Lệnh cấm dầu của EU khó giáng đòn vào Nga

Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/5 thống nhất được lệnh cấm một phần dầu Nga, sau cuộc đàm phán căng thẳng tới đêm muộn tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, Bỉ.

Với quyết định này, toàn bộ dầu Nga nhập khẩu vào EU bằng đường biển sẽ bị cấm ngay lập tức, trong khi dầu vận chuyển qua hệ thống đường ống Druzhba được miễn trừ. 2/3 lượng dầu xuất khẩu của Nga tới EU được chở bằng tàu biển.

Khi Ba Lan và Đức thực hiện cam kết ngừng nhập dầu Nga qua đường ống Druzhba vào cuối năm nay, tỷ lệ dầu Nga bị cấm nhập vào EU sẽ tăng lên 90%.

Đường ống dẫn dầu Druzhba nối Hungary và Nga tại nhà máy lọc dầu Danube của Tập đoàn MOL ở Szazhalombatta, Hungary, hồi tháng 5. Ảnh: Reuters.

Đường ống dẫn dầu Druzhba nối Hungary và Nga tại nhà máy lọc dầu Danube của Tập đoàn MOL ở Szazhalombatta, Hungary, hồi tháng 5. Ảnh: Reuters.

Châu Âu là khách hàng mua năng lượng lớn nhất của Nga. Theo Eurostat, dầu thô Nga chiếm 27% tổng kim ngạch nhập khẩu của khối vào năm 2021. Dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy mức nhập khẩu này tương đương khoảng 2,4 triệu thùng mỗi ngày và 35% trong số đó được vận chuyển qua đường ống Druzhba.

Nhưng dầu mỏ Nga vận chuyển bằng đường ống chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều đối với Hungary (86%), Cộng hòa Czech (97%) và Slovakia (100%).

Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho hay lệnh cấm mới của EU, vốn miễn trừ cho dầu nhập khẩu qua đường ống, là “cách tiếp cận tốt”, nhưng cảnh báo rằng cần phải có kế hoạch dự phòng trong trường hợp việc giao dầu không thuận lợi do sự cố.

Theo bình luận viên kỳ cựu Stanley Reed của NY Times, việc EU ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu dầu thô của quốc gia này, song chưa đủ để giáng đòn nặng nề vào Moskva như các lãnh đạo EU kỳ vọng.

Hiện tại, các nhà phân tích cho rằng hoạt động sản xuất dầu của Nga vẫn không bị ảnh hưởng đáng kể, khi các khách hàng châu Âu và những nước khác chớp lấy cơ hội mua dầu thô với mức giá thấp hơn khoảng 30 USD/thùng so với dầu thô Brent.

Kpler, công ty theo dõi hoạt động vận chuyển xăng dầu bằng đường biển, ước tính sản lượng dầu của Nga thực tế đã tăng khoảng 200.000 thùng/ngày trong tháng 5, lên mức 10,2 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, con số này thấp hơn khoảng 800.000 thùng/ngày so với mức khai thác hồi tháng hai.

Kpler ước tính lệnh cấm từ EU khi có hiệu lực sẽ khiến sản lượng dầu của Nga giảm một triệu thùng/ngày, chiếm khoảng 10% tổng lượng khai thác.

Các nhà phân tích cho rằng mức giảm này sẽ góp phần ảnh hưởng tới ngành năng lượng Nga trên diện rộng trong nhiều năm tới, khi các công ty dầu mỏ lớn rời khỏi đất nước và loạt lệnh trừng phạt khiến Nga không thể nhập khẩu công nghệ từ phương Tây.

Nhưng trước mắt, ngành sản xuất dầu Nga vẫn thể hiện khả năng chống chịu tốt. Xu hướng tăng sản lượng hiện nay diễn ra do các nhà máy lọc dầu Nga đẩy mạnh sản xuất sau thời gian bảo trì định kỳ và các khách hàng ngoài phương Tây phần nào bớt lo ngại về việc mua dầu của nước này.

“Nhiều khách hàng khác giờ đây đã quen với việc mua dầu Nga giữa loạt lệnh trừng phạt của phương Tây”, Viktor Katona, nhà phân tích tại Kpler, nói.

Lượng dầu xuất khẩu của Nga sang EU bằng đường biển đã giảm khoảng 440.000 thùng/ngày trong khoảng thời gian từ tháng hai đến tháng ba, nhưng sau đó duy trì tương đối ổn định ở mức khoảng 1,2 triệu thùng/ngày. Italy là khách hàng lớn của Nga, nhập khẩu khoảng 400.000 thùng/ngày, dù gần 1/4 lượng dầu đó được chuyển đến Trung Âu thông qua cảng Trieste.

Kpler ước tính trung bình 600.000 thùng dầu mỗi ngày được chuyển theo đường ống từ Nga tới các nước như Hungary, Slovakia, Ba Lan và Đức, trong tháng 5.

Công ty dầu mỏ Hungary MOL hồi đầu tháng cho biết lợi nhuận từ hoạt động lọc dầu của họ đã “tăng vọt” nhờ giá dầu thô Urals của Nga giảm. Chính phủ Hungary từng kiên quyết chống lại các lệnh trừng phạt dầu Nga với lý do họ là quốc gia không giáp biển, không có lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào nguồn dầu nhập khẩu qua đường ống từ Nga.

Trong khi đó, nhiều khách hàng trên thế giới dường như đang ra sức tích trữ dầu giá rẻ của Nga. Ấn Độ là một trong số này, mua hơn 700.000 thùng mỗi ngày từ Nga trong tháng 5.

Theo Wednesday Group, một nhóm chuyên gia chuyên theo dõi hoạt động bán năng lượng của Nga, doanh thu từ dầu khí của Nga hiện nay vẫn bằng với thời điểm trước khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, khoảng một tỷ USD mỗi ngày.

Việc EU không cấm lập tức toàn bộ dầu mỏ Nga sẽ giúp Moskva có thêm thời gian quý giá để tìm khách hàng thay thế, trong đó châu Á là thị trường hứa hẹn nhất, theo bình luận viên Emily Rauhala và Quentin Aries từ Washington Post. Tuy nhiên, Nga khó lòng tìm được khách hàng có nhu cầu tương xứng với thị trường EU trong thời gian ngắn. Hơn nữa, việc thiết lập lại hệ thống xuất khẩu năng lượng sẽ tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc.

Edward Gardner, chuyên gia kinh tế tại công ty tư vấn và nghiên cứu độc lập Capital Economics, trụ sở ở London, dự đoán xuất khẩu dầu mỏ của Nga sẽ giảm khoảng 20% trong năm nay. Ông lưu ý EU có thể ứng phó “tương đối ổn” khi tìm kiếm các nhà cung cấp mới, nhưng giá dầu sẽ được duy trì ở mức cao tại châu Âu và các nơi khác.

Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu. Bấm vào hình để xem chi tiết.

Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu. Bấm vào hình để xem chi tiết.

“Tác động toàn cầu của việc giảm dầu Nga vào thị trường là nó sẽ khiến giá dầu tiếp tục tăng cao”, ông nói. Ngay cả khi sản lượng xuất khẩu dầu của Nga sụt giảm do lệnh cấm của EU, mức giá cao đó sẽ giúp Moskva bù đắp đáng kể tổn thất, giới chuyên gia đánh giá.

Vũ Hoàng (Theo NY Times, Washington Post)

  • Cấm dầu Nga – lựa chọn chông gai của châu Âu
  • Hành trình Ba Lan đoạn tuyệt khí đốt Nga
  • Khủng hoảng năng lượng thúc đẩy ganh đua Á – Âu

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*