam ra thế giới”, bà Ngô Thị Thu Hồng, Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam, chia sẻ.

“Là doanh nghiệp trải qua 3 – 4 đợt dịch vừa qua, chúng tôi rất hoan nghênh gói hỗ trợ 2% của Chính phủ. Với chúng tôi, 2% là một con số giúp chúng tôi giảm bớt chi phí kinh doanh. Chúng tôi có thể mở rộng thêm văn phòng, thuê thêm nhân sự, đó là con số ý nghĩa đối với chúng tôi”, ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing Công ty du lịch BestPrice, cho biết.

“Chúng tôi mong Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng liên kết với gói hỗ trợ lãi suất 2% này sẽ chủ động làm việc với doanh nghiệp, đưa ra các giải pháp. Đồng thời chúng tôi cũng kết hợp với việc quản trị về tài chính của mình để lên phương án thu mua kinh doanh”, bà Đỗ Linh Nhâm, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm toàn cầu, cho hay.

Khoản vay được hỗ trợ lãi suất 2% là khoản vay bằng đồng Việt Nam, được vay trong khoảng thời gian từ đầu năm nay đến hết năm 2023. Đến thời điểm trả nợ của từng kỳ hạn, các ngân hàng sẽ thực hiện giảm số lãi tiền vay cho khách hàng.

Các ngành được hỗ trợ lãi suất là những ngành đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như: hàng không, du lịch, nông nghiệp… Nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 2% là khoảng 40.000 tỷ đồng.

Truyền thông số truyền tải thông tin kinh tế chính xác, kịp thời

Có thể nói, dòng tiền đã sẵn sàng nhập cuộc, nhưng để dòng tiền đi đúng hướng, vào đúng lĩnh vực thực sự có vai trò phục hồi kinh tế hay ở chiều ngược lại để làm sao các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế đến được với đúng đối tượng rất cần vai trò của truyền thông.

Với nhiều kênh thông tin hiện nay, đặc biệt là nhờ công nghệ, việc truyền thông cũng dễ dàng hơn… Tuy nhiên, như vậy vai trò của việc truyền thông càng phải tăng cường, đảm bảo việc làm sao truyền tải thông tin vừa đúng, vừa trúng, bởi những thông tin sai lệch liên quan đến vấn đề về tài chính, chứng khoán, đất đai… luôn gây ra những hậu quả không tốt tới nền kinh tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Chính vì vậy, những cơ quan truyền thông lớn luôn đặt tính chính xác, tin cậy lên hàng đầu, như Đài Truyền hình Việt Nam.

Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau dịch bệnh, việc truyền tải thông tin về chính sách, các thông tin kinh tế đầy đủ, chính xác, kịp thời có độ lan tỏa lớn càng cần thiết và quan trọng.

Trong khuôn khổ của Hội thảo do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, VTVMoney – Hệ sinh thái chuyên về các thông tin kinh tế phát trên đa nền tảng, bao gồm cả những thông tin, chương trình kinh tế đang phát trên truyền hình và cả những chương trình phát trên các nền tảng số của VTV đã chính thức được ra mắt.

 Dòng tiền chảy vào đâu trong bối cảnh phục hồi kinh tế? - Ảnh 3.

Đài Truyền hình Việt Nam chính thức ra mắt Hệ sinh thái thông tin kinh tế VTVMoney.

Hệ sinh thái VTVMonney ra mắt và nhận được ủng hộ rất của các thành viên thị trường, bởi những kỳ vọng cung cấp nhiều thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, được cá nhân hóa tới công chúng mọi lúc, mọi nơi, phản ánh khách quan dòng chảy kinh tế, góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Ngay sau lễ ra mắt, các đại biểu tham dự sự kiện cũng đã có những ý kiến về vai trò của truyền thông nói chung, của VTVMoney nói riêng trong truyền thông, đặc biệt bối cảnh hậu COVID-19.

“VTVMoney có những giải pháp nào để kéo dòng tiền về với nông dân và nông thôn? Vì thương mại điện tử hiện nay đang giúp cho nông nghiệp của chúng ta rất là nhiều”, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên BCH Hiệp hội nông nghiệp Số Việt Nam, nói.

“Trách nhiệm của cơ quan báo chí lúc này là chuyển đổi số thành công, mạnh mẽ để chi phối và trở thành nguồn thông tin chính thống, lấn át những nguồn thông tin không chính thống, những thông tin thất thiệt, tin giả”, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nhấn mạnh.

“Liên quan hoạt động kinh tế, chương trình VTVmoney, nếu các bạn làm tốt, nhanh, đúng thì đây cũng là kênh chính thống để thị trường, người dân có tham khảo, để những tin đồn được dập đi”, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Yeah1, cho hay.

Trong giai đoạn thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu COVID-19 hiện nay, truyền thông, đặc biệt là truyền thông trên các nền tảng số mang một vai trò, sứ mệnh quan trọng, khi là cầu nối giữa người dân, doanh nghiệp và những người làm chính sách, truyền đi những thông tin kinh tế, các chính sách kịp thời, chính xác, phản ánh khách quan những chuyển động của nền kinh tế, từ đó tạo sự ổn định tâm lý, duy trì động lực và thu hút đầu tư vào Việt Nam và giúp định hướng dòng tiền chảy nhiều hơn vào các lĩnh vực giúp phục hồi kinh tế, đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp phục vụ cung cầu trong nước, tạo ra nhiều việc làm nhất cho nền kinh tế Việt Nam, để sớm đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao, bền vững như thời điểm trước đại dịch.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt, tặng quà HLV Park Hang-seo và Mai Đức Chung

Theo PV

VTV

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*