Hệ lụy chiến sự Ukraine thử thách lòng đoàn kết phương Tây

Khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cuối tháng 2, phương Tây đã tạo thành khối đoàn kết ứng phó một cách nhanh chóng và quyết liệt chưa từng thấy. Nhưng khi chiến sự đã bước sang tháng thứ ba và có nguy cơ trở thành một cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm, nó sẽ đặt ra thách thức rất lớn đối với quyết tâm của phương Tây trước câu hỏi liệu thiệt hại kinh tế ngày càng tăng có làm xói mòn tình đoàn kết giữa họ hay không, theo Mark Landler, bình luận viên kỳ cựu của NY Times.

Đến nay, những mối rạn nứt chủ yếu chỉ là bề ngoài. Hungary từ chối ủng hộ lệnh cấm dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU), cản trở nỗ lực của khối nhằm tăng áp lực lên Moskva. Pháp vẫn không đồng lòng với mục tiêu Mỹ đặt ra là làm suy yếu sức mạnh quân sự Nga. Một số tranh cãi đã xuất hiện ở phương Tây khi giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao do cuộc khủng hoảng.

Một cây cầu bị phá hủy do pháo kích gần thành phố Orikhiv, phía đông nam Ukraine, ngày 5/5. Ảnh: AP.

Một cây cầu bị phá hủy do pháo kích gần thành phố Orikhiv, phía đông nam Ukraine, ngày 5/5. Ảnh: AP.

Bên cạnh những căng thẳng đó, phương Tây vẫn thể hiện những dấu hiệu đoàn kết. Phần Lan và Thụy Điển đang tiến gần hơn đến mục tiêu gia nhập NATO với việc Anh cung cấp đảm bảo an ninh cho hai nước nhằm chống lại sức ép từ Nga. Tại Washington, Hạ viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ gần 40 tỷ USD cho Ukraine với tỷ lệ 368 phiếu thuận, 57 phiếu chống.

Tuy nhiên, khi cuộc xung đột tiếp tục kéo dài, tác động của nó đối với chuỗi cung ứng, thị trường năng lượng và nông sản thế giới chắc chắn sẽ được cảm nhận rõ ràng hơn.

Theo một số chuyên gia, Tổng thống Vladimir Putin dường như tin rằng phương Tây sẽ kiệt quệ vì những hệ lụy này trước khi Nga hoàn thành các mục tiêu của chiến dịch quân sự, đặc biệt nếu cái giá phải trả đối với những hỗ trợ của họ cho Ukraine là tỷ lệ lạm phát tăng cao, nguồn cung năng lượng bị gián đoạn, ngân sách tài chính công cạn kiệt và dân chúng mệt mỏi.

Phát biểu tại phiên điều trần trước Thượng viện hôm 10/5, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines nhận định Tổng thống Putin đang chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài ở Ukraine với niềm tin rằng quyết tâm của Mỹ và EU sẽ suy yếu khi tình trạng thiếu lương thực, lạm phát và khan hiếm năng lượng ngày càng trầm trọng hơn.

Tổng thống Biden ngày 11/5 đến thăm một trang trại ở thành phố Kankakee, bang Illinois, để truyền đi thông điệp rằng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu lương thực và chi phí sinh hoạt tăng phi mã tại Mỹ. Nhưng đây cũng là dấu hiệu cho thấy ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine có thể đi kèm với những tác động tiêu cực nhất định.

Tổng thống Putin cũng phải đối mặt với những áp lực riêng ở trong nước, thể hiện rõ qua bài phát biểu giảm tông của ông tại lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng ở Quảng trường Đỏ hôm 9/5, khi ông không phát lệnh tổng động viên hay đe dọa leo thang xung đột. Song ông chủ Điện Kremlin cũng làm rõ rằng Nga chưa nhìn thấy dấu hiệu kết thúc cho chiến dịch quân sự nhằm “phi quân sự hóa, phi phát xít hóa” Ukraine.

Các binh sĩ Ukraine và quân tình nguyện trú ẩn trong một tầng hầm gần tiền tuyến ở khu vực Kharkov hôm 11/5. Ảnh: NY Times.

Các binh sĩ Ukraine và quân tình nguyện trú ẩn trong một tầng hầm gần tiền tuyến ở khu vực Kharkov hôm 11/5. Ảnh: NY Times.

Các nhà phân tích đánh giá một chiến dịch quân sự kéo dài sẽ bào mòn đáng kể nguồn lực của quân đội Nga. Vì thế, một số người cho rằng phương Tây nên tạo ra lợi thế bằng cách siết chặt hơn nữa loạt lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Moskva.

“Nhưng tôi lo ngại về nguy cơ phương Tây trở nên mệt mỏi”, Michael A. McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga, nói. “Đó là lý do các lãnh đạo cần nỗ lực hơn nữa để chấm dứt xung đột”.

