Dự án có suất đầu tư bình quân 167,11 tỷ đồng/1km không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng (Ảnh minh hoạ). |
Ngày 25/5, Kiểm toán nhà nước đã gửi Quốc hội ý kiến về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuật (Giai đoạn 1).
Đây là một trong 5 dự án quan trọng quốc gia sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ ba đang diễn ra.
Khó hoàn thành vào năm 2026
Khẳng định dự án đáp ứng tiêu chí là dự án quan trọng quốc gia, Kiểm toán Nhà nước thống nhất với nội dung về sự cần thiết đầu tư dự án như Chính phủ trình.
Tuy nhiên, theo Kiểm toán nhà nước, dự án tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuật có quy mô, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, tổng mức đầu tư lớn, có các công trình cầu lớn, hầm lớn… Trong khi thực tế đến năm 2026 (còn khoảng hơn 4 năm) cho công tác chuẩn bị và thực hiện để hoàn thành. Ngoài ra, chưa kể khó khăn về dịch Covid 19 và các khó khăn về vật liệu, giá vật liệu, vật tư có sự gia tăng….
Vì vậy, việc đặt ra tiến độ cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2026 là khó khả thi nếu không có các giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Theo tờ trình, sơ bộ tổng mức đầu tư quy mô 4 làn xe có tổng giá trị 21.935 tỷ đồng, trên 117,5 km. Bình quân 167,11 tỷ đồng/1km không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.
Kiểm toán nhà nước cho biết, sơ bộ tổng mức đầu tư được xác định theo 2 phương pháp (theo QĐ số 65/QĐ-BXD ngày 20/01/2021 về suất đầu tư và tham khảo dự án cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo), tuy nhiên trong thời gian vừa qua giá các loại vật tư, nhiên liệu có sự gia tăng đột biến, vì vậy vấn đề này cần được lưu ý, xem xét, tính toán dự phòng trong tổng mức đầu tư.
Bên cạnh đó cần rà soát, xem xét một số chi phí liên quan đến trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; chi phí tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa khi chuyển đổi đất chuyên trồng lúa đã được xác định đầy đủ trong tổng mức đầu tư, tránh điều chỉnh bổ sung.
Kiểm toán nhà nước cũng nêu rõ, qua tham khảo, so sánh với suất vốn đầu tư một số dự án có cùng quy mô; có tính chất tương đồng về mặt địa lý và hình thức đầu tư thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022) có sự chênh lệch tương đối lớn về mặt giá trị.
Cụ thể: Dự án cao tốc đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ suất vốn đầu tư là 130,72 tỷ đồng/1km (thấp hơn 36,39 tỷ đồng); Dự án cao tốc đoạn Hoài Nhơn – Quy Nhơn suất vốn đầu tư là 146,1 tỷ đồng/1km (thấp hơn 21 tỷ); Dự án cao tốc đoạn Vân Phong – Nha Trang suất vốn đầu tư là 138,87 tỷ đồng/1km (thấp hơn 28,24 tỷ đồng).
Vì vậy, Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Giao thông – vận tải và cơ quan liên quan tiếp tục tính toán, rà soát kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư, tính khả thi của sơ bộ tổng mức đầu tư dự án.
Xác định cơ sở cân đối các nguồn vốn cho dự án.
Về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, theo tờ trình Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 dự kiến phân bổ 6.539 tỷ đồng; Nguồn vốn từ rà soát, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ GTVT khoảng 572 tỷ đồng; Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế – xã hội dự kiến phân bổ 2.320 tỷ đồng; Nguồn ngân sách địa phương cam kết bố trí vốn 1.265 tỷ đồng; Nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 dự bố trí khoảng 4.400 tỷ đồng.
Nguồn vốn năm 2026 được ưu tiên bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 theo Điều 51 Luật Đầu tư công.
Tuy nhiên, một số nguồn vốn dự kiến nêu trên chưa có đầy đủ cơ sở xác định, Kiểm toán nhà nước nhận định.
Cụ thể, nguồn vốn từ rà soát, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông Vận tải giải trình tại Báo cáo số 188/BC-CP ngày 21/5/2022 (dự kiến phân bổ cho Dự án khoảng 572 tỷ đồng) chưa bảo đảm tính khả thi trong phương án dự kiến như: Nguồn vốn cân đối từ chi phí dự phòng khối lượng không sử dụng của 8 dự án thành phần khoảng 3.108 tỷ đồng, nhưng hiện nay chỉ có 1 Dự án đã hoàn thành nên có thể xác định được chi phí dự phòng khối lượng không sử dụng, còn 7 dự án đang thi công chưa hoàn thành (4 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2022, 3 dự án dự kiến hoàn thành năm 2023-2024) nên chưa đủ cơ sở để xác định từ chi phí dự phòng khối lượng không sử dụng của 07 dự án này.
Nguồn vốn dự kiến cân đối từ chi phí dự phòng không sử dụng khoảng 1.417 tỷ đồng của 15 dự án giao thông nhưng hiện nay chỉ có 1 dự án đã hoàn thành, còn 11 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2022, 03 dự án hoàn thành trong năm 2023 nên chưa đủ cơ sở để xác định chi phí dự phòng không sử dụng của 14 dự án này.
Nguồn vốn từ Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế – xã hội thì theo tờ trình hiện danh mục và mức vốn của từng dự án chưa được báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn. Như vậy chưa đầy đủ cơ sở để xác định nguồn vốn bố trí cho dự án.
Nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021: chưa được xác định rõ ràng do Chính phủ chưa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Ngoài ra, theo tờ trình, dự kiến nhu cầu vốn giai đoạn 2022-2025 khoảng 15.096 tỷ đồng (khoảng 68,8% sơ bộ tổng vốn đầu tư) và giai đoạn 2026-2030 khoảng 6.839 tỷ đồng (khoảng 31,2% sơ bộ tổng vốn đầu tư), do đó cần cân nhắc, xác định nhu cầu vốn của dự án cho giai đoạn 2026-2030 phù hợp với quy định tại khoản 2, điều 89, Luật Đầu tư công năm 2019.
Vì vậy, để đảm bảo đầy đủ điều kiện trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ cần rà soát lại các phương án bố trí vốn, xác định cơ sở cân đối các nguồn vốn cho dự án.
Để lại một phản hồi