Gánh nặng từ giấc mơ bóng đá Trung Quốc

10 thành phố trên khắp Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD để xây dựng 8 sân vận động mới và cải tạo hai sân vận động khác cho Asian Cup 2023.

Nhưng trong bối cảnh Trung Quốc vẫn kiên trì với chiến lược “Không Covid” và thành phố lớn nhất của họ, Thượng Hải, chỉ vừa “hé cửa” sau quãng thời gian dài phong tỏa vì dịch bệnh, nước này tuần trước thông báo sẽ không đứng ra tổ chức giải đấu nữa.

Sân vận động Công nhân ở Bắc Kinh dường như sắp hoàn thành sau một cuộc đại trùng tu. Ảnh: AFP.

Sân vận động Công nhân ở Bắc Kinh trong quá trình cải tạo ngày 18/5. Ảnh: AFP.

“Asian Cup chỉ đơn giản là bước đệm để Trung Quốc hướng tới giấc mơ đăng cai World Cup”, Simon Chadwick, giám đốc Trung tâm Công nghiệp Thể thao Á – Âu tại Trường Kinh doanh Emlyon, trụ sở tại Pháp, nhận xét. “Tuy nhiên, tham vọng bóng đá của Trung Quốc dường như đang nguội lạnh”.

Những tấm biển quảng cáo về Asian Cup vẫn có thể được nhìn thấy xung quanh sân vận động Công nhân ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh, nơi đã bị phá dỡ để xây lại. Chi phí cải tạo sân vận động này khoảng 484 triệu USD.

“Dù có tổ chức Asian Cup hay không, chúng tôi vẫn sẽ hoàn thành sân vận động như kế hoạch”, một công nhân tại đây nói.

Hiện cũng chưa rõ sẽ có bao nhiêu trận bóng diễn ra tại đây trong tương lai gần, cũng như bao giờ nó có thể mở cửa. Giải bóng đá Ngoại hạng Trung Quốc đang chờ bắt đầu mùa giải mới và gần như chắc chắn các trận bóng sẽ phải diễn ra mà không có khán giả vì Covid-19.

Trên sân cỏ, đội tuyển quốc gia Trung Quốc một lần nữa không giành được suất tham dự World Cup năm nay và nhiều cầu thủ cũng như huấn luyện viên ngoại đã rời đất nước trong những mùa giải gần đây.

Trung Quốc đã tập trung phát triển các dự án cơ sở hạ tầng giá trị lớn để thúc đẩy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch và các quan chức nói rằng việc xây dựng những sân vận động hoành tráng là một phần trong kế hoạch này.

Một số sân vận động, như sân Bạch Diệc với 60.000 chỗ ngồi ở thành phố ven biển Hạ Môn, đang thành hình, nhưng thành phố thậm chí không có đội bóng hạng nhất để lấy đó làm sân nhà.

Sân vận động Phố Đông đang được xây dựng ở ngoại ô thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Sân vận động Phố Đông đang được xây dựng ở ngoại ô thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Và ngay cả khi khán giả được phép quay trở lại sân vận động, các đội bóng thi đấu tại giải ngoại hạng Trung Quốc vẫn sẽ phải chật vật để lôi kéo người hâm mộ đến lấp đầy khán đài.

“Những sân vận động kiểu này ở các thành phố tương đối nhỏ như Hạ Môn hay ở những địa phương khác đã có sẵn sân vận động như Tây An có khả năng trở thành dự án ‘voi trắng'”, William Bi, nhà tư vấn thể thao ở Bắc Kinh, nhận định.

“Voi trắng” là thuật ngữ chỉ một khoản đầu tư có giá trị hoặc mức độ hữu ích không tương xứng với chi phí bỏ ra để xây dựng và duy trì nó. “Khi nền kinh tế đi xuống, không có nhiều cơ hội để tung tiền xây dựng một câu lạc bộ bóng đá xứng tầm với một sân vận động khổng lồ”, Bi nói.

Các chủ đầu tư đã bổ sung nhiều công trình, cơ sở vật chất để các sân vận động mới còn có thể được sử dụng như địa điểm biểu diễn ca nhạc. Tuy nhiên, những hạn chế nghiêm ngặt chống Covid-19 mà Trung Quốc áp dụng đang khiến ngành công nghiệp biểu diễn không thể hoạt động.

Theo Chadwick, Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn trong nỗ lực tái sử dụng các địa điểm thể thao lớn khác được xây dựng những năm gần đây. “Khi nguồn lực khan hiếm, đây là những kế hoạch cực kỳ lãng phí và không tối ưu”, ông nói.

Hơn 10 trong 18 đội bóng thi đấu tại giải ngoại hạng Trung Quốc năm nay được các công ty bất động sản tài trợ. Tuy nhiên, nền kinh tế giảm tốc đã khiến nhiều nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn.

Chính quyền địa phương đã thu hồi dự án xây dựng sân vận động trị giá 1,86 tỷ USD từ nhà phát triển Evergrande đang vướng bê bối nợ. Evergrande cũng là công ty sở hữu đội bóng từng vô địch châu Á Quảng Châu FC.

Theo phương án xây dựng ban đầu, sân vận động Evergrande Quảng Châu có sức chứa 100.000 người với thiết kế hình bông sen nổi bật.

“Quãng thời gian hỗn loạn vừa qua dường như đã cắt đứt sợi dây kết nối giữa bóng đá và ngành phát triển bất động sản, đặt ra câu hỏi về tương lai của nền bóng đá Trung Quốc”, Chadwick nói.

Tham vọng biến Trung Quốc thành cường quốc bóng đá, thậm chí là vô địch World Cup, dường như đã phai mờ trong những năm qua. Kế hoạch trở thành một trung tâm thể thao toàn cầu của Bắc Kinh cũng khó thành hiện thực, ít nhất là trong ngắn hạn, bởi chiến lược chống dịch cứng rắn mà chính quyền theo đuổi.

Ngoại trừ Olympic mùa đông, được tổ chức trong “bong bóng cách ly” ở Bắc Kinh hồi tháng 2, Trung Quốc đã hủy hoặc hoãn hầu hết sự kiện thể thao quốc tế kể từ khi Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán cuối năm 2019.

Đầu tháng này, Trung Quốc thông báo hoãn Asian Games, vốn dự kiến được tổ chức vào tháng 9 tại Hàng Châu. Vẫn chưa rõ khi nào Trung Quốc sẽ tổ chức giải vô địch bóng đá thế giới các câu lạc bộ mở rộng, vốn được ấn định diễn ra vào năm ngoái.

Người dân xếp hàng xét nghiệm Covid-19 trước một tòa nhà có biển quảng cáo cho Asia Cup ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP.

Người dân xếp hàng xét nghiệm Covid-19 trước một tòa nhà có biển quảng cáo cho Asian Cup ở Bắc Kinh ngày 14/5. Ảnh: AFP.

“Danh tiếng của Trung Quốc với tư cách nước đăng cai sự kiện thể thao đáng tin cậy đã bị tổn hại”, nhà tư vấn thể thao William Bi nhận định.

Kế hoạch tổng thể của Trung Quốc nhằm lột xác nền bóng đá cả trong và ngoài sân cỏ đã bị đẩy lùi trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, Bo Li, giáo sư về quản lý thể thao tại Đại học Miami, Mỹ, cho hay. “Đăng cai World Cup giờ đây không còn là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc nữa”, ông nói thêm.

Vũ Hoàng (Theo AFP)

  • Ác mộng nợ nần đè nặng bóng đá Trung Quốc

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*