Theo ông, Mỹ và EU nên áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm làm tê liệt ngay lập tức nền kinh tế Nga, thay vì tung chúng ra theo từng đợt tăng dần như hiện nay. Các nước phương Tây đã tiến gần đến một chiến lược tổng hợp như vậy trong nỗ lực viện trợ quân sự, điều đã giúp quân đội Ukraine kháng cự lực lượng Nga.

Nhưng việc EU chưa đạt được đồng thuận với lệnh cấm dầu Nga đang cho thấy những hạn chế của cách tiếp cận này, khi thách thức lớn nhất nằm ở vấn đề nguồn cung năng lượng. Các đại sứ EU hôm 11/5 tiếp tục tổ chức một phiên họp tại Brussels, Bỉ, nhằm thảo luận về lệnh cấm dầu Nga, song không đạt kết quả vì không thể thuyết phục Hungary ủng hộ.

Thủ tướng Viktor Orban cho rằng lệnh cấm dầu Nga sẽ là một “quả bom nguyên tử” ném vào nền kinh tế Hungary. Ông tiếp tục phản đối, ngay cả sau khi EU nhượng bộ, cam kết sẽ giúp Hungary có thêm thời gian để “cai” nhiên liệu Nga. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã bay đến Budapest để cố gắng lay chuyển ông. Tổng thống Emmanuel Macron cũng gọi điện cho ông để thuyết phục, song không thành công.

“Chúng tôi sẽ chỉ ủng hộ đề xuất này nếu Brussels đưa ra giải pháp cho vấn đề mà họ đã tạo ra”, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết, thêm rằng việc hiện đại hóa ngành năng lượng của Hungary sẽ tiêu tốn “rất nhiều tỷ euro”.

Tại Washington, Tổng thống Biden không gặp quá nhiều khó khăn trong nỗ lực viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine. Việc Hạ viện ủng hộ mạnh mẽ gói viện trợ 40 tỷ USD cho thấy phản ứng của chính quyền đã nhận được đồng thuận từ lưỡng đảng.

Tuy nhiên, giá lương thực và nhiên liệu tăng cao do xung đột có thể gây ra tác động tiêu cực, Landler nhận xét. Giá thực phẩm ở Mỹ trong tháng 4 đã tăng 0,9% so với tháng ba. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết chính quyền “rất lo ngại về nguồn cung lương thực toàn cầu”, thêm rằng 275 triệu người trên thế giới đang phải đối mặt nạn đói.

Xung đột “đã cắt đứt các nguồn lương thực quan trọng”, Tổng thống Biden nói với nông dân ở Illinois. “Nông dân của chúng ta đang ra tay giúp đỡ trên cả hai mặt, giảm giá lương thực trong nước và mở rộng sản xuất nhằm cung cấp cho thế giới”.

Tổng thống Mỹ Biden (giữa) đến thăm một trang trại ở thành phố Kankakee, bang Illinois, hôm 11/5. Ảnh: NY Times.

Tổng thống Mỹ Biden (giữa) đến thăm một trang trại ở thành phố Kankakee, bang Illinois, hôm 11/5. Ảnh: NY Times.

Tuy nhiên, vẫn cần phải chờ xem liệu Mỹ có thể tăng sản lượng nông nghiệp đủ để bù đắp tình trạng thiếu hụt hay không. Nhưng chuyến thăm đến trang trại ở Kankakee cho thấy ông Biden đang muốn trấn an người dân Mỹ rằng Nhà Trắng đang rất chú ý đến vấn đề tăng giá, giữa lúc lạm phát tại Mỹ đang tăng nhanh nhất trong vòng 40 năm qua.

Một số nhà phân tích cho rằng phương Tây có thể vượt qua thử thách về lòng đoàn kết. Việc Phần Lan và Thụy Điển bày tỏ ý định gia nhập NATO không chỉ thể hiện rằng liên minh đang xích lại gần nhau, mà còn cho thấy trọng tâm của khối đang dịch chuyển về phía đông.

Những diễn biến trong giao tranh giữa Nga và Ukraine cũng như sức kháng cự của Kiev tiếp tục được coi là động lực để duy trì mặt trận đoàn kết này, theo Eliot A. Cohen, nhà khoa học chính trị từng làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ dưới chính quyền tổng thống George W. Bush. “Nếu Ukraine tiếp tục thành công, tôi nghĩ phương Tây sẽ tiếp tục cổ vũ họ”, ông nói.

Vũ Hoàng (Theo NY Times)

  • Cấm dầu Nga, châu Âu khó trông đợi vào Trung Đông
  • Cuộc đua vũ khí ở miền đông Ukraine
  • Nga dần hết lựa chọn bán dầu
  • Bài phát biểu giảm tông với phương Tây của ông Putin

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*