Giá vàng chịu áp lực từ lạm phát và căng thẳng địa chính trị

Ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) tại Hội đồng Vàng thế giới (WGC)

Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 2 lần tăng lãi suất USD và theo lộ trình đưa ra, sẽ còn tiếp tục điều chỉnh tăng. Theo ông, những yếu tố nào tác động lên giá vàng trong thời gian tới?

Thông thường, khi lãi suất USD tăng, thì giá vàng sẽ giảm. Tuy nhiên, giá vàng cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: tình hình kinh tế thế giới, lạm phát tại Mỹ, tình hình địa chính trị Nga – Ukraine…

Một trong những yếu tố quan trọng tác động tới thị trường vàng hiện nay là chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, trong đó có việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, mãi lực vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới trong thời gian tới cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá vàng.

Các cuộc khủng hoảng địa chính trị đã đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu và đẩy giá vàng lên mức 2.070 USD/ounce trong tháng 3/2022. Liệu giá vàng có lập đỉnh trong năm 2022, thưa ông?

Giá vàng còn phụ thuộc vào nhu cầu của các ngân hàng trung ương trên thế giới, mà nhu cầu vàng trên thế giới lại phụ thuộc vào tình hình địa chính trị cũng như áp lực lạm phát.

Chúng tôi nhận thấy, trước áp lực lạm phát và tình hình địa chính trị Nga – Ukraine hiện nay, vàng vẫn được nhiều nhà đầu tư trên thế giới lựa chọn và nhiều khả năng, mặt hàng kim quý này còn triển vọng trong thời gian tới.

Thị trường vàng toàn cầu đã có một khởi đầu vững chắc cho năm 2022, nhu cầu vàng trong quý I/2022 (không bao gồm thị trường OTC) tăng 34% so với cùng kỳ năm trước, nhờ dòng vốn quỹ hoán đổi danh mục (ETF) mạnh mẽ. Điều này cho thấy, vàng là kênh đầu tư trú ẩn an toàn trong thời kỳ địa chính trị và kinh tế bất ổn, lạm phát tăng.

Về cơ bản, nhu cầu vàng của nhà đầu tư tăng do các yếu tố trên, nhưng nếu tính trên phạm vi toàn cầu, thì tổng lượng vàng tiêu thụ có phần giảm. Một phần nguyên nhân là do tác động của việc thực hiện chính sách zero Covid-19 tại Trung Quốc – thị trường tiêu thụ vàng rất lớn. Lượng tiêu thụ nữ trang tại Trung Quốc giảm khoảng 7% trong quý I/2022 do lệnh phong tỏa. Bên cạnh đó, do giá vàng thế giới tăng cao trong thời gian qua, nên nhiều người hạn chế mua vàng và có tâm lý kỳ vọng giá vàng sẽ có sự điều chỉnh.

Theo ông, mãi lực vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới có tiếp tục tăng?

Theo thống kê của WGC, trong quý I/2022, hoạt động mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng hơn gấp đôi so với quý trước, bổ sung hơn 84 tỷ USD vào lượng vàng dự trữ chính thức (tương đương tăng 22%). Như vậy, các ngân hàng trung ương tiếp tục đánh giá cao hiệu quả hoạt động của vàng trong giai đoạn bất ổn.

Do Covid-19 dần được kiểm soát, nên nhu cầu vàng tăng. Mãi lực vàng đến từ hai đối tượng: các thể chế tài chính (ngân hàng trung ương) và người tiêu dùng. Nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương hiện nay phụ thuộc nhiều yếu tố như: lạm phát, tình hình địa chính trị Nga – Ukraine. Tôi tin rằng, nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương sẽ tăng, khi tình hình địa chính trị trên thế giới chưa lắng dịu.

Về phía người tiêu dùng, mãi lực vàng trong thời gian qua cũng gia tăng trước áp lực lạm phát và cuộc xung đột Nga – Ukraine. Theo nhiều dự báo, nếu tình hình này còn tiếp diễn, thì mãi lực vàng của người tiêu dùng sẽ tiếp tục gia tăng. Đáng chú ý, nếu Covid-19 được kiểm soát và Trung Quốc dỡ bỏ lệnh phong tỏa, thì khả năng nhu cầu vàng của thị trường này sẽ tăng trở lại.

Với thị trường Việt Nam, mãi lực vàng có tăng cao khi Covid-19 được kiểm soát, thưa ông?

Tổng nhu cầu vàng trong quý I/2022 của người tiêu dùng Việt Nam đạt mức 19,6 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu vàng tăng cao một phần do người tiêu dùng quan ngại lạm phát trên thế giới và trong nước đều tăng, nên rót vốn vào vàng được xem là an toàn. Bên cạnh đó, nhu cầu về vàng trong các dịp lễ, Tết cuối năm 2021, đầu năm 2022 cũng tăng mạnh sau thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh.

Giá vàng tăng cao, nhưng chênh lệch giữa giá vàng quốc tế và vàng miếng thương hiệu SJC ở trong nước là khá lớn, có thời điểm lên tới gần 20 triệu đồng/lượng. Theo ông, vì sao lại có sự chênh lệch lớn này?

Sở dĩ có sự khác biệt về giá và chênh lệch khá cao giữa vàng thế giới và vàng miếng thương hiệu SJC tại Việt Nam hiện nay là do chi phí sản xuất vàng miếng SJC cao. Đồng thời, Việt Nam hạn chế nhập vàng vật chất, nguyên liệu, nên chênh lệch giữa vàng quốc tế và trong nước cao hơn khi cung cầu ở thị trường nội địa không được cân bằng nếu giá vàng tăng cao. Vàng luôn là kênh đầu tư có thanh khoản cao và an toàn, nên người dân luôn lựa chọn nắm giữ mặt hàng này trước bối cảnh lạm phát.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*