Lính tình nguyện phương Tây vỡ mộng tại Ukraine

Dakota, cựu lính thủy quân lục chiến Mỹ trở về sau khi đăng ký tình nguyện chiến đấu tại Ukraine, cho biết điều đáng sợ nhất khi tới đây không phải các đợt pháo kích. “Chuyện thường”, câu cửa miệng của Dakota, đã trở thành một trong những lời bông đùa phổ biến nhất ở đơn vị lính tình nguyện nước ngoài.

Điều không bình thường là cảm giác sợ hãi mỗi khi anh tìm chỗ nấp và nghe tiếng trực thăng vũ trang Nga bắn phá dữ dội vào đúng vị trí Dakota và nhóm săn xe tăng của mình vừa rời đi.

Dakota tại quê nhà ở bang Ohio của Mỹ. Ảnh: Washington Post.

Dakota tại quê nhà ở bang Ohio của Mỹ. Ảnh: Washington Post.

Dakota, 24 tuổi, đã quyết định trở về nhà ở bang Ohio của Mỹ sau 7 tuần tham chiến tại Ukraine. Anh là một trong hàng nghìn tình nguyện viên phương Tây đến chiến đấu cùng quân đội Ukraine để chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Anh đề nghị giữ kín tên tuổi đầy đủ vì lo ngại cho an toàn của chính mình và người thân.

Hàng loạt lính tình nguyện Mỹ đã mô tả những khác biệt “một trời một vực” giữa kỳ vọng với trải nghiệm thực tế trên chiến trường Ukraine. Họ kể về những trận đánh bị áp đảo hoàn toàn về trang bị và hỏa lực, những lần bắn nổ xe tăng đối phương, cũng như cảm giác giằng xé về việc có trở lại Ukraine nay không. Nhiều người muốn tiếp tục quay lại đó, trong khi số khác quyết định sẽ không tới Ukraine nữa sau khi chứng kiến bạn bè mình thiệt mạng.

Số lính tình nguyện Mỹ đang chiến đấu tại Ukraine không được xác định, nhưng có ít nhất 4.000 người đã bày tỏ mong muốn đến nước này hồi cuối tháng 2, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự. Trong số này không có quân nhân tại ngũ của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Joe Biden khuyến cáo người Mỹ không đến Ukraine tham chiến, nhưng cho hay không có đạo luật nào ngăn chặn điều đó.

Nhiều cựu binh Mỹ muốn tham chiến ở Ukraine vì tự tin vào kinh nghiệm chiến đấu, muốn áp dụng kỹ năng của mình trong xung đột. Nhưng không ít người trong số này chưa từng được triển khai đến khu vực chiến sự hoặc chỉ có kinh nghiệm đối đầu với phiến quân, thay vì xung đột với quân đội chính quy của một cường quốc, với những đợt pháo kích không ngừng nghỉ và những máy bay không người lái (UAV) được trang bị công nghệ trinh sát hiện đại.

Ukraine bắt đầu thành lập Quân đoàn Quốc tế vài ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước này. Kiev cam kết miễn thị thực nhập cảnh cho những người nước ngoài sẵn sàng đến nước này tham chiến chống lại lực lượng Nga. Những người này được đề nghị đến đăng ký tại các đại sứ quán của Ukraine ở phương Tây và ra chiến trường.

Quân đội Nga gọi những tay súng tình nguyện phương Tây này là “lính đánh thuê nước ngoài” và thường xuyên tiến hành các cuộc tập kích tên lửa vào vị trí tập trung của họ.

Thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, hôm 17/4 cho biết ước tính khoảng 6.824 lính đánh thuê nước ngoài từ 63 quốc gia đã đến Ukraine để chiến đấu cho chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Tuy nhiên, Ukraine đầu tháng 4 thông báo dừng hoàn toàn hoạt động tuyển mộ cho Quân đoàn Quốc tế. Một phát ngôn viên của Quân đoàn quốc tế Ukraine nói với truyền thông Canada rằng việc đưa lính tình nguyện chưa qua đào tạo đến mặt trận đang biến thành trở ngại thay vì trợ giúp, và nguồn cung cấp vũ khí, đạn cũng đang cạn kiệt.

Việc tuyển mộ cũng bị ảnh hưởng sau cuộc tấn công tên lửa của Nga san phẳng trung tâm đào tạo lính đánh thuê nước ngoài gần thành phố Lviv, tây Ukraine. “Có tới 180 lính đánh thuê nước ngoài và lượng lớn vũ khí nước ngoài đã bị tiêu diệt”, ông Konashenkov cho biết vào thời điểm đó.

Hồ sơ của thủy quân lục chiến Mỹ cho thấy Dakota là xạ thủ tên lửa chống tăng với 4 năm kinh nghiệm huấn luyện. Anh chưa từng thực chiến, nhưng đã đến Afghanistan với tư cách nhà thầu quốc phòng.

