Ngày thứ 70 chiến sự: Nga không kích toàn lãnh thổ Ukraine

Lực lượng Nga ngày 4/5 tiến hành hàng loạt cuộc không kích nhắm vào nhiều mục tiêu trải dài từ cực đông bắc tới phía tây và phía nam trên toàn lãnh thổ Ukraine, trong đó có khu vực xung quanh Lviv, thành phố phía tây gần biên giới Ba Lan và cũng là cửa ngõ vận chuyển vũ khí của NATO tới Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, thiếu tướng Igor Konashenkov, cho biết các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng đường sắt nhằm làm gián đoạn quá trình chuyển vũ khí của phương Tây tới Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong khi đó cáo buộc phương Tây đang “nhồi nhét vũ khí cho Ukraine”.

Khi chiến sự ở vùng Donbass ngày một căng thẳng, Ukraine nhiều lần thúc giục phương Tây tăng cường cung cấp vũ khí cho nước này. Đức, quốc gia ban đầu e dè gửi vũ khí tới Ukraine, hôm 4/5 cũng tuyên bố đang xem xét cung cấp cho Kiev 7 tổ hợp lựu pháo Panzerhaubitze 2000 (PzH 2000), được đánh giá là mẫu pháo tự hành uy lực hàng đầu thế giới.

Vùng núi Transcarpathia, giáp biên giới Hungary, lần đầu tiên trở thành mục tiêu bị không kích. Xa hơn về phía tây, giáp biên giới Slovakia, giới chức quân sự khu vực Zakarpattia cho biết một cuộc tấn công bằng tên lửa đã nhắm vào khu vực đồi núi tại đây.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết tên lửa Nga đã tập kích 4 đài radar cảnh giới đường không, 6 nhà kho chứa đạn pháo và tên lửa, cùng một đài radar phản pháo do Mỹ chế tạo tại vùng Krasny Liman, Kramatorsk thuộc tỉnh Donetsk và Kamyshevakh ở tỉnh Zaporizhia, miền đông Ukraine.

Máy bay Nga cũng phóng nhiều tên lửa chính xác cao vào các mục tiêu tại tỉnh Donetsk và Lugansk, phá hủy ba đài radar điều khiển hỏa lực của hệ thống phòng không S-300, một tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Tochka-U, tên lửa phòng không tầm ngắn OSA-AKM và ba bệ pháo phản lực phóng loạt BM-21 Grad.

Khói bốc lên từ khuôn viên nhà máy Azovstal, Mariupol, Ukraine, hôm 29/4. Ảnh: AFP.

Khói bốc lên từ khuôn viên nhà máy Azovstal, Mariupol, Ukraine, hôm 29/4. Ảnh: AFP.

Theo đánh giá từ Bộ Quốc phòng Anh, ngoài khu vực Donbass, quân Nga dường như đang cố gắng tiến về phía đông bắc Ukraine để tìm cách cô lập lực lượng Ukraine ở miền đông. Tuy nhiên, giới chức Anh nhận định nỗ lực của Moskva đang diễn ra chậm chạp, khi Ukraine sử dụng chiến đấu cơ và vũ khí tầm xa để nhắm vào các mục tiêu của Nga.

Tại thành phố cảng Mariupol, đôngnam Ukraine, nơi lực lượng Nga kiểm soát phần lớn, nhóm binh sĩ Tiểu đoàn Azov cố thủ trong nhà máy Azovstal đã bị vây chặt nhưng không chấp nhận đầu hàng.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 4/5 cũng bác bỏ cáo buộc của Ukraine rằng lực lượng Nga đã mở một đợt “tấn công lớn” vào nhà máy Azovstal. “Tổng tư lệnh tối cao đã ra mệnh lệnh ngừng tấn công”, ông Peskov nói, đề cập đến Tổng thống Vladimir Putin. “Không có đợt tấn công nào vào nhà máy cả”.

Hơn 100 dân thường đã được sơ tán khỏi nhà máy Azovstal nhờ nỗ lực phối hợp của Liên Hợp Quốc và Hội Chữ thập Đỏ Quốc tế.

Quân đội Nga xác nhận đang không kích, pháo kích vào nhà máy Azovstal nhưng không sử dụng lực lượng bộ binh. Thị trưởng Mariupol Vadym Boichenko cho hay đã đứt kết nối với Tiểu đoàn Azov bên trong nhà máy.

Tình báo quân đội Ukraine cáo buộc Nga đang lên kế hoạch tổ chức duyệt binh tại Mariupol nhân kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5. Thị trưởng Mariupol Vadym Boichenko cũng xác nhận một số hoạt động dọn dẹp đang diễn ra ở thành phố, dường như chuẩn bị cho sự kiện nào đó. Nga chưa bình luận về thông tin này.

Trong khi đó, châu Âu đang tìm cách tăng sức ép trừng phạt với Nga. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 4/5 kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) áp lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga.

EU được cho là đã hoàn tất dự thảo kế hoạch cho gói trừng phạt nhằm vào dầu thô Nga, nhưng một số nước trong khối đang tìm cách không tham gia lệnh cấm vận. Theo đề xuất, EU sẽ cấm nhập khẩu dầu Nga theo giai đoạn 6-8 tháng, trong khi Hungary và Slovakia, hai quốc gia phụ thuộc rất lớn vào dầu Nga, được phép kéo dài thêm vài tháng.

Các đại sứ từ 27 quốc gia thành viên EU sẽ họp để xem xét sơ bộ kế hoạch cấm dầu Nga, nhưng Hungary hôm 4/5 cho biết không ủng hộ đề xuất của EU vì cho rằng phương án này sẽ hủy hoại an ninh năng lượng quốc gia. Gói trừng phạt cần được sự đồng thuận của toàn bộ quốc gia thành viên, trong đó có Hungary, trước khi có hiệu lực.

Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) tới nay đã ghi nhận hơn 5,6 triệu người Ukraine đã rời đất nước sau ngày 24/2, thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền (OHCHR) ngày 4/5 báo cáo tổng cộng 6.635 trường hợp thương vong dân thường ở Ukraine, trong đó 3.238 người chết và 3.397 người bị thương. Cơ quan này cảnh báo con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Hướng thọc sâu của Nga ở miền đông Ukraine. Bấm vào hình để xem chi tiết.

Hướng thọc sâu của Nga ở miền đông Ukraine. Bấm vào hình để xem chi tiết.

Ngọc Ánh (Theo AP/AFP/Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*