Đức tố Nga dùng năng lượng làm vũ khí

“Phải nói rằng tình hình đang đến mức gay go, theo cách sử dụng năng lượng làm vũ khí đang được thực hiện trong một số lĩnh vực”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói trong cuộc họp báo ở Berlin hôm nay.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang chạy đua để cắt giảm năng lượng Nga và gần như đã loại bỏ hoàn toàn than của Nga. Tuy nhiên, việc loại bỏ dầu khí sẽ khó khăn hơn. Với lo ngại ngày càng tăng về việc Nga có thể đột ngột cắt nguồn cung năng lượng, ông Habeck cho biết Đức đang tập trung xây dựng nguồn dự trữ khí đốt để chuẩn bị cho mùa đông.

“Các cơ sở lưu trữ khí đốt phải đầy ắp vào mùa đông, nếu không chúng tôi sẽ rơi vào tình huống có thể dễ dàng bị tống tiền”, ông nói.

Nhà máy điện chạy bằng khí đốt Lichterfelde ở Berlin, Đức, hồi tháng 3. Ảnh: AP.

Nhà máy điện chạy bằng khí đốt Lichterfelde ở Berlin, Đức, hồi tháng 3. Ảnh: AP.

Bình luận của ông Habeck được đưa ra một ngày sau khi Nga công bố lệnh trừng phạt 31 công ty, phần lớn thuộc tập đoàn Gazprom Germania, vốn là công ty con tại Đức của tập đoàn năng lượng khổng lồ Nga Gazprom. Các biện pháp trừng phạt bao gồm cấm công dân và thực thể Nga thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hay ký kết giao dịch với các công ty trên. Những tàu liên quan tới các công ty này cũng bị cấm cập cảng Nga.

Hồi tháng 4, Đức tuyên bố kiểm soát Gazprom Germania để đảm bảo nguồn cung khí đốt, còn công ty mẹ Gazprom thông báo rút khỏi công ty này. Lệnh trừng phạt cũng ảnh hưởng đến EuRoPol GAZ S.A. của Ba Lan, công ty sở hữu phần đi qua Ba Lan trong hệ thống đường ống dẫn khí Yamal-châu Âu.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ cùng các đồng minh áp đặt nhiều vòng trừng phạt với Nga, như loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm nhập khẩu nhiều nguồn hàng từ Nga và bỏ quy chế tối huệ quốc với nước này. Mỹ cũng công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng khác từ Nga.

Các nước phương Tây đang đóng băng khoảng một nửa trong hơn 600 tỷ USD dự trữ dưới dạng ngoại tệ và vàng của Ngân hàng Trung ương Nga. Đây được coi là một trong những biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn nhất nhằm vào Moskva. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo mọi nỗ lực cô lập Nga của phương Tây sẽ thất bại.

Mức độ phụ thuộc năng lượng nhập khẩu của EU. Đồ họa: Visual Capitalist.

Mức độ phụ thuộc năng lượng nhập khẩu của EU. Đồ họa: Visual Capitalist.

Huyền Lê (Theo AFP)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*