Dakota xin bảo lưu năm nhất cao đẳng để tới Ukraine chỉ vài ngày sau khi chiến sự bùng phát. Các chỉ huy người Ukraine tỏ ra hào hứng khi có thể tận dụng kiến thức sử dụng tên lửa chống tăng Javelin từ cựu binh Mỹ này.

Dakota và đồng đội nước ngoài được phối thuộc cho một đơn vị quân đội Ukraine và di chuyển từ biên giới đến thủ đô Kiev bằng xe buýt. Họ được điều động đến một ngôi làng đang xảy ra giao tranh ở tây bắc Kiev vào đầu tháng 3. Lực lượng này được cung cấp vũ khí chống tăng và tên lửa Javelin, nhưng không có pin cho cụm điều khiển. “Không có nguồn điện thì khí tài không thể vận hành”, Dakota nói.

Tình nguyện viên Anh đến thành phố Lviv, miền tây Ukraine, hồi tháng 3. Ảnh: Reuters.

Lính tình nguyện Anh đến thành phố Lviv, miền tây Ukraine, hồi tháng 3. Ảnh: Reuters.

Nga pháo kích dữ dội khu vực tuần tra của Dakota ngay trong đêm đầu tiên. Tới đêm hôm sau, 8 trong 20 lính tình nguyện cùng đơn vị Dakota đã trốn khỏi vị trí. Trong số này có một cựu lính thủy đánh bộ Mỹ, người dường như đã lấy đá đập hỏng khẩu súng của mình. Một người khác giả vờ bị thương để bỏ trốn.

Dakota tham gia nhiều trận đánh ở khắp tỉnh Kiev, trước khi được điều đến khu vực miền nam để huấn luyện binh sĩ Ukraine sử dụng tên lửa Javelin. Tại đây, “tổ săn tăng” của Dakota phóng tên lửa trúng một xe thiết giáp Nga đang đậu trên đường.

Pháo binh Nga tập kích vị trí của họ chỉ sau nửa tiếng, buộc nhóm của Dakota phải rút lui trong đêm. Một tuần sau, anh liên tục có cảm giác buồn nôn, trước khi được chẩn đoán tổn thương não do sóng xung kích từ các vụ nổ. Dakota rời Ukraine cuối tháng 4 và đang phục hồi sức khỏe ở Mỹ.

Mỗi lính tình nguyện phương Tây lại có nỗi thất vọng khác nhau. Pascal, cựu binh quân đội Đức, cho biết rắc rối xuất hiện ngay từ nhiệm vụ đầu tiên.

Họ nghi ngờ bộ đàm hai chiều bị lực lượng Nga giám sát và không có pin dự phòng, buộc cả nhóm dùng điện thoại di động thông thường và ứng dụng nhắn tin WhatsApp để liên lạc. “Không lâu sau khi trao đổi kế hoạch chiến đấu, vị trí của chúng tôi bị pháo kích ác liệt”, Pascal nói.

Lính nước ngoài cũng không được cung cấp đầy đủ thông tin trong nhiều nhiệm vụ, khiến họ không biết vị trí của mình và lực lượng Nga. Có một ngày, nhóm của Pascal bị công kích từ vị trí được cho là của quân đội Ukraine trong trận đánh ở tây bắc Mykolaiv, thành phố cảng chủ chốt ở tây nam Ukraine. Họ không thể nối liên lạc để xác nhận thông tin, nên cử hai thành viên đi kiểm tra và không trở về sau loạt tiếng súng gần đó.

Cục diện chiến trường Ukraine. Đồ họa: Washington Post.

Cục diện chiến trường Ukraine. Đồ họa: Washington Post.

Những người còn lại trong đội cũng bị tập kích bằng nhiều loại hỏa lực, kể cả pháo hạng nặng, khiến một người thiệt mạng tại chỗ. Willy Joseph Cancel, một cựu lính thủy đánh bộ Mỹ 22 tuổi, bị thương nặng khi trúng mảnh pháo.

Pascal và đồng đội tìm cách cứu chữa cho Cancel, nhưng nỗ lực cầm máu của họ thất bại. Các lính tình nguyện còn sống sót quyết định rút lui và bỏ lại hai thi thể.

Đó là nhiệm vụ cuối cùng của Pascal. Anh trở về Ba Lan và gặp một tình nguyện viên Mỹ ở quán rượu tại Warsaw. Họ sử dụng công cụ dịch tự động để trò chuyện và an ủi lẫn nhau. “Chúng tôi không có cơ hội nào ngay từ đầu. Tôi luôn tự hỏi tại sao mình sống sót còn người khác thì không”, Pascal cho hay.

Vũ Anh (Theo Washington Post)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*